Lai Châu: Đẩy mạnh truyền dạy nghề thủ công truyền thống

16:00 | 02/10/2024

|
Lai Châu có truyền thống phong phú, đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc của 20 dân tộc, trong đó phải kể đến nghề thủ công truyền thống được Nhân dân các dân tộc địa phương giữ gìn, phát huy và truyền dạy lại cho các thế hệ. Nhiều bản làng, trở nên nổi tiếng từ nghề thủ công truyền thống như: Sản xuất bánh, miến dong, nấu rượu, rèn, dệt... Từ đó, góp phần phát huy bản sắc văn hóa, thúc đẩy du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.
Lai Châu: Đẩy mạnh truyền dạy nghề thủ công truyền thống
Bà con dân tộc Lự xã Bản Hon (huyện Tam Đường) duy trì, giữ gìn, phát huy nghề đan lát.

Tháng 6/2024, Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Nậm Nhùn mở lớp truyền dạy kỹ thuật tạo hình trên trang phục dân tộc Mảng tại bản Huổi Van, xã Nậm Hàng. Thông qua lớp học, 25 học viên là phụ nữ dân tộc Mảng được trang bị kiến thức cơ bản và kỹ năng lựa chọn màu vải, trang trí hoa văn.

Em Phường Thị Hẹ, bản Huổi Van, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn tâm sự: “Bản thân em là người con dân tộc Mảng. Em rất yêu trang phục của dân tộc mình. Em tham gia lớp học và được các nghệ nhân truyền dạy thêu trang phục truyền thống. Sau này, em sẽ tự mình thêu được các hoa văn trên trang phục góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc Mảng”.

Nhắc đến xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu, người dân và khách du lịch biết đến với nghề truyền thống nấu rượu ngô của đồng bào dân tộc Mông. Rượu ngô Sùng Phài nổi tiếng không chỉ bởi vị thơm, cay nồng mà còn chất chứa bao tình cảm của người dân làng nghề truyền thống. Theo lời kể của chị Giàng Thị Chà - bản Sùng Chô, để nấu được rượu ngon chuẩn vị là từ việc dùng nồi gang, củi đun đến nguyên liệu chắt lọc từng hạt ngô và nguyên liệu chính cần có men (do người dân tự làm). Khi nấu bằng củi lửa, phải cháy đều, rượu phải được nấu với dòng nước tự nhiên, tinh cất lấy 30 - 40 độ là vừa đủ. Tôi sẽ giữ nghề nấu rượu này như việc giữ gìn bản sắc bản hóa dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ mai sau.

Lai Châu: Đẩy mạnh truyền dạy nghề thủ công truyền thống
Người dân tham gia lớp truyền dạy kỹ thuật tạo hình trang phục dân tộc Mảng tại bản Huổi Van, xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn).

Ở xã Tả Lèng (huyện Tam Đường), người dân nhắc nhiều đến ông Giàng A Lùng, bản Thèn Pả với 37 năm giữ gìn nghề rèn truyền thống. Những sản phẩm công cụ lao động như dao, lưỡi cày hay lưỡi cuốc, liềm… được ông tạo ra từ đôi bàn tay điêu luyện, khéo léo, kiên trì, sáng tạo. Điều này cũng thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Mông. Ông Lùng cho biết: “Mình theo nghề và giữ nghề đã 37 năm. Muốn tạo ra sản phẩm tốt, cần phải chọn được những chất liệu tốt cho việc rèn như những thanh thép tốt, cùng với đó là quá trình tôi thép, tạo hình sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm rèn. Mỗi công đoạn đều phải thực hiện một cách tỉ mỉ”.

Việc bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống, nhất là nghề rèn của người Mông nơi đây cũng được cấp ủy Đảng, chính quyền xã Tả Lèng quan tâm. Xã tuyên truyền người dân khôi phục, bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề rèn. Khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Xã cũng liên kết các đoàn khách du lịch để tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu nghề thủ công truyền thống ở địa phương, từ đó thúc đẩy kinh tế.

Lai Châu: Đẩy mạnh truyền dạy nghề thủ công truyền thống
Nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy kỹ thuật tạo hình trang phục dân tộc Mảng cho thế hệ trẻ

Toàn tỉnh Lai Châu hiện duy trì 4 danh hiệu làng nghề và 1 danh hiệu nghề truyền thống thuộc nhóm nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản như: Làng nghề sản xuất các loại bánh dân tộc tại bản San Thàng 1, xã San Thàng và nghề nấu rượu ngô truyền thống tại bản Sùng Chô (thành phố Lai Châu); Làng nghề sản xuất miến dong bản Hoa Lư, bản Vân Bình, bản Thống Nhất của xã Bình Lư (huyện Tam Đường. Để nghề thủ công truyền thống của mỗi dân tộc phát huy được ưu thế, các cấp, các ngành, địa phương khôi phục và phát triển nghề thủ công, mặt hàng thủ công, mỹ nghệ có lợi thế: dệt thổ cẩm, mây tre đan, sản xuất bông vải sợi, rượu… Trong đó vận dụng các chính sách khuyến công, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo để hỗ trợ thực hiện phát triển nghề truyền thống của địa phương. Tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con, đặc biệt là nhận thức cho thế hệ trẻ tham gia vào hoạt động của làng nghề. Gắn quảng bá với hướng đầu tư phù hợp để đa dạng hóa các mặt hàng truyền thống; mở các lớp truyền dạy kỹ năng cho những thế hệ trẻ…

Lai Châu: Đẩy mạnh truyền dạy nghề thủ công truyền thống
Trường THCS Ta Gia (huyện Than Uyên) xây dựng không gian văn hóa trong trường học nhằm lưu giữ nghề dệt vải truyền thống dân tộc Thái.

Ông Lê Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lai Châu cho biết: “Đẩy mạnh khuyến công, nhất là phát triển các làng nghề truyền thống, Sở tham mưu cho tỉnh ban hành Quyết định số 407/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lai Châu về phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí 75 tỷ 300 triệu đồng. Mục tiêu nhằm huy động các nguồn lực phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Chương trình còn dành một phần kinh phí để khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, du nhập phát triển ngành nghề mới gắn với Kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Việc triển khai phát triển nghề truyền thống không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn tạo ra giá trị kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động nông thôn”.

Nghề thủ công truyền thống đang được các nghệ nhân, người dân bảo lưu và phát triển không những góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống mà còn thúc đẩy sự phát triển của hoạt động du lịch, tăng thu nhập cho người dân.

Nguồn: Lai Châu: Đẩy mạnh truyền dạy nghề thủ công truyền thống

Phương Ly

baodantoc.vn