Khánh Hòa: Kinh tế tăng trưởng toàn diện

10:00 | 06/12/2024

|
Theo dự báo, kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024 sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng ở mức 2 con số. Các ngành, lĩnh vực đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, duy trì mức tăng trưởng đứng đầu cả nước và là năm thứ 3 liên tiếp có mức tăng cao.

Băng băng về đích

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 11 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 29,87%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,26%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt gần 3,2 tỷ USD, tăng 13,95% (xuất khẩu đạt 1,88 tỷ USD, tăng 17,51% và nhập khẩu đạt 1,3 tỷ USD, tăng 9,21%)…

Khánh Hòa: Kinh tế tăng trưởng toàn diện
Hoạt động sản xuất tại Xí nghiệp May Khatoco.

Dự báo, kết thúc năm 2024, cả 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước tăng 10,16% so với năm 2023 (kế hoạch 8,1%); thu ngân sách nhà nước ước đạt 20.073 tỷ đồng (kế hoạch 16.687 tỷ đồng), tăng 11,6% và vượt 20,3% kế hoạch; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều 2022 - 2025) ước đạt 0,77% (kế hoạch 0,48%)... Với sự tăng trưởng như dự báo, đây là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh đạt GRDP ở mức 2 con số và giữ vững ở nhóm các địa phương tăng trưởng cao nhất của cả nước.

Trong năm, tỉnh cũng đã hoàn thành hồ sơ quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tiếp tục chỉ đạo rà soát, điều chỉnh phù hợp; công tác giải ngân đầu tư công được chỉ đạo tập trung với quyết tâm cao; công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội đã thực hiện thường xuyên, ứng phó với thiên tai, mưa lũ được chủ động triển khai. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục được chú trọng; quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững.

Khánh Hòa: Kinh tế tăng trưởng toàn diện
Hoạt động vận chuyển hàng xuất khẩu tại Cảng Tổng hợp Nam Vân Phong.

Bên cạnh đó, an sinh xã hội tiếp tục được tỉnh rất quan tâm chú trọng. Trong năm, UBND tỉnh đã triển khai đề án Sữa học đường tại 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh giai đoạn 2024 - 2030; toàn bộ trẻ nhà trẻ (từ 12 đến 36 tháng tuổi), trẻ mẫu giáo (từ 3 đến 6 tuổi) các trường mầm non, các trường mẫu giáo, nhóm lớp độc lập tư thục trên địa bàn 2 huyện được uống sữa 5 lần/tuần, mỗi lần 1 hộp sữa tươi tiệt trùng có đường trong 9 tháng/năm học (trừ 3 tháng hè). Tổng kinh phí để thực hiện đề án này là hơn 61,53 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ 75%, đơn vị trúng thầu cung cấp sữa hỗ trợ 25%). Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện chính sách hỗ trợ 100 % học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục công lập năm học 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, năm 2024, với sự lãnh đạo toàn diện, sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy cùng sự giám sát, đồng hành của HĐND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tiếp tục nỗ lực, quyết liệt chỉ đạo, điều hành trên tất cả các lĩnh vực công tác; do đó, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao so với năm trước. Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương quyết liệt triển khai và thực hiện đồng bộ các nghị quyết của Chính phủ, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỉ trọng gia công, lắp ráp. Tập trung tháo gỡ khó khăn các dự án công nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn và liên tiếp tổ chức xúc tiến đầu tư ở các nước có nền kinh tế phát triển nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở những năm tiếp theo.

Tạo tiền đề cho năm 2025

Bà Lê Thị Trúc Phương - Cục Trưởng Cục Thống kê cho biết, sở dĩ năm 2024 dự báo kinh tế Khánh Hòa có sự phát triển mạnh mẽ bởi các lĩnh vực mũi nhọn và thế mạnh của tỉnh vẫn duy trì được mức tăng trưởng đều đặn và ở mức cao. Trong đó, công nghiệp, du lịch, thủy sản vẫn là những lĩnh vực đóng góp mạnh vào sự tăng trưởng. Lĩnh vực công nghiệp có bước tăng trưởng đột phá trong năm vừa qua chủ yếu từ việc Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 đi vào vận hành; nhà máy đã đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng trong sản xuất điện. Trong những năm tới, dự địa phát triển của công nghiệp vẫn còn nhiều do công suất của Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 vẫn chưa đạt công suất cực đại; cùng với đó, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp đã hoàn thiện và đang thu hút đầu tư thứ cấp. Khi các doanh nghiệp thứ cấp hoàn thành xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động thì sẽ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng.

Khánh Hòa: Kinh tế tăng trưởng toàn diện
Ngành điện đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng của công nghiệp tỉnh. (Trạm biến áp 500kV Vân Phong).

Nhằm phấn đấu để tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt được kết quả như dự báo, tạo đà thuận lợi bước vào năm 2025, làm tiền đề vững chắc để hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và chuẩn bị vững chắc cho nhiệm kỳ mới. Từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh tiếp tục yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương lưu ý nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Đó là rà soát, đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm đạt và vượt hơn nữa những chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 so với dự báo. Khẩn trương triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả sau khi có kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đảm bảo bộ máy mới đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả ngay, thông suốt, không để gián đoạn công việc.

Khánh Hòa: Kinh tế tăng trưởng toàn diện
Hoạt động đóng tàu tại Nhà máy Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam.

Trong giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giải ngân đạt tỷ lệ từ 95% trở lên trong năm 2024 (hết 31-1-2025). Thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia, của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sử dụng hiệu quả các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, chậm tiến độ để chống thất thoát, lãng phí. Tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án, nhất là công tác xác định giá đất, bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, sớm hoàn thành trình phê duyệt các đồ án quy hoạch vùng huyện (Khánh Sơn), quy hoạch phân khu trên địa bàn TP. Nha Trang và Khu Kinh tế Vân Phong; hoàn thành việc rà soát hiện trạng cơ sở hạ tầng đô thị để xây dựng Đề án phân loại đô thị và nâng cấp đơn vị hành chính đến năm 2030 của từng địa phương; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê phục vụ theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển đô thị; hoàn chỉnh, trình Bộ Xây dựng thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Khánh Hòa đến năm 2045. Tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, Đề án 06 của Chính phủ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chuyển đổi số. Tập trung rà soát, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những "điểm nghẽn", "nút thắt" để phát triển kinh tế - xã hội.

Ông NGUYỄN TẤN TUÂN - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Hết 11 tháng toàn tỉnh đã hoàn thành 22/22 chỉ tiêu năm 2024. Việc về đích sớm hơn 1 tháng là sự nỗ lực rất lớn của các sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mục tiêu trong năm 2025, tỉnh sẽ tập trung phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Kế hoạch tăng trưởng kinh tế tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025 đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất.

Cùng với đó, sẽ giữ vững tăng trưởng kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả; phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư toàn xã hội; tăng tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Ngoài ra, tỉnh chú trọng phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nguồn: Kinh tế Khánh Hòa tăng trưởng toàn diện

Đình Lâm

baokhanhhoa.vn