Lâm Đồng: Cơ hội hợp tác phát triển ngành công nghiệp hoa Đà Lạt

05:00 | 27/10/2024

|
Tiếp tục chuyến công tác tại Hà Lan, ngày 25/10, đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng do đồng chí Bùi Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lâm Đồng làm trưởng đoàn, đến thăm và làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hoa tại Hà Lan.
Lâm Đồng: Cơ hội hợp tác phát triển ngành công nghiệp hoa Đà Lạt
Đoàn đến thăm Trung tâm đấu giá hoa

Đoàn đến tham quan, nghiên cứu Trung tâm đấu giá hoa Royal Flora Holland – Aalsmeer, một trong những sàn đấu giá hoa nổi tiếng thế giới ở Hà Lan. Tại Hà Lan, Trung tâm có 5 khu vực, trong đó Aalsmeer là nơi có lịch sử lâu đới nhất, được hình thành từ năm 1972 và số giá trị thương mại hoa lớn nhất thế giới, có quy mô 60 ha, cơ chế quản trị kinh doanh theo mô hình hợp tác xã, với 5.000 thành viên.

Trung tâm có cơ sở vật chất hiện đại, với khi vực văn phòng các công ty đại diện trên thế giới khoảng 20 ha, khu vực bãi đỗ xe có sức chứa 5.000 xe tải, khu vực vận hành đấu giá hoa 10 ha. Trung tâm là nơi mà những người trồng trọt cung ứng đầu vào trung bình khoảng 4.000 người bán hoa và có khỏang 2.800 -3.000 khách hàng.

Lâm Đồng: Cơ hội hợp tác phát triển ngành công nghiệp hoa Đà Lạt
Trung tâm đấu giá hoa

Cách đây 10 năm, việc tham gia đấu giá hoa phải trực tiếp giữa người mua và người bán, hiện nay thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn, do đó việc mua bán hoa thực hiện online. Tổng giá trị giao dịch hàng năm khoảng 10 tỷ hoa cắt cành, giá trị 2,6 tỷ Euro và 1 tỷ hoa chậu, giá trị khoảng 2,2 tỷ Euro.

Trung tâm tiếp nhận hoa từ các quốc gia trên thế giới như: Êtiôpia, Ecuado, Brazil, Colombia, Pháp, Bỉ…; trong đó, sản lượng hoa của Hà Lan chiếm tỷ lệ 50%. Quá trình đấu giá hoa diễn ra rất nhanh, hàng ngày từ lúc 6h đến 10h sáng, trừ ngày thứ Bảy và ngày Chủ nhật; từ lúc đấu giá xong, hoàn thành các thủ tục trong vòng 2,5 giờ hoa đến tay người mua.

Cơ chế hoạt động giữa người mua và các thành viên của Trung tâm luôn minh bạch và uy tín, cùng đảm bảo cho sự liên kết luôn chặt chẽ, giữ cho Hà Lan tiếp tục là thị trường trồng hoa hàng đầu thế giới, nơi liên kết cung và cầu, đồng thời cố gắng đạt được mức giá tốt nhất có thể với chi phí thấp nhất có thể, để tạo lợi nhuận tốt nhất cho người trồng hoa; đó là bí quyết tạo ra cơ hội thành công lâu dài và sự phát triển bền vững của ngành hoa Hà Lan.

Lâm Đồng: Cơ hội hợp tác phát triển ngành công nghiệp hoa Đà Lạt
Đoàn đến thăm Tập đoàn Dummen

Đoàn đến thăm Tập đoàn Dummen Orange, một tập đoàn trồng hoa đa quốc gia, có lịch sử hình thành từ năm 1909, lớn hàng đầu thế giới. Tập đoàn không chỉ có cơ sở trồng hoa ở Hà Lan mà còn có nhiều cơ sở khắp thế giới, với hơn 5.300 nhân viên, chuyên tạo và nhân giống các loại hoa cắt cành. Trong đó, tập đoàn có 4.000 các loại hoa và giống hoa, tập trung sản xuất kinh doanh 5 loại hoa: cúc, cúc đồng tiền, hồng, cẩm chướng và sống đời. Quá trình sản xuất, tập đoàn luôn nghiên cứu, ứng dụng giải pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM). Tập đoàn có nhiều chuyên gia giỏi luôn tập trung nghiên cứu tạo ra giống mới; đặc biệt là nghiên cứu thành công thuốc bảo vệ thực vật có tên thương mại Green Guard nổi tiếng trên toàn thế giới. Tập đoàn sở hữu trên 100 văn bằng sáng chế, tổng doanh thu hàng năm 335 triệu Euro.

Lâm Đồng: Cơ hội hợp tác phát triển ngành công nghiệp hoa Đà Lạt
Đoàn đến thăm công ty Arcadia Chrysanten

Đoàn đến thăm Công ty Arcadia Chrysanten, là công ty chuyên trồng hoa cúc, ứng dụng công tác bảo vệ thực vật bằng công nghệ sinh học; canh tác hoa theo công nghệ thông minh; quá trình sản xuất được tự động hoá trên 98% từ khâu trồng trọt đến khâu thu hoạch. Công ty dự kiến sẽ triển khai các chương trình hợp tác với Công ty TNHH Dalat Hasfarm trong thời gian tới.

Lâm Đồng: Cơ hội hợp tác phát triển ngành công nghiệp hoa Đà Lạt
Đoàn đến thăm công ty AllPlant
Lâm Đồng: Cơ hội hợp tác phát triển ngành công nghiệp hoa Đà Lạt
Robot ươm cây tại AllPlant

Đoàn cũng đã đến thăm và làm việc tại công ty AllPlant - công ty nghiên cứu tập trung các giống hoa và cỏ cảnh quan. Mặc dù quá trình hình thành muộn hơn so với các công ty trồng hoa khác ở Hà Lan (năm 1912), song công ty với đội ngũ chuyên gia kỹ thuật giỏi và chiến lược kinh doanh của giám đốc công ty, nên đã phát triển với tốc độ nhanh, vươn xa trở thành công ty toàn cầu. Công ty phát triển công nghệ giống, cũng như hệ thống trồng cây tự động ở vườn ươm; sử sụng robot trong ươm giống và tự động hoá 100% trong khâu phân loại cây con.

Trong 10 năm qua, công ty có quan hệ hợp tác trong việc nhân giống invitro, ngoài Công ty TNHH Công nghệ sinh học F1 ở Đà Lạt là đối tác lớn nhất thì AllPlant còn hơp tác với 5 đơn vị khác tại Lâm Đồng. Hiện tại, hàng năm công ty AllPlant tiêu thụ hơn 35 triệu cây giống invitro từ các công ty ở Lâm Đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 700 lao động có trình độ tay nghề cao; trong đó sản lượng Công ty TNHH Công nghệ sinh học F1 chiếm 30%. Tuy nhiên, hiện nay quá trình hợp tác còn vướng các thủ tục nhập khẩu nguồn gen mới, nếu tháo gỡ khó khăn về thủ tục nhập khẩu nhân giống khép kín trong phòng thí nghiệm mà không đưa ra sản xuất tại Việt Nam thì khả năng trong thời gian tới việc nhân giống và cung ứng đối với các công ty ở Lâm Đồng sẽ tăng lên từ 50 - 60 triệu cây.

Có thể nói, chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác Lâm Đồng tại Hà Lan đã tạo ra cơ hội hợp tác tốt giữa các doanh nghiệp trồng hoa của Hà Lan với các doanh nghiệp của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, tạo ra triển vọng tốt cho sự phát triển bền vững đối với cho ngành công nghiệp hoa thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng trong tương lai.

Nguồn: Cơ hội hợp tác phát triển ngành công nghiệp hoa Đà Lạt

Phạm S - Diễm Thương

baolamdong.vn