Sôi động thị trường đồ cúng ngày rằm tháng Giêng

15:05 | 12/02/2025

|
Cúng rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) là một trong những lễ cúng quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Do đó, thị trường đồ lễ phục vụ cho ngày rằm tháng Giêng càng trở nên sôi động, nhộn nhịp.

Sau Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng đối với người Việt, nhiều người quan niệm “cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”. Thế nên trong ngày này, nhiều gia đình chuẩn bị mâm cơm cúng chu đáo, đầy đủ với mong muốn một năm mới bình an, may mắn.

Dạo quanh các khu chợ truyền thống, rất nhiều người dân đã đi sắm sửa thực phẩm, đồ cúng cho ngày rằm tháng Giêng.

Sôi động thị trường đồ cúng ngày rằm tháng Giêng
Các mặt hàng hoa quả, đồ cúng ghi nhận sự tăng giá nhẹ.Ảnh: TTXVN

Tại một số chợ ở Hà Nội như Cầu Giấy, Dịch Vọng Hậu, Thành Công... các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thuỷ hải sản, thịt gia súc gia cầm, hoa tươi, trái cây có nguồn cung dồi dào và có phần phong phú hơn so với những ngày thường.

Về giá cả, thịt lợn có giá dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg tuỳ từng loại thịt. Gà nguyên con giá 150.000 -300.000 đồng/kg. Tôm tươi giá 250.000 - 320.000 đồng/kg tuỳ kích thước. Thịt bò có giá từ 250.000 - 280.000 đồng/kg...

Với hoa quả, quýt mít có giá dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/kg tuỳ từng cửa hàng, dưa hấu từ 15.000 - 25.000 đồng/kg, thanh long có tai đẹp giá từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, bưởi 20.000 - 25.000 đồng/quả, xoài cát giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, táo giòn 35.000 đồng/kg, hồng xiêm 35.000 - 45.000 đồng/kg,...

Sôi động thị trường đồ cúng ngày rằm tháng Giêng
Đa dạng thị trường hoa quả dịp rằm tháng Giêng. Ảnh: VTC News

Cùng với trái cây, các loại hoa tươi và trầu cau cũng khá đắt hàng. Theo đó, trầu cau dao động từ 20.000 – 50.000 đồng/lễ, hoa thược dược 120.000 đồng/bó chục bông, hoa cúc vàng giá 5.000 – 7.000 đồng/bông, hoa cát tường 45.000 - 50.000 đồng/bó, hoa ly 110.000 - 120.000 đồng/bó 5 cây, hoa thanh liễu 40.000 đồng/bó,...

Cành đào cuối vụ bán theo bó có giá dao động từ 70.000 - 90.000 đồng/bó từ 5-6 cành nhỏ.

Những món xôi, bánh xu xê nhỏ xinh, bánh bao hình trái đào được trình bày đẹp mắt, với giá bán từ 45.000 đến 90.000 đồng/set đang là xu hướng lựa chọn của các gia đình trong dịp rằm tháng Giêng.

Không chỉ các chợ truyền thống nhộn nhịp, xu hướng mua sắm trực tuyến cũng ghi nhận lượng giao dịch tăng mạnh. Nhiều gia đình lựa chọn đặt mâm cỗ cúng sẵn trên các "chợ mạng" thay vì đi chợ mua sắm. Giá mỗi mâm cỗ dao động từ 500.000 - 1.000.000 đồng tùy theo yêu cầu khách hàng.

Sôi động thị trường đồ cúng ngày rằm tháng Giêng
Vàng mã cũng là mặt hàng đang tiêu thụ tốt dịp rằm tháng Giêng. Ảnh: Lao động

Cúng rằm tháng Giêng là một trong những lễ cúng quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng về cơ bản không khác nhiều so với Tết Nguyên Đán. Vào ngày này, các gia đình thường làm hai lễ, một là cúng Phật, thần linh và hai là cúng gia tiên.

Lễ cúng Phật thường đơn giản với mâm cỗ chay thanh đạm cùng hương hoa đèn nến. Trong mâm cỗ cúng Phật thường có bánh trôi với ý nghĩa mong ước mọi việc được hanh thông, trôi chảy trong năm. Mâm cỗ chay thường có 5 màu sắc tượng trưng cho ngũ hành: đỏ (hỏa), xanh (mộc), đen (thổ), trăng (thủy), và vàng (kim). Nguyên liệu cho mâm cỗ chay là các món được chế biến từ rau củ xào hoặc luộc, có thể có thêm bánh trôi nước với mong muốn cả năm mọi việc đều trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy.

Sôi động thị trường đồ cúng ngày rằm tháng Giêng
Mâm cúng chay ngày rằm tháng Giêng. Ảnh: Internet

Mâm cúng gia tiên thường là mâm cỗ mặn, thường bao gồm 10 món được xếp xung quanh nhau tạo thành vòng tròn. Mâm cỗ mặn thường có 4 bát, 6 đĩa hoặc có thể nhiều hơn. Trong đó 4 bát gồm: Bát măng hầm, bát bóng thả, bát miến, bát mọc, 6 đĩa gồm: Thịt gà hoặc thịt lợn, giò hoặc chả, nem thính có thể thay bằng đĩa xào, dưa muối, đĩa xôi hoặc bánh chưng và nước chấm.

Sôi động thị trường đồ cúng ngày rằm tháng Giêng
Một mâm cỗ cúng gia tiên. Ảnh: Internet

Những món ăn trong mâm cỗ cũng thể hiện những ước mong riêng của người Việt như: Bánh chưng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài; Thịt lợn đã qua chế biến thuộc về âm, còn dưa hành rau củ thuộc về dương, âm dương kết hợp hài hòa tượng trưng cho sự phát triển.

Ngoài ra, trong mâm cỗ cúng còn có thêm cơm tẻ là lương thực ăn hàng ngày. Mâm cỗ có cả nếp lẫn tẻ, có âm có dương đầy đủ để sinh sôi nảy nở. Bên cạnh đó, mâm cơm cúng ngày rằm tháng Giêng cũng phải có đầy đủ các loại vị. Vị mặn từ nước chấm, vị cay từ ớt, vị chua của đĩa dưa hành muối, vị ngọt của bánh, tất cả tạo nên một mâm cỗ đủ đầy phong vị để cầu mong an lành trong năm mới.

Nguồn:Sôi động thị trường đồ cúng ngày rằm tháng Giêng

Minh Anh

thuonghieuvaphapluat.vn