Lâm Đồng: Nông trại tuần hoàn của nông dân trẻ

17:20 | 29/08/2024

|
Một nông dân còn rất trẻ đang thực hiện trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại thu nhập ổn định. Người bạn trẻ đang thực hiện giấc mơ xây dựng kinh tế gia đình trên đất quê hương.

Huỳnh Tường Dùng bên chuồng dê lai

Huỳnh Tường Dùng bên chuồng dê lai

Huỳnh Tường Dùng, bạn trẻ người gốc Hoa cư trú tại Thôn 6, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm hiện đang là một mô hình kinh tế điển hình trong giới trẻ địa phương. Trên diện tích 2 ha đất, Huỳnh Tường Dùng nuôi dê và trồng sầu riêng. Vừa dẫn khách đi tham quan vườn sầu riêng, Tường Dùng vừa chia sẻ, đất Lộc Nam hợp với cây sầu riêng, rất nhiều gia đình đã cho thu nhập ổn định từ loại cây trồng có giá trị cao này. Tuy nhiên, cây sầu riêng có đặc trưng là mức đầu tư, chăm sóc lớn nhưng thu hoạch dồn vào một vụ. Nếu xảy ra rủi ro, nông dân sẽ thiệt hại rất lớn. Đồng thời, chỉ trông vào thu nhập một vụ nên quanh năm, nông dân không có nguồn thu nhập phụ trợ. Vì vậy, Huỳnh Tường Dùng quyết định chuyển sang chăn nuôi bên cạnh canh tác sầu riêng.

Vật nuôi được Huỳnh Tường Dùng lựa chọn là con dê lai. Đây là loại dê được lai từ dê boer Nam Phi và dê bách thảo địa phương. Huỳnh Tường Dùng chia sẻ, năm 2020, bạn quyết định làm chuồng và bắt thử nghiệm một vài cặp dê nuôi ngay trong vườn nhà. Nhận thấy dê lai có vóc dáng to, hình thái đẹp, nhiều thịt, được thị trường ưa chuộng, Huỳnh Tường Dùng đã bắt về lứa dê đầu tiên. Bạn cho biết: “Con dê lai thực sự rất dễ nuôi, hầu hết dê chỉ ăn thức ăn địa phương, các loại cỏ, các loại lá, trái non… Đặc biệt, dê chỉ nuôi tầm 6-8 tháng là đã có thể có thu nhập. Vì vậy, chuồng dê đã hỗ trợ rất lớn cho kinh tế của gia đình tôi, mang lại nguồn thu đều đặn”.

Theo Huỳnh Tường Dùng, chuồng đang nuôi dê theo cả hai hướng, dê giống và dê thịt. Dê giống chủ yếu là dê cái có vóc dáng to, cân nặng. Đặc trưng của dê lai là sinh sản rất nhanh. Dê mẹ, sau khi lên giống 5 tháng sẽ đẻ và cho con bú. Khi dê con được ba tháng, dê mẹ cách li con và tiếp tục lên giống để chuẩn bị cho lứa dê sau. Dê con được nuôi chỉ 6 tháng là đạt trọng lượng 35 kg, đủ tiêu chuẩn xuất bán. Huỳnh Tường Dùng cho biết, thương lái tới tận chuồng để thu mua, nhu cầu luôn rất lớn.

“Dê ăn trái bơ, lá bơ, sầu riêng rụng…, rất nhanh lớn và khỏe. Phân dê được thu lại, ủ hoai mục sau đó bỏ lại trong vườn cà phê. Vườn cà phê được bón phân dê hoai mục đất tốt, sầu riêng lớn nhanh, khỏe, cải tạo đất hiệu quả”, Huỳnh Tường Dùng đánh giá và cho biết thêm, lượng phân dê đã giúp giảm bớt 50% lượng phân hữu cơ phải mua, giảm chi phí khá lớn cho gia đình.

Hiện tại, gia đình Huỳnh Tường Dùng đang có 120 cây sầu riêng cho trái và 100 cây đang giai đoạn kiến thiết. Đất Lộc Nam gió rất lớn, gây rụng trái, thiệt hại cho người nông dân, Huỳnh Tường Dùng phải làm cọc níu trái, bảo đảm năng suất cho vườn sầu riêng. Năm 2022, người bạn trẻ cũng đã xây dựng mã số vùng trồng cho vườn sầu riêng của gia đình. Vụ sầu riêng 2023, gia đình có 15 tấn đạt chuẩn xuất khẩu. Niên vụ 2024, Tường Dùng dự tính có 20 tấn đạt chuẩn xuất khẩu. Chỉ cần giá 60.000 đồng/kg, vườn sầu riêng đã giúp gia đình thu nhập trên 1 tỷ đồng. Bạn chia sẻ: “Trồng sầu riêng xuất khẩu cần đảm bảo dinh dưỡng cũng như chất lượng trái theo đúng nhu cầu của doanh nghiệp và đối tác. Vì vậy, gia đình chăm sóc sầu riêng theo đúng quy trình canh tác, chú trọng đặc biệt tới phân hữu cơ. Đất Lộc Nam cho thu sầu riêng rất muộn, tới tháng 10, 11 mới cho thu hoạch nên chúng tôi cũng rất hy vọng sẽ đạt giá cao”.

Huỳnh Tường Dùng nhận xét, chăn nuôi dê và trồng sầu riêng là một mô hình kinh tế hiệu quả. Con dê lai cho quay vòng vốn rất nhanh, một năm có thể thu nhiều lần tiền bán dê giống và dê thịt. Phân bón từ chuồng dê có thể ủ làm phân hữu cơ sử dụng cho vườn sầu riêng, giúp mảnh đất được canh tác bền vững, giảm chi phí cho người nông dân.

Ông Trần Văn Tuyển - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm đánh giá, Huỳnh Tường Dùng là một thanh niên nông dân còn rất trẻ, nhưng đã nhanh chóng nắm bắt được mô hình chăn nuôi, trồng trọt tuần hoàn, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Đồng thời, mô hình chăn nuôi, trồng trọt cũng là mô hình được Hội Nông dân khuyến khích phát triển nhằm đảm bảo canh tác bền vững, giúp đất đai có được lượng hữu cơ dồi dào bổ sung cho đất, giảm chi phí cho người nông dân.

Nguồn: Nông trại tuần hoàn của nông dân trẻ

Diệp Quỳnh

baolamdong.vn