Lâm Đồng: Người buôn Cheng trồng dâu, nuôi tằm trên ruộng đá
![]() |
Nuôi tằm trên giá sắt tại buôn Cheng |
CON TẰM MANG LẠI ẤM NO
Gia đình anh Cil Mức Ha Chú vừa bán được một mẻ kén với giá 250 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá cao của kén tằm Đam Rông. Cùng với anh Ha Chú, hàng chục hộ gia đình trong buôn Cheng, Thôn 4, xã Đạ Long, huyện Đam Rông đang mỗi ngày gắn bó với vườn dâu, nong tằm.
Bà Kơ Liêng K’Ơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Long cho biết, buôn Cheng là một phần của Thôn 4, là tên gọi xưa từ ông bà để lại, nơi sinh sống của gần 200 hộ người K’Ho Cil. Xưa nay, người buôn Cheng sống chủ yếu dựa vào các mảnh lúa nước ven con suối nhỏ. Ruộng của người buôn Cheng nằm xen lẫn với các tảng đá lớn, tạo nên một khung cảnh đẹp nhưng khó canh tác. Mỗi mảnh ruộng nước chỉ nhỏ xíu, được đắp thành các ô để giữ nước cho cây lúa. Bởi vậy, diện tích lúa đã ít càng thêm ít, người buôn Cheng phải tìm thêm nhiều nguồn khác để sinh sống.
Chị Krajăn K’Đen đang mải miết hái dâu cho lứa tằm ăn rỗi tại nhà. Chị bảo, trước đây, hai sào ruộng thấp của gia đình chị chủ yếu để trồng lúa cho gia đình ăn. Thấy bà con trong buôn nuôi tằm rất đạt, cuối mùa mưa năm 2023, chị quyết tâm cải tạo ruộng lúa, chuyển sang trồng giống dâu cao sản S7-CB. Sau đó, khi cây dâu đã vươn cành, xanh lá, tháng 2/2024, chị tham gia lớp hướng dẫn dạy trồng dâu, nuôi tằm do Hội Nông dân xã tổ chức. “Lần đầu sờ vào con tằm, tôi rợn tay vì sợ. Nhưng rồi được các chị em khác hướng dẫn, tôi cũng chăm tằm, hái dâu. Rồi cũng quen, cho tằm ăn, lên né bóc kén, đến nay, tôi cũng tự thấy khả năng chăn tằm của mình cũng ổn", chị K’Đen cười nhớ lại những ngày đầu tiên học nghề. Chị cho biết, gia đình được ngành Nông nghiệp của huyện hỗ trợ nong, né, các công cụ phục vụ chăn tằm. Con tằm nuôi ở đất buôn Cheng lớn nhanh, chỉ 15 ngày đã được một lứa kén trắng tinh. Với hai sào dâu, chị nuôi mỗi tháng 1 hộp tằm, gối đầu thành hai phiên, sau khi trừ chi phí cũng thu được 9 - 10 triệu đồng/tháng, đủ chi phí cho sinh hoạt trong gia đình.
Nhà chị K'Đen chọn mô hình nuôi tằm trên giá sắt cố định, ưu điểm là diện tích nhỏ gọn, lượng tằm lớn và phù hợp với điều kiện đầu tư ban đầu. Hơn một năm nay, nhờ nghề trồng dâu, nuôi tằm mà chị K’Đen và gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định hơn.
ĐOÀN KẾT PHÁT TRIỂN NGHỀ TẰM
Bà Kơ Liêng K’Ơn chia sẻ, nuôi tằm là nghề truyền thống của người Kinh, còn người K’Ho, M’nông vốn ít quen với vật nuôi này. Từ năm 2018, nhận thấy giá kén ổn định cũng như khả năng thu nhập rất nhanh, xã Đạ Long đã có chính sách vận động các nông hộ người dân tộc bản địa cải tạo một phần diện tích ruộng lúa năng suất thấp hoặc các khe sông, suối để trồng dâu, nuôi tằm. Bản thân bà K’Ơn là một trong những người đầu tiên nuôi tằm của vùng đất Đạ Long. Học nghề, nuôi tằm năng suất cao trong gia đình, bà K’Ơn cũng như nhiều chị em chỉ lại cho các nông hộ người K’Ho Cil, M’nông. “Lớp dạy nghề hướng dẫn chị em bằng cách cầm tay chỉ việc, đưa chị em tới nhà những gia đình đang nuôi tằm, hướng dẫn từ cách thái dâu, cho tằm ăn tuổi ba, tuổi bốn, vệ sinh môi trường… để tằm đạt năng suất cao”, bà K’Ơn chia sẻ.
Cũng theo bà K'Ơn, đất buôn Cheng không nhiều, chủ yếu là ruộng nước xen lẫn đá tảng hoặc đất ven các hệ sông, suối nên diện tích không lớn, thường chị em hướng dẫn nhau cách nuôi tằm bằng hái lá chứ không chặt cành như một số vùng có diện tích lớn. Dâu 3 tháng, cao khoảng 80 cm là bắt đầu hái lá từ gốc cho tới ngọn. Tới khi dâu được 12 tháng, đã cao vọt lên tầm 1,5 m, năng suất giảm thì hướng dẫn các gia đình hạ thân, chặt cây dâu thấp xuống để trẻ hóa vườn dâu. Với cách hái tiết kiệm như trên, dù với diện tích ít, trong mùa khô, người buôn Cheng vẫn có đủ dâu để duy trì nuôi tằm, giúp các gia đình có thu nhập đều đặn hàng tháng.
Bởi vậy, cùng với giá kén tằm ổn định, diện tích cây dâu càng ngày càng phát triển. Hiện tại, toàn buôn đang có 20 hộ nuôi tằm và có thêm nhiều hộ đăng ký tham dự các lớp tập huấn hàng tuần. Lớp dạy nuôi tằm tổ chức vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, hướng dẫn các hộ trực tiếp nuôi tại nhà để áp dụng những kĩ thuật được lớp chỉ dạy. “Như là dâu phải đảm bảo sạch, dính nước mưa là phải giũ khô rồi mới cho tằm ăn. Lại được Nhà nước hỗ trợ nong, né với mức hỗ trợ 70% nên bà con trong buôn rất phấn khởi”, bà Kơ Să K’ Bích thông tin.
Nhà chị K’Bích cũng chuyển 2 sào dâu từ đất lúa - bắp sang nuôi tằm. Chị K’Bích cho biết, lớp dạy trồng dâu, nuôi tằm hướng dẫn việc vệ sinh cho nhà tằm cũng như cho nong né rất cẩn thận. Khi thu hoạch kén xong, nong né phải được rửa, phơi khô, sau đó dùng súng phun khò sạch né, lứa tằm sau mới chịu lên kén đầy đủ.
Không chỉ hướng dẫn người buôn Cheng nuôi tằm, lớp tập huấn còn tổ chức chị em thành tổ, hỗ trợ nhau trong quá trình trồng dâu, nuôi tằm. Các hộ gia đình trong buôn chia sẻ nhau giống dâu, kinh nghiệm cũng như cho nhau mượn nong, né với những gia đình vào vụ tằm rộ, không đủ công cụ. Sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các gia đình đã giúp người buôn Cheng ngày càng khởi sắc, mang lại những mẻ kén trắng tinh trên vùng đất ruộng đá.
Nguồn: Nỗ lực phát triển nuôi biển công nghệ cao
Diệp Quỳnh
baolamdong.vn
-
Khánh Hòa: Quyết tâm phát triển du lịch xanh
-
Duyên dáng Sắc hương xứ Trà 2025: Sân chơi mới cho nữ sinh Việt tỏa sáng
-
Vinamilk tặng 50.000 hộp sữa cho thiếu nhi TP.HCM hướng đến sự kiện đặc biệt 30/4
-
Hà Giang: Bắc Quang kiến tạo cuộc sống mới cho người nghèo
-
PV GAS D tổ chức “ra quân làm sạch môi trường biển” và trao tặng nhà tình thương
-
Manulife phối hợp cùng Diễn đàn Kinh tế thế giới phát động cuộc thi "Đổi mới vì tương lai dân số châu Á"
-
Ca sĩ Hòa Minzy tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó
-
Lisa (BLACKPINK) tạo hình ‘cực cháy’, khuấy động sân khấu 'Coachella 2025'
-
Khoa học công nghệ – động lực nội sinh của Hòa Phát