Lâm Đồng: Hợp tác vì tương lai cây sầu riêng Hoà Ninh
![]() |
Thành viên Chi hội nghề nghiệp sầu riêng Thôn 13 đang trao đổi kỹ thuật chăm sóc |
Ông Trương Văn Thiệp, Thôn 13, xã Hòa Ninh là một trong những hộ trồng sầu riêng sớm nhất xã. Ông Thiệp kể lại, cũng như hầu hết cư dân kinh tế mới, người Hoà Ninh chủ yếu trồng cà phê. Được sự động viên của Hội Nông dân và xã, từ năm 2001, ông đã xuống giống sầu riêng Dona, thời điểm cây sầu riêng còn là cây trồng mới lạ của người dân Hoà Ninh. Và cũng từ những cây sầu riêng được trồng từ thời điểm đó, ông đã gầy dựng được vườn sầu riêng lớn như hôm nay. Ông Trương Văn Thiệp cho biết: “Đất Hòa Ninh cũng khá hợp với cây sầu riêng.10 cây sầu riêng Dona của gia đình tôi hiện vẫn khỏe, cho trái rất tốt. Bà con Thôn 13 hiện tại cũng trồng nhiều sầu riêng, bắt đầu cho thu hoạch và thành lập tổ hợp tác để cùng phát triển cây sầu riêng này”. Ông Thiệp cũng là thành viên của tổ hợp tác, với vai trò người hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều nông hộ mới trồng.
Ông Nguyễn Huy Hoàng - Chi hội phó Chi hội Nông dân Thôn 13 chia sẻ, cư dân Thôn 13 mới trồng sầu riêng chủ yếu vào những năm 2016-2017. Toàn thôn có 65 hộ trồng sầu riêng với diện tích lớn, ngoài ra còn nhiều hộ trồng sầu riêng nhỏ lẻ, xen canh trong vườn cà phê. Hầu hết các hộ bắt đầu cho thu hoạch và tìm đầu ra ổn định là mục tiêu của Hội Nông dân cũng như chính quyền xã Hòa Ninh. “Đất Hoà Ninh có đặc thù là mỗi hộ không có nhiều đất, không có những trang trại rộng 4 - 5 ha, thậm chí cả chục ha như các vùng khác. Ở đây mỗi nhà chỉ có 1 - 2 ha là cùng, nhiều nhà còn ít hơn. Muốn xây dựng mã vùng trồng, chúng tôi phải hợp tác chặt chẽ để đảm bảo tiêu chuẩn quy định”, ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết.
Chính vì vậy, Chi hội Nông dân Thôn 13 đã thành lập hai tổ hợp tác sầu riêng trên địa bàn. Hai tổ được chia theo khu vực canh tác, với những hộ có diện tích đất trồng sầu riêng gần nhau. Ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết: “ Nông dân trồng sầu riêng thành lập tổ hợp tác - chi hội nghề nghiệp và được bà con hưởng ứng rất tích cực. Thôn có 2 chi hội nghề nghiệp sầu riêng với tổng số 30 thành viên. Nhưng nông dân, dù không là thành viên chính thức cũng tham gia sinh hoạt rất nhiệt tình. Như tổ nơi tôi đang sinh hoạt, chỉ có 17 thành viên chính thức nhưng có tới gần 45 nông hộ cùng tham gia sinh hoạt. Chúng tôi cùng chia sẻ về kỹ thuật, các kinh nghiệm canh tác. Những gia đình trồng sầu riêng lâu năm, có kinh nghiệm sẽ hướng dẫn cho các nông hộ mới trồng, từ chăm lá, làm bông cho tới các loại thuốc”. Sầu riêng hợp đất, cho sản lượng và chất lượng tốt, xã Hòa Ninh hướng tới mục tiêu xuất khẩu nên tổ hợp tác chủ yếu hướng dẫn nhau ngừa bệnh là chính, sử dụng các loại thuốc trong danh mục để xử lý nấm, bệnh đúng kĩ thuật, ngay từ khi mới phát sinh.
Bà Nguyễn Thị Hải - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Ninh, huyện Di Linh cho biết, xã Hòa Ninh tiếp cận với cây sầu riêng khá trễ so với nhiều địa bàn lân cận. Tuy nhiên, do trồng sau nên nông dân Hòa Ninh học tập được nhiều kinh nghiệm, quy trình canh tác cũng như định hướng tiêu thụ của cây sầu riêng. “Cây sầu riêng Hòa Ninh chúng tôi hướng tới mục tiêu xuất khẩu chính ngạch. Vì vậy, mọi quy trình canh tác cũng như xây dựng mã số vùng trồng đều được thực hiện theo đúng quy định. Như Tổ 13, đang xây dựng được mã vùng trồng và bà con đã có hợp đồng với Công ty Long Thủy để thu hoạch sầu riêng xuất khẩu. Giá kí kết theo hợp đồng ổn định hơn so với việc bán trên thị trường tự do, bà con yêu tâm đầu tư theo đúng kế hoạch”, bà Nguyễn Thị Hải đánh giá.
Ngoài hỗ trợ nông dân về kĩ thuật, phối hợp cùng doanh nghiệp và nông dân xây dựng mã vùng trồng, Hội Nông dân xã Hoà Ninh còn hỗ trợ Chi hội nghề nghiệp sầu riêng Thôn 13 nguồn kinh phí để tăng cường chăm sóc sầu riêng. Như tổ hợp tác Thôn 13, thành viên nông dân được cho vay 1,6 tỷ đồng. Số tiền này được giải ngân tới 16 nông hộ, dùng để mua phân bón cũng như cây giống sầu riêng trồng mới, trồng dặm. Ông Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ, việc hỗ trợ kinh phí đầu tư của Hội Nông dân với những hộ trồng mới là rất quan trọng. Riêng những hộ đã trồng sầu riêng lâu năm, có thu nhập, nguồn kinh phí vay được không quá quan trọng. Nhưng với những hộ mới trồng như gia đình anh, nguồn vốn này đã giúp nông dân đỡ vất vả trong chăm sóc sầu riêng. Và, sự hỗ trợ của Nhà nước, sự chăm chỉ, đoàn kết của người nông dân đã giúp vùng sầu riêng Hoà Ninh khởi sắc, chờ đón một tương lai no ấm.
Nguồn: Hợp tác vì tương lai cây sầu riêng Hoà Ninh
D.Quỳnh
baolamdong.vn
- Tuyên Quang: Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp lần thứ nhất thông qua một số nội dung quan trọng
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức hội nghị đầu tiên sau sáp nhập
- Chào Lâm Đồng mới!
- Hà Giang: Mỗi cột mốc là một trang viết không quên.
- Khánh Hòa: Kinh tế tăng trưởng, tạo tiền đề cho sáp nhập
- Tuổi trẻ Lâm Đồng học và làm theo Bác
-
Thép xanh Nam Địnhso tài với đội bóng giàu truyền thống Châu Phi
-
Hà Giang: Đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế
-
Cuộc phiêu lưu đến Thị Trấn Bohemian Trong Lòng Núi Lửa đầy đặc sắc cùng The Hidden Book 2025
-
Vinamilk Green Farm - từ "resort cho bò" đến hộp sữa đạt chuẩn quốc tế
-
Khám phá đảo Cái Chiên - Viên ngọc hoang sơ của Quảng Ninh
-
Sunshine Group bước sang kỷ nguyên công nghệ: Đặt cược vào AI và bán dẫn
-
CLB Thép Xanh Nam Định lên tiếng về tin đồn đổi tên
-
Allday Project – Thế lực mới của Kpop với đội hình “full option”
-
Thêm đội bóng Việt Nam tham dự 5 đấu trường mùa tới