Kinh tế biển xanh

08:50 | 22/05/2022

|
Lần đầu tiên khái niệm kinh tế biển xanh được làm rõ trong Báo cáo “Kinh tế biển xanh - Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển” do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố.
Kinh tế biển xanh
Ảnh minh họa

Trước thực trạng đại dương đang phải đối mặt với những mối đe dọa và rủi ro ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, bản Báo cáo trên đã đưa ra kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam (kịch bản xanh lam) cho 6 lĩnh vực: ngư nghiệp, năng lượng tái tạo, dầu khí, du lịch, giao thông vận tải, môi trường và hệ sinh thái đến năm 2030.

UNDP nhấn mạnh Việt Nam có lợi thế đường bờ biển dài hơn 3.260 km; quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam chiếm khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước.

Sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kinh tế ven biển và các ngành kinh tế biển càng có vai trò quan trọng trong việc phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong đó, kinh tế biển xanh đang là xu hướng phát triển của thế giới, nhất là các quốc gia có biển.

Tuy nhiên, kinh tế biển là một mối tổng hòa của các ngành trên một môi trường biển có sự gắn kết chặt chẽ; sự phát triển của một ngành có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến các ngành khác.

Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam cần giảm sản lượng khai thác hải sản xuống mức bền vững tối ưu, phù hợp với trữ lượng nguồn lợi; cụ thể giảm sản lượng đánh bắt từ 3,6 triệu tấn hiện nay xuống còn 2,65 triệu tấn vào năm 2030. Đồng thời, phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.

Trong lĩnh vực hàng hải, Việt Nam cần xây dựng chiến lược mới phát triển đội tàu quốc gia theo hướng trẻ hóa, hiện đại, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về khí thải. Phát triển hệ thống 34 cảng biển, 278 bến cảng đồng bộ hệ thống dịch vụ logistics sau cảng, đảm bảo năng lực thông qua 1,4 tỷ tấn hàng hóa, sản lượng hàng hóa vận tải biển đạt 1 tỷ tấn vào năm 2030.

Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, UNDP khuyến nghị, tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam rất lớn, trong khi công nghệ và hiệu suất điện gió đang được cải tiến liên tục, giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh. Theo kịch bản xanh lam, Việt Nam cần hướng đến đạt 10.000MW điện gió biển đến năm 2030, cung cấp khoảng gần 40 tỷ kWh.

Đặc biệt, các khuyến cáo lưu ý, hệ sinh thái biển Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, nhất là mỗi ngày có khoảng 2.000 tấn rác thải nhựa rò rỉ ra biển. Nếu không có các hành động kiên quyết và mạnh mẽ kịp thời để bảo vệ đại dương tốt hơn, nhiều vùng đảo và vùng ven biển cùng các hệ sinh thái tự nhiên sẽ biến mất vào năm 2100 do mực nước biển dâng.

Nhằm tối ưu hóa phát triển kinh tế biển xanh, các kịch bản tăng trưởng kinh tế cần theo hướng nhanh hơn nhờ các yếu tố khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất kết hợp với bảo tồn hệ sinh thái và duy trì sự đa dạng sinh học. Đặc biệt là đẩy nhanh quy hoạch không gian biển, phân định rõ các khu chức năng, nhất là các chính sách để khai thác tiềm năng các ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo, dịch vụ và du lịch biển.

Rõ ràng, với việc xác định kinh tế biển xanh là xu hướng phát triển, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đang hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà chúng ta và các quốc gia đã đưa ra tại COP26.

Nhiều chuyên gia nhận định, với kịch bản xanh lam được áp dụng sẽ mang lại lợi ích vượt trội về sự đóng góp GDP của các ngành kinh tế biển. Theo đó, GDP của kịch bản xanh lam sẽ cao hơn mức tăng trưởng thông thường lần lượt là 12,9 tỷ USD vào năm 2025 và 23,5 tỷ USD vào năm 2030.

Nguồn: Kinh tế biển xanh

Thanh Thảo

bienphong.com.vn