Lâm Đồng: Nâng tầm giá trị của di sản văn hóa

05:00 | 14/09/2024

|
Việc mở các lớp truyền dạy nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên cho các chủ nhân của di sản này, bên cạnh quan tâm đến đời sống những nghệ nhân đang nắm giữ các giá trị của loại hình văn hóa dân gian độc đáo đã được UNESCO vinh danh “Kiệt tác Di sản Truyền khẩu và Phi vật thể của Nhân loại” đang là hướng đi mà huyện Bảo Lâm hướng đến để những giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được nâng tầm.
Lâm Đồng: Nâng tầm giá trị của di sản văn hóa
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên luôn được huyện Bảo Lâm quan tâm, chú trọng

96 học viên người K’Ho và người Mạ vừa được UBND huyện Bảo Lâm trao giấy chứng nhận hoàn thành khóa học diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên vào hạ tuần tháng 8 năm 2024 là một sự bổ sung chất lượng cho công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại các địa phương trong địa bàn huyện Bảo Lâm. 96 người đó, tuổi đời từ 25 đến 60, còn là một minh chứng cho sự hiện hữu của các giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong đời sống. Từ những nghệ nhân nhỏ tuổi nhất (25 tuổi) đến nghệ nhân cao tuổi nhất (60 tuổi) đã cho thấy một tinh thần kết nối liên tục, một nỗ lực phát huy các giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng. “Chúng tôi cũng đã tặng 4 bộ cồng chiêng (mỗi địa phương một bộ cồng chiêng) 4 địa phương có đông người Mạ và người K’Ho sinh sống, bao gồm xã Lộc Bắc, Lộc Nam, Lộc Bảo, thị trấn Lộc Thắng để có khí cụ cho các nghệ nhân luyện tập, diễn xướng. Riêng xã Lộc Tân được chúng tôi hỗ trợ 2 bộ cồng chiêng. Ngoài ra, chúng tôi còn tặng 12 bộ trang phục truyền thống của người Mạ cho các nghệ nhân làm phục trang khi có sự kiện văn hóa - văn nghệ tại địa phương, hoặc tham gia các hội diễn cồng chiêng”, ông Nguyễn Tấn Minh - Quyền Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Lâm, cho biết.

Đời sống xã hội ngày một phát triển, những quan niệm văn hóa của nhiều người trẻ K’Ho, Mạ cũng đã thay đổi. Bây giờ, không dễ để thuyết phục những người trẻ Mạ, K’Ho quan tâm những giá trị và nét đẹp của loại hình văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Thấu hiểu điều này, ngành Văn hóa Bảo Lâm đã tích cực vận động, thuyết phục các nghệ nhân, thuyết phục cộng đồng chủ nhân của di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tham gia sâu các hoạt động văn hóa truyền thống, qua đó khơi gợi tình yêu của những chủ nhân di sản đối với những giá trị văn hóa ông cha trong những điệu cồng chiêng, những điệu xoang để có sự kế thừa, học hỏi tiếp nối, đam mê thể hiện. Theo ông Nguyễn Tấn Minh, thời gian qua, Bảo Lâm cũng đã mở một lớp truyền dạy dệt thổ cẩm tại xã Lộc Bắc. Tham gia lớp học này, có 30 học viên là người Mạ và người K’Ho. Nó không chỉ để gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, còn góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho các chủ thể của di sản văn hóa Tây Nguyên.

Chăm lo sinh kế cho những chủ thể của di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là thông điệp kêu gọi, còn là lời thôi thúc một tinh thần hợp tác của nhiều ngành, nhiều tầng lớp trong xã hội để có những kế sách, từ việc giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đến tạo công ăn việc làm cho nghệ nhân thông qua phát triển du lịch, phát triển nhận thức xã hội về di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng Tây Nguyên chính là đang góp phần nâng tầm giá trị cho di sản, tạo niềm tin, động lực giúp nghệ nhân gìn giữ, phát huy những giá trị bền sâu của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong đời sống đương đại.

Nguồn: Nâng tầm giá trị của di sản văn hóa

Trịnh Thu

baolamdong.vn