Lâm Đồng: Lạc Dương thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

05:00 | 15/04/2025

|
Lạc Dương là một huyện có lợi thế về phát triển nông nghiệp, do đó phát triển nông nghiệp đang là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nòng cốt, chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Để thực hiện mục tiêu đề ra, huyện Lạc Dương đã tập trung cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo lợi thế của từng địa phương nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng cho thị trường, gia tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.
Lâm Đồng: Lạc Dương thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Lạc Dương không ngừng tăng lên qua từng năm

Ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lạc Dương cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU của Huyện ủy Lạc Dương về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng nông nghiệp thông minh; xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng, ngành Nông nghiệp huyện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cụ thể, tình hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được phát triển. Hiện, toàn huyện có 3.100 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm trên 35% diện tích canh tác toàn huyện (tăng 950 ha so với năm 2020), đóng góp trên 30% giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp; diện tích nông nghiệp sản xuất trong nhà kính 1.648,2 ha (tăng 848,2 ha so với năm 2020). Các chương trình dự án nông nghiệp thực hiện đạt 100% kế hoạch; phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong người dân địa phương được quan tâm; diện tích sản xuất nông nghiệp có chứng nhận ước đạt 566,37 ha.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã được phê duyệt 5 quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, UBND tỉnh phê duyệt 4 khu gồm: Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khu vực Ấp Lát, xã Đạ Sar với quy mô 346 ha; Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khu vực Đa Đeum, xã Đạ Sar với quy mô 172 ha; Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Klong Klanh, xã Đạ Chais với quy mô 181 ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng tại xã Đạ Sar với quy mô: 221,32 ha (đang triển khai). Đồng thời, UBND huyện Lạc Dương cũng đã phê duyệt 1 vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao với quy mô 300 ha trên địa bàn thị trấn Lạc Dương (đang triển khai đầu tư thực hiện).

Ngoài ra, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, rà soát, đưa vào quy hoạch, một số vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới. Cụ thể, 100 ha vùng sản xuất rau công nghệ cao tại Tiểu khu 115 xã Đạ Sar; 100 ha vùng sản xuất rau, hoa công nghệ cao tại thôn Păng Tiêng, xã Lát. Xây dựng chỉ đạo định hướng phát triển một số sản phẩm có lợi thế đặc trưng của huyện như cây dược liệu atiso; xây dựng vùng trồng nấm hương, tái canh các giống cà phê chất lượng cao như: tipyca, bourbon, moka…

Đặc biệt, nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Lạc Dương đã tập trung cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo lợi thế của từng địa phương để tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng cho thị trường, gia tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Đối với cây rau, hoa, dược liệu, huyện Lạc Dương ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực huyện như: cây hoa hồng với diện tích 335 ha, tập trung tại thị trấn Lạc Dương và một số xã lân cận, hàng năm cung cấp ra thị trường trung bình 422 triệu cành bông/năm; đầu tư phát triển 60 ha trồng dâu tây, trong đó có khoảng 10 ha trồng trong nhà kính, công nghệ cao, nhiều giống, chủng loại mẫu mã sản phẩm đẹp, năng suất chất lượng, giá thành cao như: giống dâu Nhật, Newzeland, Hàn Quốc, doanh thu trung bình 1 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm; cây dược liệu atiso với tổng diện tích đạt 37 ha, hàng năm người dân thu nhập trung bình đạt từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm; trồng rau thủy canh (4 ha) trồng được từ 10 - 11 vụ, doanh thu trung bình 9 tỷ đồng/năm; ngoài ra, có nhiều loại rau, hoa cao cấp xuất khẩu trong nhà kính như hoa ly ly, các loại xà lách, ớt chuông, dưa leo Baby…

Riêng đối với cây cà phê, đây vẫn là cây trồng chủ lực là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Lạc Dương, địa phương đang đẩy mạnh thực hiện tái canh 30 ha trên các diện tích già cỗi, nhiễm sâu bệnh, năng suất thấp gắn với các mô hình canh tác bền vững như sản xuất cà phê có chứng nhận. Đến nay, địa phương đã có 584,21 ha đạt chứng nhận sản xuất cà phê an toàn RA, trồng cây che bóng để đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập cho người dân. Cùng với đó, người dân đã ứng dụng cơ giới hoá trong khâu canh tác, vận chuyển, thu hoạch, bảo quản, sơ chế nhằm giảm tổn thất và nâng cao chất lượng cà phê nhân; thu hoạch và bảo quản đúng quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sấy tự động, đầu tư hệ thống sân phơi và kho bảo quản đạt tiêu chuẩn nhằm giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch.

Mặt khác, với lợi thế tiềm năng sẵn có, huyện Lạc Dương đang duy trì và phát triển ổn định diện tích nuôi cá nước lạnh (cá tầm), qua đó khai thác tiềm năng, thế mạnh, hiệu quả, bền vững diện tích mặt nước hồ chứa thủy lợi, mặt nước, nguồn nước trên địa bàn huyện. Hiện, toàn huyện có 23,5 ha/13 tổ chức, cá nhân thực hiện nuôi cá nước lạnh, sản lượng hằng năm 1.020 tấn, năng suất bình quân đạt 60 tấn/ha/năm, doanh thu hàng năm của doanh nghiệp đạt trên chục tỉ đồng/ha.

Trong thời gian đến, UBND huyện Lạc Dương sẽ tiếp tục chỉ đạo cho ngành Nông nghiệp huyện và các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản; đồng thời, tăng cường cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; giảm bớt lao động, giảm chi phí sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; trọng tâm là khâu sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Cùng với đó, tăng cường sản xuất theo quy chuẩn, truy xuất nguồn gốc nhằm tạo được sức hút trong liên kết tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nhãn hiệu nông sản đã được cấp chứng nhận, sản phẩm OCOP, chú trọng mở rộng phạm vi sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, “Cà phê Arabica LangBiang"...

Nguồn: Lạc Dương: Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hoàng Sa

baolamdong.vn