Khánh Hòa: Những người "truyền lửa" bảo tồn di sản văn hóa
Một đời tâm huyết
Ở tuổi 50, nghệ nhân Nguyễn Thị Phương Uyên (thôn Thạnh Mỹ, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa) đang độ chín khi hội đủ các yếu tố sự am hiểu, kỹ năng biểu diễn và nhất là tâm huyết với nghề. “Tôi sinh ra trong gia đình có cha mẹ đều theo nghệ thuật truyền thống. Từ nhỏ, tôi đã được truyền dạy những làn điệu cơ bản của nghệ thuật bài chòi là xuân nữ, xàng xê, được "truyền lửa" tình yêu, niềm đam mê với bộ môn bài chòi. Chính vì thế, khi lớn lên tôi đã tìm hiểu, tập luyện, học hỏi thêm về nghệ thuật bài chòi được thuần thục hơn”, nghệ nhân Phương Uyên cho biết.
![]() |
Nghệ nhân Nguyễn Thị Phương Uyên hát bài chòi trong Liên hoan các làng văn hóa tỉnh năm 2023. |
Hành trình theo đuổi nghệ thuật bài chòi của nghệ nhân Nguyễn Thị Phương Uyên đòi hỏi một tình yêu lớn với loại hình này. Bản thân bà vừa biết hát đờn ca tài tử, vừa biết hát tuồng và cả hai loại hình nghệ thuật này đều được khán giả ở các làng quê Ninh Hòa yêu thích. Trong khi đó, nghệ thuật bài chòi ở thị xã Ninh Hòa trong một thời gian dài đã vắng bóng khi không còn người hát, cũng chẳng có chỗ diễn. Vậy nhưng, nghệ nhân Phương Uyên vẫn kiên trì với niềm đam mê của mình. Và để có thêm động lực cho bản thân, bà đã tự tìm đến các cuộc thi biểu diễn nghệ thuật truyền thống, những gameshow truyền hình nhằm được biểu diễn, giới thiệu về nghệ thuật bài chòi Khánh Hòa.
Từ năm 2019 đến nay, sự khởi sắc của phong trào hô hát bài chòi ở thị xã Ninh Hòa có sự đóng góp tích cực của nghệ nhân Nguyễn Thị Phương Uyên. Sau lớp tập huấn về nghệ thuật bài chòi do Nghệ nhân Nhân dân Minh Đức (tỉnh Bình Định) trực tiếp truyền dạy, nghệ nhân Phương Uyên đã trở thành một trong những hạt nhân để khôi phục nghệ thuật bài chòi ở thị xã Ninh Hòa. Với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài chòi cổ Ninh Hòa, bà đã động viên, kết nối các thành viên để tích cực tham gia biểu diễn phục vụ người dân ở các xã, phường, trường học trên địa bàn thị xã.
Với nghệ nhân Nguyễn Sỹ Huynh (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang),
năm nay đã ở tuổi 77, nhưng ông vẫn rất tích cực trong hoạt động trình diễn nghệ thuật hò bá trạo. Mới đây, trong lễ hội cầu ngư ở lăng đình Trường Tây (phường Vĩnh Nguyên), chúng tôi vẫn thấy ông khi thì chỉ dẫn cho các trạo phu cách nhảy múa, lúc lại đánh trống giữ nhịp cho từng phần diễn, rồi có đoạn ông đảm nhận việc hò hát các làn điệu…
![]() |
Nghệ nhân Nguyễn Sỹ Huynh biểu diễn cùng đội hò bá trạo của lăng đình Trường Tây. |
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), năm 16 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Sỹ Huynh đã theo học nghệ thuật hò bá trạo từ bác ruột của mình. Sau khi chuyển vào TP. Nha Trang sinh sống, nghệ nhân Nguyễn Sỹ Huynh vẫn giữ tình yêu với bộ môn hò bá trạo. “Năm 1982, với sự nỗ lực của bản thân, sự ủng hộ của địa phương, tôi đã thành lập được đội bá trạo gồm 19 người để phục vụ lễ hội cầu ngư tại lăng đình Trường Tây. Đến năm 2003, tôi tham gia phổ biến, truyền dạy để hình thành nên đội bá trạo của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Năm 2005, tôi tiếp tục góp phần vào việc hình thành nên đội bá trạo tại Tổ dân phố Vũng Ngán (phường Vĩnh Nguyên)”, nghệ nhân Nguyễn Sỹ Huynh chia sẻ.
Với những ai quan tâm đến nghệ thuật hò bá trạo thì nghệ nhân Nguyễn Sỹ Huynh là gương mặt quen thuộc. Trong các kỳ Festival Biển đã được tổ chức, nghệ nhân Nguyễn Sỹ Huynh luôn xuất hiện trình diễn cùng với đội bá trạo đình lăng Trường Tây để phục vụ khán giả. Trong các dịp lễ hội cầu ngư ở nhiều đình làng trên địa bàn TP. Nha Trang, mọi người cũng thấy ông xuất hiện biểu diễn. Những kỹ năng của ông trong cách sắp đội hình nhảy, múa; gác chèo, dâng chữ; hò bá trạo; chèo hát hò bá trạo; đóng các nhân vật tổng thương, tổng lái, tổng mũi, trạo phu trong hò bá trạo… là điều không mấy người còn nắm giữ được. Hơn 60 năm gắn bó với hò bá trạo, đối với nghệ nhân Nguyễn Sỹ Huynh đó là hành trình của niềm đam mê quá lớn. “Nhìn lại, tôi thấy tự hào vì được góp chút công lao của mình trong việc giữ gìn vốn văn hóa dân gian, cũng như được tham gia vào nhiều sự kiện văn hóa quan trọng diễn ra trên địa bàn TP. Nha Trang. Hiện tại, chúng tôi đang gấp rút chuẩn bị cho hoạt động trình diễn trong Festival Biển 2025”, ông Huynh cho biết.
Tích cực truyền bá di sản
Điểm chung là cả hai nghệ nhân Nguyễn Thị Phương Uyên và Nguyễn Sỹ Huynh đều rất tích cực trong việc truyền dạy các loại hình nghệ thuật truyền thống đến những người xung quanh, nhất là với thế hệ trẻ. “Tôi luôn cố gắng động viên, kèm cặp cho từng thành viên mới vào đội, nhất là những người trẻ. Có như vậy, bộ môn hò bá trạo mới được lưu truyền lâu dài”, nghệ nhân Nguyễn Sỹ Huynh tâm sự. Còn nghệ nhân Nguyễn Thị Phương Uyên cho biết: “Thời gian qua, thị xã Ninh Hòa có mở các lớp truyền dạy nghệ thuật bài chòi và tôi may mắn được chọn làm người để truyền dạy. Sau khi lớp học kết thúc, nhiều người đã tìm đến gia đình tôi để học hỏi thêm, trong đó có một số em nhỏ có niềm yêu thích nghệ thuật bài chòi”.
Đến thời điểm này, nghệ nhân Nguyễn Sỹ Huynh đã trực tiếp đào tạo cho rất nhiều người đóng các vai trạo phu, cũng như góp phần xây dựng nên nhiều đội hò bá trạo cho các lăng, đình trên địa bàn TP. Nha Trang. Trong đó, đáng chú ý có những người đã yêu thích và gắn bó lâu năm với nghệ thuật hò bá trạo như các ông: Nguyễn Hoàng Lộc (vai tổng mũi), Võ Thế Anh (vai tổng lái), Phan Đình Hoàng (người dẫn đầu đoàn bá trạo)… “Nghệ thuật hò bá trạo là sự tái hiện hành trình đi biển của ngư dân nên cảm thấy rất gần gũi, dễ tiếp thu. Vậy nên, tôi đã theo học nghệ nhân Nguyễn Sỹ Huynh và được truyền dạy nhiều kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về bộ môn này. Để từ vai trạo phu, dần dần tôi đã có thể đảm nhận vai dẫn đầu đoàn bá trạo. Đây là vai có nhiệm vụ hướng dẫn, mô phỏng các động tác nhảy, múa, hò hát, tạo hình để tăng sự hấp dẫn cho buổi diễn”, ông Phan Đình Hoàng cho biết.
![]() |
Đội hò bá trạo của lăng đình Trường Tây biểu diễn phục vụ khán giả tại Quảng trường 2 tháng 4. |
Với nghệ nhân Nguyễn Thị Phương Uyên, bên cạnh nỗ lực duy trì số lượng các thành viên Câu lạc bộ Bài chòi cổ Ninh Hòa, bà còn chủ động đi tìm kiếm các nhân tố mới từ phong trào văn nghệ ở địa phương để truyền dạy nghệ thuật bài chòi. Trong đó, bà đặc biệt chú ý lựa chọn những học sinh có năng khiếu, niềm yêu thích với bộ môn này để truyền dạy. Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với hai cháu Nguyễn Tấn Khang, Lê Huyền Trân (học sinh Trường THCS Quang Trung, xã Ninh Quang), là những thành viên nhỏ tuổi tham gia tích cực các hoạt động văn nghệ của thị xã. Được sự kèm cặp của nghệ nhân Nguyễn Thị Phương Uyên, hai cháu đã dần tự tin biểu diễn hô hát bài chòi trong vai trò của một “anh Hiệu” hô bài. “Cháu rất thích nghe hát và xem biểu diễn bài chòi. Vì thế, cháu đã tham gia vào Câu lạc bộ Bài chòi cổ Ninh Hòa được nhiều năm nay. Được nghệ nhân Nguyễn Thị Phương Uyên tận tình chỉ dạy, từ chỗ chỉ hát được một số làn điệu, bài bản phổ biến, đến nay, cháu đã có thể biểu diễn được nhiều làn điệu, cũng như hô hát được nhiều quân bài” - Nguyễn Tấn Khang chia sẻ.
Mỗi lần có dịp tiếp xúc với nghệ nhân Nguyễn Thị Phương Uyên và Nguyễn Sỹ Huynh, chúng tôi càng thêm trân trọng và tin tưởng các di sản bài chòi, bá trạo sẽ tiếp tục được lưu giữ, lan truyền. Cả hai nghệ nhân cũng là tấm gương để những người khác có niềm đam mê, yêu thích các loại hình nghệ thuật truyền thống vững tin gắn bó theo nghề.
Ông LÊ VĂN HOA - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Hai nghệ nhân Nguyễn Thị Phương Uyên và Nguyễn Sỹ Huynh là những người tâm huyết, tận tụy với nghề, mẫu mực trong thực hành, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, đây là những nghệ nhân được đồng nghiệp và cộng đồng dân cư ghi nhận, mến mộ. Cả hai đều có tài năng, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc về loại hình di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi, hò bá trạo; đồng thời có nhiều việc làm thiết thực để bảo vệ, phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa bản thân đang nắm giữ. Chính vì thế, sau thời gian lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng, Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân của tỉnh đã thống nhất đề xuất lên Hội đồng cấp bộ để xét danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú đối với 2 nghệ nhân này. |
Nguồn: Những người "truyền lửa" bảo tồn di sản văn hóa
Giang Đình
baokhanhhoa.vn
- Khánh Hòa: Nỗ lực phát triển nuôi biển công nghệ cao
- Niềm vui mới của đồng bào Co ở Nóc Ông Đến
- Dự kiến sau sắp xếp, Hà Giang còn 74 đơn vị hành chính cấp xã
- Khánh Hòa: Lữ đoàn 146 tuyên truyền biển, đảo cho hơn 1.200 học sinh
- Lâm Đồng: Lạc Dương thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Bắc Giang: Từ vườn tạp thành vườn mẫu
-
Khánh Hòa: Quyết tâm phát triển du lịch xanh
-
Duyên dáng Sắc hương xứ Trà 2025: Sân chơi mới cho nữ sinh Việt tỏa sáng
-
Vinamilk tặng 50.000 hộp sữa cho thiếu nhi TP.HCM hướng đến sự kiện đặc biệt 30/4
-
Hà Giang: Bắc Quang kiến tạo cuộc sống mới cho người nghèo
-
PV GAS D tổ chức “ra quân làm sạch môi trường biển” và trao tặng nhà tình thương
-
Manulife phối hợp cùng Diễn đàn Kinh tế thế giới phát động cuộc thi "Đổi mới vì tương lai dân số châu Á"
-
Ca sĩ Hòa Minzy tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó
-
Lisa (BLACKPINK) tạo hình ‘cực cháy’, khuấy động sân khấu 'Coachella 2025'
-
Khoa học công nghệ – động lực nội sinh của Hòa Phát