Những con số kỷ lục trong xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2024

18:46 | 01/01/2025

|
Nhiều mặt hàng nông lâm thuỷ sản ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục nhờ những yếu tố thuận lợi của thị trường thế giới, đặc biệt là yếu tố giá cả. Đồng thời, sự chuyển dịch trong cơ cấu sản phẩm cũng giúp giá trị ngành hàng tăng cao.

Nhiều mặt hàng bứt phá ngoạn mục

Với những nỗ lực tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu nên hoạt động xuất nhập khẩu đã phục hồi tích cực, là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 800 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, xuất khẩu đạt trên 400 tỷ USD, tăng 14,4%, nhập khẩu tăng 16,4%. Năm 2024, duy trì xuất siêu ở mức cao gần 25 tỷ USD.

Nổi bật nhất trong bức tranh xuất khẩu là nhóm hàng nông lâm thủy sản, dự kiến cán mốc 62 tỷ USD trong năm 2024, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Con số này vượt xa mức mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đã đặt ra (54 - 55 tỷ USD).

Đơn cử như mặt hàng sầu riêng - "ngôi sao sáng" với giá trị chiếm tới 40-42% tổng kim ngạch rau quả, góp phần đưa nhóm này đạt 7,2 tỷ USD. Con số này cũng đưa rau quả vượt gạo - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt nhiều năm qua.

Những con số kỷ lục trong xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2024
"Bức tranh" xuất khẩu năm nay đạt kỷ lục nhờ những yếu tố thuận lợi của thị trường thế giới. Ảnh minh hoạ/TL

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chiến lược sản xuất rải vụ và kiểm soát chất lượng chặt chẽ đã giúp sầu riêng không chỉ giữ vững vị trí dẫn đầu trong xuất khẩu rau quả mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Trái cây này đã đáp ứng nhu cầu lớn từ thị trường Trung Quốc và cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.... Các mặt hàng trái cây khác như thanh long, xoài, chuối cũng góp phần không nhỏ vào thành công này.

Mặc dù thụt lùi so với sầu riêng nhưng mặt hàng gạo vẫn tiếp tục giữ vững vai trò là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với giá trị gần 5,8 tỷ USD, tăng 21%. Năm nay, Việt Nam xuất khẩu 9 triệu tấn gạo, với mức giá trung bình 620 USD một tấn - cao nhất từ trước đến nay, vượt qua cả Thái Lan và Ấn Độ. Các thị trường chính gồm Philippines, Indonesia và Trung Quốc, trong đó Indonesia tăng nhập khẩu gấp đôi để bổ sung dự trữ lương thực. Bộ Nông nghiệp dự báo xuất khẩu gạo năm 2025 tiếp tục tăng trưởng nhờ các mô hình canh tác bền vững và sản phẩm chất lượng cao từ Đồng bằng sông Cửu Long.

Một ngành khác cũng tự tin với kết quả xuất khẩu, đó là da giầy và túi xách. Theo Hiệp hội Da giầy, túi xách Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của ngành này đạt 27 tỷ USD. Hiện da giầy là một trong những ngành đang tận dụng rất tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu thời gian qua, TS Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận, năm 2024 kinh tế thế giới đã khởi sắc hơn năm 2023, lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn có xu hướng giảm, khiến nhu cầu thế giới tăng lên. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất giúp xuất khẩu của Việt Nam đạt kết quả tích cực. Đáng ghi nhận, các DN, gồm cả DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN trong nước đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay ở thời điểm còn khó khăn để sẵn sàng đón nhận cơ hội; khi nhu cầu thế giới tăng trở lại trong năm nay, DN lập tức đẩy mạnh xuất khẩu.

Đồng quan điểm, TS Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, xuất nhập khẩu đã duy trì được con số kim ngạch tăng trưởng tương đối đều đặn từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng DN trong nắm bắt thời cơ từ các FTA cũng như cơ hội phục hồi từ thị trường. Bên cạnh đó, DN cũng đầu tư rất tốt cho công nghệ sản xuất sản phẩm, hàng hóa, nhờ đó, hàng hóa Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng.

Đưa nông sản Việt vươn xa toàn cầu

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đây không chỉ là con số ấn tượng mà còn minh chứng cho sức mạnh nội tại của ngành nông nghiệp Việt Nam, con số này hoàn toàn có thể tiến xa hơn nữa, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 100 tỷ USD.

"Việt Nam đã tham gia 20 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, trong đó có 17 hiệp định đã đi vào thực thi và 3 hiệp định đang trong quá trình đàm phán, dự kiến hoàn tất trong năm nay. Khi thực thi đầy đủ cả 20 hiệp định, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận một thị trường tiêu thụ hàng hóa lên tới 6 tỷ người. Điều này mở ra tiềm năng lớn cho sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhiệt đới - lợi thế đặc trưng của Việt Nam." - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Những con số kỷ lục trong xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2024
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Để hiện thực hóa mục tiêu 100 tỷ USD xuất khẩu nông sản, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng các vùng trồng và vùng nuôi đạt chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, và tổ chức sản xuất khoa học là những yếu tố quyết định để nông sản Việt có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường toàn cầu. Đồng thời, tăng cường chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân sẽ đảm bảo tính ổn định và bền vững cho ngành xuất khẩu.

Mặt khác, Bộ tiếp tục hỗ trợ các địa phương, DN chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững. “Ngành công thương sẽ tập trung nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thông qua tăng cường truyền thông; đào tạo nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử, phát triển kinh tế số; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu xanh, xuất khẩu bền vững” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên chính sách hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt là hỗ trợ các DN xuất khẩu trong nước. Theo đó, chính sách hỗ trợ xuất khẩu phải trọng tâm, trọng điểm theo từng ngành hàng và theo chuỗi giá trị. Đối với Bộ Công Thương, tiếp tục thông tin tới các hiệp hội, ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để DN điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp với các thị trường.

Đặc biệt, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cần được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...

Nguồn:Những con số kỷ lục trong xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2024

Hoàng Hậu

thuongtruong.com.vn