Những người giữ “lửa” văn hóa truyền thống ở Quảng Nam

16:30 | 10/08/2024

|
Quảng Nam có hơn 400 Người có uy tín, đây là một trong những lực lượng nòng cốt để tuyên truyền chính sách, pháp luật và gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế. Không những thế, họ còn là những người dành nhiều tâm huyết trong việc giữ “lửa” các làng nghề truyền thống, bảo tồn và giữ gìn những nét văn hoá đặc trưng của đồng bào.
Những người giữ “lửa” văn hóa truyền thống ở Quảng Nam
Đội ngũ Người có uy tín có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương

Từ giữ “lửa” làng nghề

Ít ai nghĩ, ở độ tuổi ngoài lục tuần, đôi tay của già Bh’ling Bloó, Người có uy tín ở xã Sông Kôn, huyện Đông Giang vẫn thoăn thoắt trên từng chiếc nan. Hằng ngày, già miệt mài với nghề đan lát để tạo ra những sản phẩm độc đáo, như chiếc gùi, hộp trang sức, mâm tre, giỏ (túi) xách bằng mây… để phục vụ nhu cầu của gia đình và bán cho khách hàng.

Ngoài việc sáng tạo các sản phẩm mới lạ, già Bh’ling Bloó còn là một trong những người góp công lớn trong việc truyền dạy đan lát cho người Cơ Tu tại địa phương. Đến nay, già Bh’ling Bloó cùng với già Bríu Thiện, già A Lăng Phương và một số nghệ nhân khác ở xã Sông Kôn đã mở 3 lớp dạy miễn phí nghề đan lát cho khoảng 40 người. Sự nhiệt huyết của già giúp có thêm nhiều người trẻ thành thạo với nghề, tạo ra các sản phẩm độc đáo.

Bằng sự tỉ mỉ, cộng với niềm đam mê đan lát, đến nay già đã sở hữu bộ sưu tập với hàng trăm tác phẩm tinh xảo. Già Bh’ling Bloó từng góp mặt trong chương trình “Triển lãm và giới thiệu nghề đan lát Cơ Tu” đến với người dân và du khách Thủ đô Hà Nội vào năm 2020. Một năm sau, già được chọn dự thi đan lát và đoạt giải Ba cuộc thi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Những người giữ “lửa” văn hóa truyền thống ở Quảng Nam
Người có uy tín Bh’ling Bloó miệt mài giữ nghề truyền thống đan lát

Đến phát huy văn hóa truyền thống

Ở Đông Giang, già Cơlâu Nhím (77 tuổi) được xem là “cây cao bóng cả” trong các sự kiện hội làng truyền thống. Từng là cán bộ ngành Điện ảnh, già Cơlâu Nhím có kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật, nhất là trình diễn văn hóa truyền thống. Mỗi lần già xuất hiện, với chiếc khèn trên tay, cả thôn làng như bước vào hội. Chiếc khèn trên tay cũng chính là tác phẩm do già Nhím tự làm và đã cùng già đi qua bao mùa lễ hội.

Đối với già Bh’ling Bloó, việc gìn giữ nghề thủ công không phải vì thu nhập mà ông muốn thông qua các sản phẩm của mình sẽ góp phần đưa nghệ thuật đan lát tinh xảo và đầy sáng tạo của đồng bào Cơ Tu đến với nhiều người. Đặc biệt là khơi dậy niềm đam mê nghề truyền thống của giới trẻ người Cơ Tu và quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống không bị mai một.

Trong suốt năm tháng của cuộc đời mình, già đã đến nhiều vùng đất, những bản làng từ Đông Giang, Tây Giang, Huế… để giao lưu và chia sẻ về nhạc cụ dân tộc. Mỗi lần đi, gặp gỡ những người bạn có cùng đam mê nhạc cụ truyền thống là mỗi lần già sưu tầm thêm cho mình những kiến thức mới. Giờ đây, già Cơlâu Nhím dành hết tâm huyết và những kiến thức có được để truyền dạy cho thế hệ trẻ Cơ Tu, như một cách tri ân cộng đồng.

Ngoài có duyên với nhạc cụ truyền thống, già Cơlâu Nhím đặc biệt có đam mê trong việc chế tác những dụng cụ truyền thống phục vụ trong đời sống của đồng bào Cơ Tu như khèn, đàn, gùi và chế tác phù điêu trang trí nhà Gươl. Với đôi bàn tay khéo léo, già Nhím đã tham gia rất nhiều buổi chế tác tượng gỗ, phù điêu cho làng, hay mỗi khi người dân trong vùng nhờ trang trí nhà cửa, mồ mả.

Còn già Mạc Văn Min, 71 tuổi, Người có uy tín ở thôn Tống Cóoi, xã Ba, huyện Đông Giang, bằng trách nhiệm của mình với cộng đồng, già đóng góp công sức trong việc sưu tầm các nét đẹp văn hóa Cơ Tu, trong đó đa phần là hát lý, nói lý để trao truyền lại cho thế hệ trẻ.

Những người giữ “lửa” văn hóa truyền thống ở Quảng Nam
Già Mạc Văn Min góp công trong việc sưu tầm và phát huy nói lý, hát lý của người Cơ Tu

Già Min tâm sự, nói lý, hát lý ở Đông Giang có những nét đặc sắc rất riêng, không giống với bất cứ nơi nào. Nét văn hóa này có từ ngày xưa, nhằm mục đích giãi bày, tâm sự của hai hay nhiều người với nhau. Lo sợ trước nguy cơ mai một, già đã lặn lội đến nhiều nơi để sưu tầm và trao truyền lại cho những người trẻ. Mỗi lần tiếp thu được kiến thức mới, già đều ghi chép cẩn thận vào sổ, sau đó tập hợp lại để phổ biến mỗi khi có hội làng.

“Trong những năm qua, tôi cùng một số nghệ nhân trong xã đã tổ chức một số buổi trao truyền về nói lý, hát lý cho người dân. Ngoài ra, trong các hội lớn của địa phương, chúng tôi cũng tổ chức các cuộc thi về hát lý, nói lý để gìn giữ nét văn hóa tốt đẹp này. Hiện nay, địa phương đã và đang có những chính sách nhằm khôi phục, phát triển nét văn hóa tốt đẹp nhằm góp phần phát triển du lịch”, già Min chia sẻ thêm.

Nguồn: Những người giữ “lửa” văn hóa truyền thống ở Quảng Nam

T.Nhân – H.Trường

baodantoc.vn