Lâm Đồng: Triển khai hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc

18:00 | 12/01/2025

|
Triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) của Chính phủ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các địa phương, trong đó có tỉnh Lâm Đồng. Và năm 2024, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai thực hiện các nội dung của Chiến lược đạt nhiều kết quả cụ thể.
Lâm Đồng: Triển khai hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc
Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng luôn chú trọng phát triển toàn diện và bền vững vùng đồng bào DTTS

Lâm Đồng là tỉnh có 47 dân tộc anh em chung sống, trong đó người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ 24,54% dân số toàn tỉnh.

Bà Cil Bri - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh thông tin: Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 1183, ngày 30/6/2022 về Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các quyết định về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để triển khai các nội dung của Chiến lược phù hợp với đặc điểm, tình hình và yêu cầu đặt ra của địa phương ở từng thời điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái khẳng định: Chính quyền Lâm Đồng rất quan tâm tới việc phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS. Năm 2024, tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Trung ương, Chính phủ về công tác dân tộc; đảm bảo sự bình đẳng, đoàn kết, hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Một trong những giải pháp để người DTTS tự tin hơn, phát triển ổn định hơn, bền vững hơn chính là phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng giáo dục. Lâm Đồng đang thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Cụ thể, về phát triển kinh tế, hiện nay, bà con DTTS chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy Lâm Đồng đã thực hiện các giải pháp giúp bà con phát triển nền nông nghiệp hiệu quả bền vững. Theo đó, bên cạnh việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật… Các đơn vị, địa phương còn hỗ trợ bà con các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều vùng đồng bào DTTS giảm xuống còn khoảng 2% so với 8,75% năm 2023 và 14,22% vào năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng so với 45 triệu đồng năm 2023 và gần gấp đôi so với năm 2020.

Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng cũng đã khuyến khích việc phát triển các doanh nghiệp do người DTTS làm chủ. Theo Ban Dân tộc tỉnh, toàn tỉnh hiện có 353 doanh nghiệp do người DTTS làm chủ (chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật) với số vốn điều lệ 2.773 tỷ đồng, chiếm 2,46% về số doanh nghiệp và 1,6% về vốn điều lệ đăng ký so với số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; có 10 chủ thể là người đồng bào DTTS với 13 sản phẩm OCOP hạng 3 sao; có trên 50 hợp tác xã, tổ hợp tác đang hoạt động ở các lĩnh vực như: Nông nghiệp, quỹ tín dụng Nhân dân, tiểu thủ công nghiệp - thương mại, giao thông vận tải, dịch vụ - du lịch…

Song song với đó, tỉnh Lâm Đồng cũng chú trọng việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong vùng đồng bào DTTS. Thống kê của Ban Dân tộc tỉnh cho thấy, toàn tỉnh hiện có có 5.554 đảng viên là người đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 11,28% so với tổng số đảng viên trên địa bàn toàn tỉnh. Đến ngày 30/6/2024, tổng số cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) người DTTS của tỉnh là 3.297 người, chiếm 10,74%. Trong đó có 16 người được quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh giám đốc, phó giám đốc các sở, ban, ngành.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên quan tâm phát triển đoàn viên, hội viên là đồng bào DTTS. Toàn tỉnh hiện có 98.807 đoàn viên, hội viên là người đồng bào DTTS tham gia các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thực hiện công tác phát triển hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng trong vùng đồng bào DTTS với việc hoàn thiện Dự án định canh, định cư, tái định cư, ổn định di dân tự do... Trong năm đã có 43 công trình đường giao thông trong vùng đồng bào DTTS được đầu tư xây dựng, nâng cấp; duy tu, bảo dưỡng 2 công trình thủy lợi và 33 công trình khác ở các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn trên toàn tỉnh.

Về đầu tư, phát triển giáo dục, năm 2024, tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất cho 9 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú ở các huyện góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường, nhất là việc thực hiện công tác chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục cho học sinh đồng bào DTTS.

Tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe của đồng bào DTTS; tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế, dân số có chất lượng, giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS.

Vai trò quan trọng của người có uy tín trong đồng bào DTTS tiếp tục được phát huy hiệu quả. Người có uy tín đã chủ động trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con DTTS. Đây cũng chính là lực lượng tích cực trong việc vận động bà con chủ động giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chính quyền xây dựng đường giao thông nông thôn; nêu cao ý thức bảo vệ rừng, không lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các hủ tục…

Những kết quả rõ ràng đáng ghi nhận, tuy nhiên hiện nay tỷ lệ nghèo vùng DTTS còn khá cao, khoảng cách mức thu nhập của đồng bào DTTS ở nông thôn còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS còn thấp. Một số tập quán lạc hậu chưa được cải thiện triệt để…

Để tiếp tục thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, năm 2025, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược linh hoạt và phù hợp tình hình địa phương. Đó là yếu tố cần và việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết và quyết tâm vươn lên, không trông chờ, ỷ lại; bình đẳng trong cống hiến và hưởng thụ của chính bà con trên địa bàn là điều kiện đủ để từng bước phát triển toàn diện và bền vững vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Nguồn:Triển khai hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc

Ngọc Ngà

baolamdong.vn