Lâm Đồng: Đà Lạt 75% trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia trong năm nay
Khu Hiệu bộ của Trường Tiểu học Nam Hồ đang được xây dựng |
TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ
Nằm ở Phường 11, Trường Tiểu học Nam Hồ có khuôn viên rộng rãi với một cụm rừng thông tạo thành một mảng xanh tươi cho khu vực ven đô. Trong năm 2024, đây là một trong những ngôi trường nhận được sự đầu tư lớn của Đà Lạt để nâng cấp cơ sở trường lớp. Với tổng cộng 11,2 tỷ đồng đầu tư cho giai đoạn 1, công trình Khu hiệu bộ của trường đã được khởi công trong tháng 5/2024, dự kiến hoàn tất đưa vào sử dụng trong cuối năm nay.
Năm học 2024-2025 này, Trường Tiểu học Nam Hồ có 415 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, mỗi khối có 2 lớp. Công tác tại đây có 19 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. “Hiện trường vẫn chưa có giáo viên môn Anh văn và Tin học nên nhà trường phải hợp đồng để dạy” - Hiệu trưởng Lê Thị Bích Liên cho biết.
Về cơ sở vật chất, trường hiện có một khối 12 phòng học, gồm 10 phòng học cho các lớp, 2 phòng còn lại dành làm phòng bộ môn Anh văn và Tin học. Dãy phòng này trước đây, theo Ban Giám hiệu cho biết, do Liên doanh Vietsopetro tài trợ xây dựng. Gần đây toàn bộ các phòng học này đã được sửa chữa, sơn mới lại rất khang trang. Trường đạt chuẩn Quốc gia từ năm 2008.
Theo chân cô Liên, chúng tôi đi một vòng thăm trường. Điều đáng ghi nhận nhất nơi đây chính là nỗ lực của trường để tổ chức bán trú cho học sinh. Dãy phòng học 2 tầng của trường có thêm 1 tầng hầm được xây dựng, cửa quay về phía sau lưng trường, lâu nay được sử dụng để làm phòng ăn lẫn chỗ nghỉ trưa cho học sinh bán trú nhưng lượng học sinh khá đông nên trở nên chật hẹp. Trong năm học vừa qua, Ban Giám hiệu nhà trường đã xin phép chuyển một phần tầng hầm này thành phòng nghỉ trưa cho học sinh và thư viện; việc ăn trưa của học sinh được chuyển ra phía ngoài sân phía trước tầng hầm này.
Để làm phòng ăn cần có mái che. Nhà trường theo cô Liên, đã tích cực vận động xã hội hóa từ nhiều nguồn, kể cả việc tận dụng các vật liệu cũ của trường để từng bước làm khung sắt, cho lợp mái tôn, làm thành dãy phòng ăn cho học sinh. Phòng ăn này có bếp ăn sạch sẽ liền kề, các bàn ăn cho học sinh là bàn cũ bỏ ra, nhà trường cũng vận động tài trợ để mua các bàn tròn bằng kim loại không rỉ (Inox) để thay thế dần.
Cùng đó, Ban Giám hiệu nhà trường cũng vận động tài trợ từ những nhà hảo tâm để lắp đặt máy thu hình trong các lớp học dùng cho học sinh học tập, mua tủ lạnh sử dụng trong bếp bảo quản thức ăn. Tổng số tiền vận động từ nguồn xã hội hóa này cho các khoản cho đến nay theo cô Liên, khoảng 300 triệu đồng.
“Hầu như chúng tôi tận dụng hết các vật liệu của trường khi tháo dỡ các công trình cũ ra, mái tôn thì dùng che chỗ ăn cho học sinh, nền sân sau vận động lát gạch lại, làm khu vực bếp phía ngoài, bàn ghế cũ bỏ ra được sử dụng làm bàn ăn cho học sinh rồi thay dần. Cứ từng chút, chúng tôi vận động được đến đâu mừng đến đó để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh trong trường trong khả năng mình có” - cô Liên chia sẻ.
Theo kế hoạch của thành phố đã thông báo cho trường, cô Liên cho biết trong năm 2026, nhà trường sẽ được tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 gồm một hội trường và các phòng chức năng còn thiếu. Những cơ sở xây mới này sẽ được kết nối với nhau bằng các hành lang. “Khi hoàn tất nhà trường sẽ nâng chuẩn Quốc gia lên mức độ cao hơn” - cô Liên cho biết.
NÂNG TỶ LỆ TRƯỜNG CHUẨN QUỐC GIA
Thống kê của Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD ĐT) Đà Lạt cho biết, toàn thành phố hiện có 76 trường học với trên 59 ngàn học sinh theo học trong năm học 2024-2025 này...
Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, theo ông Nguyễn Vĩnh Hiến - Trưởng Phòng GD - ĐT Đà Lạt, là chủ trương lớn của tỉnh và của Đà Lạt. TP Đà Lạt lâu nay luôn chú trọng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực, nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên; nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực địa phương.
Theo ông Hiến, lâu nay Phòng GD - ĐT Đà Lạt đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các phường, xã tuyên truyền, vận động xã hội hóa giáo dục, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất trường học; rà soát, xây dựng lộ trình đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo đúng nhu cầu hạng mục còn thiếu, tránh lãng phí. Đồng thời, hàng năm, yêu cầu các trường đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp của từng ngành học, bậc học.
Đến nay, cơ sở vật chất (phòng học, phòng chức năng, bàn ghế học sinh) tại Đà Lạt đều tăng so với năm 2018, trong đó toàn thành phố hiện có 1.032 phòng học, 815 phòng chức năng; trên 29,4 ngàn bộ bàn ghế học sinh.
Hằng năm, Phòng GD - ĐT Đà Lạt đã tham mưu UBND thành phố phân bổ trên 50 tỷ đồng để xây dựng mới trường lớp, thêm 15 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất. Cùng đó, Phòng còn phối hợp với các phòng chuyên môn kiểm tra, rà soát, tham mưu thành phố lên kế hoạch sửa chữa, xây dựng mới cơ sở vật chất trường lớp đến năm 2030 với tổng kinh phí dự toán trên 250 tỷ đồng.
Phòng GD - ĐT Đà Lạt cũng tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các trường học đơn vị trực thuộc quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; cập nhật danh mục thiết bị được cấp và bổ sung mua sắm, hư hỏng hao mòn trên phần mềm quản lý thiết bị dạy học; triển khai xây dựng phòng học bộ môn. Thường xuyên quan tâm, hướng dẫn các trường sử dụng, bảo quản trang thiết bị đã được mua sắm một cách hiệu quả.
Chính nhờ ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên chuẩn hóa nghề nghiệp, nên tỷ lệ trường đạt chuẩn của TP Đà Lạt đến nay luôn là một trong những địa phương dẫn đầu tại Lâm Đồng.
Theo Phòng GD - ĐT Đà Lạt, với tiến độ đang được đẩy nhanh như hiện nay, dự kiến kết thúc năm 2024, Đà Lạt sẽ có 57/76 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ 75%; trong đó trường công lập có 53/58 trường, chiếm tỷ lệ 91%. Còn nếu tính theo bậc học, bậc mầm non có 17/17 trường, chiếm tỷ lệ 100%; bậc tiểu học có 24/27 trường, chiếm tỷ lệ 88%; bậc trung học cơ sở (THCS) có 4/5 trường, chiếm tỉ lệ 80%; bậc trung học phổ thông (THPT) có 8/9 trường (tính cả các trường THCS -THPT), chiếm tỷ lệ 88,9%. Với các trường ngoài công lập, có 4 trường đạt chuẩn quốc gia gồm Trường Phổ thông Hermann Gmeiner, Trường Mầm non Hiển Linh, Trường Mầm non Thăng Long và Trường Mầm non Thiên Hương.
“Thành phố đến nay có hệ thống trường lớp khá đồng bộ, đa dạng các loại hình, từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT. Quy mô GD - ĐT thành phố tiếp tục được mở rộng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em Nhân dân, đóng góp rất lớn vào quá trình nâng cao trình độ văn hóa cho người dân, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ hiện nay và trong tương lai cho tỉnh” - ông Hiến cho biết.
Nguồn: Đà Lạt: 75% trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia trong năm nay
Viết Trọng
baolamdong.vn
-
Tổng Giám đốc điều hành MIS Hoàng Văn Lược: "Làm sao để các em giống như những chiếc la bàn vạn năng"
-
Cuộc đua thương mại điện tử sẽ ngày càng khốc liệt
-
TS. Phạm Trí Thành: “Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là cái nôi đào tạo ra những nghệ sĩ toàn diện”
-
Đo lường và đánh giá quan hệ xã hội: Bệ phóng cho doanh nghiệp phát triển bền vững
-
Bản tin Năng lượng xanh: Qcells cho biết đột phá công nghệ có thể giảm không gian cần thiết cho các tấm pin mặt trời
-
Tử vi ngày 20/12/2024: Tuổi Thìn biểu hiện xuất sắc, tuổi Ngọ tinh thần nhiệt huyết
-
Hành trình định vị thương hiệu THILOGI
-
Manulife tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho 3.000 người dân TP.HCM
-
Vịnh Hạ Long tròn 30 năm là Di sản thiên nhiên thế giới