Lâm Đồng: Bản Cacao liên kết xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu Hàn Quốc

16:56 | 14/12/2024

|
Cây ca cao, loại cây trồng gặp nhiều thăng trầm tại vùng đất Cát Tiên (nay thuộc huyện Đạ Huoai) đang bước vào một chu kỳ ổn định. Đó chính là nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất và người nông dân trồng ca cao địa phương.
Lâm Đồng: Bản Cacao liên kết xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu Hàn Quốc
Nông dân Trần Văn Chương và vườn ca cao tham gia liên kết với Bản Cacao

Ông Trần Văn Chương, thôn Sơn Hải, xã Phước Cát 2, huyện Đạ Huoai đã có kinh nghiệm trồng ca cao từ năm 2009 với 100 cây ca cao đã 15 năm tuổi hiện đang cho thu hoạch ổn định 10 tấn/năm. Và, ông Trần Văn Chương đang trồng thêm 120 cây ca cao năm thứ 2. Ông Chương nhớ lại: “Ở vùng Phước Cát này, nhiều nhà trồng ca cao rồi lại phá bỏ, nguyên dải đất dọc sông, nhiều vườn ca cao tươi tốt cho trái rồi lại phá. Là do nông dân chúng tôi trồng nhưng đầu ra không ổn định. Hiện tại, ca cao của thôn Sơn Hải chúng tôi đã có đơn vị thu mua ổn định, nông dân chỉ việc trồng, chăm sóc, đầu ra đã có doanh nghiệp bao tiêu với giá tốt”.

Ông Trần Văn Chương là một trong số các nông hộ tham gia liên kết sản xuất ca cao của Công ty TNHH Bản Cacao, một doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp từ vùng đất Phước Cát 2, Đạ Huoai. Chị Bế Thị Thu Huyền - Giám đốc Công ty chia sẻ, cây ca cao vốn là một loại cây được cư dân Cát Tiên trồng nhiều. Bản thân chị cũng như những bạn trẻ đồng hành trong Công ty Bản Cacao rất tha thiết với việc tìm ra hướng đi cho loại nông sản của quê hương. Năm 2021, Công ty TNHH Bản Cacao ra đời, với thành viên là những người trẻ và mục tiêu sản xuất, chế biến hạt ca cao. Qua gần bốn năm trằn trọc, băn khoăn từ đầu ra cho tới chất lượng sản phẩm, năm 2024, Bản Cacao đã mở ra được hướng mở đầu tiên: xuất khẩu ca cao sang Hàn Quốc.

Chị Thu Huyền cho biết, rất tình cờ, Công ty Bản Cacao đã có đối tác từ Hàn Quốc thử nghiệm và chấp nhận được sản phẩm ca cao vùng đất Cát Tiên. Chị chia sẻ: “Từ một sự kiện tình cờ, đối tác Hàn Quốc biết tới hương vị và đặt những sản phẩm ca cao đầu tiên của chúng tôi. May mắn, hương vị ca cao Cát Tiên được thị trường Hàn Quốc chấp nhận. Chúng tôi đã có đơn hàng xuất khẩu socola viên 100% nguyên chất và 85% sử dụng đường ăn kiêng xuất khẩu. Đây là sản phẩm bảo vệ sức khỏe, cung cấp nhiều chất có lợi cho cơ thể nhưng không làm tăng cân. Khách hàng Hàn Quốc cũng cho biết, hương vị ca cao Cát Tiên có nét đặc biệt, may mắn chúng tôi đã tìm được ngách nhỏ trong thị trường ca cao rộng lớn”.

Và, doanh nghiệp trẻ của những người trẻ đã tìm được hướng đi cho hạt ca cao vùng đất Cát Tiên. Chị Bế Thị Thu Huyền thông tin, mùa khô là mùa thu hoạch cũng như chế biến ca cao ra các sản phẩm như socola, bột ca cao, bơ ca cao. Một tuần, Công ty Bản Cacao thu 2,5 tấn trái để đưa vào sản xuất. Đây cũng là một vấn đề cần được doanh nghiệp giải quyết triệt để nếu muốn ổn định đầu ra. Chị Thu Huyền cho biết: “Hàng ca cao xuất khẩu, yêu cầu đầu tiên là chất lượng hạt từ ngay vườn của nông dân. Vì vậy, chúng tôi đảm bảo chất lượng hạt ca cao từ khâu liên kết với nông hộ, thu mua trái tươi, chế biến từ đầu tới cuối để đảm bảo chất lượng ca cao tốt nhất. Vùng nguyên liệu của Cát Tiên hiện tại đang thiếu, Bản Cacao chưa đủ nguyên liệu đầu vào để sản xuất sản lượng lớn hơn. Chúng tôi đang liên kết với nông dân và sẽ tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu ổn định trong tương lai”.

Hiện tại, Công ty TNHH Bản Cacao đã xây dựng được liên kết với nông dân trong xã Phước Cát 2 thông qua Trung tâm Nông nghiệp. Công ty có 15 hộ liên kết với diện tích 6 ha, đã ký hợp đồng thu mua với những điều khoản chặt chẽ về chăm sóc cũng như chất lượng sản phẩm. Mùa ca cao 2024, công ty thu mua trái tươi với giá trên 10 ngàn đồng/kg. Đây là một mức giá ổn định, giúp người nông dân có thu nhập từ cây ca cao. Ông Trần Văn Chương, thành viên trong liên kết sản xuất ca cao chia sẻ, cây ca cao có thể trồng dưới tán cây điều, khi cây ca cao lớn, cho thu hoạch, lúc đó mới cần chặt cây điều. Vì vậy, nông dân vẫn có thu hoạch trong thời gian chờ cây ca cao phát triển. Ông cũng đánh giá, với giá cả như hiện tại, người nông dân có thu nhập ổn định từ ca cao. Cũng vì vậy, ông Trần Văn Chương cho biết, cư dân thôn Sơn Hải, xã Phước Cát đang chăm sóc vườn ca cao cũng như trồng mới một số diện tích. Ông Trần Văn Chương đánh giá: “Cây ca cao cơ bản dễ chăm sóc, cũng không đòi hỏi nhiều về nước tưới cũng như phân bón nên thích hợp với thôn Sơn Hải. Hiện tại, Công ty cũng như ngành Nông nghiệp của huyện hỗ trợ cho nông dân nhiều về kĩ thuật canh tác, giống. Có đầu ra ổn định là nông dân chúng tôi yên tâm”.

Ngoài đảm bảo chất lượng hạt từ vườn nông dân, Công ty TNHH đã tăng cường vốn, kĩ thuật, xây dựng tiêu chuẩn để xác định hướng đi lâu dài cho cây ca cao Cát Tiên. Chị Bế Thị Thu Huyền cho biết, khách hàng Hàn Quốc thích nông sản Việt bởi mang hương vị địa phương đặc sắc. Vì vậy, nếu đảm bảo chất lượng hạt cũng như chất lượng sản xuất, hạt ca cao Cát Tiên sẽ có cơ hội chiếm được ngách nhỏ trong thị trường Hàn Quốc. Công ty TNHH Bản Cacao cũng vừa xây dựng được sản phẩm OCOP bột ca cao và socola, đây cũng là cơ hội để ca cao Cát Tiên chinh phục thị trường nội địa, bên cạnh những thương hiệu sản phẩm ca cao có sẵn.

Nguồn: Bản Cacao liên kết xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu Hàn Quốc

Diệp Quỳnh

baolamdong.vn