Sự an ủi của tâm hồn

15:27 | 29/09/2021

|
'Cô đơn', đấy có thể là trạng thái thường trực khi bạn ngồi nhà hết ngày nọ tới ngày kia trong quãng thời gian giãn cách vì COVID-19. Bạn giải quyết nỗi 'cô đơn' ấy như thế nào? Có bao giờ bạn nghĩ trong 'cô đơn' có 'cơ hội' và việc mình chỉ có thể chìm vào nỗi cô đơn, chứ không tận dụng được tính cơ hội là lỗi của chính mình?

Xét về mặt tiến hóa, con người thời trung đại cũng giống như bạn và tôi. Tức là, họ cũng gặp phải những vấn đề nào đó trong cấu trúc tinh thần, ví dụ như cô đơn, tội lỗi, bế tắc, ăn năn, dằn vặt... Những lúc ấy họ thường có xu thế hóa giải các vấn đề bằng cách tựa vào các đại tự sự. Tôn giáo là những đại tự sự điển hình thời trung đại. Tựa vào đó, người ta có thể hỏi Đức Phật: Tại sao con cô đơn? Có thể hỏi thánh Ala: Con phải làm gì để thoát khỏi nỗi cô đơn? Rồi hỏi Chúa: Người sẽ dẫn dắt con vượt qua nỗi cô đơn này chứ? Đức Phật không thể trực tiếp trả lời thì các bộ kinh kệ có thể trả lời. Chúa không thể trực tiếp trả lời thì các vị linh mục sẽ trả lời. Và từ những câu trả lời như thế, bạn sẽ bước qua vực thẳm.

Sự an ủi của tâm hồn
Ảnh: L.G

Sử gia Yuval Noah Harari trong tác phẩm “Homo Deus” khái quát một công thức chủ đạo cho những chỉ dẫn tri thức của con người châu Âu thời trung đại: Tri thức = Thánh kinh x Tư duy logic. Nghe qua có thể khó hiểu nhưng ông đã giải thích dễ hiểu như thế này: “Nếu người ta muốn biết câu trả lời cho một câu hỏi quan trọng nào đó, họ sẽ đọc thánh kinh và sử dụng tư duy logic để hiểu ý nghĩa chính xác của văn bản.

Chẳng hạn, các học giả muốn biết hình dạng của trái đất sẽ rà soát Kinh thánh để tìm những dẫn chứng liên quan. Một người chỉ ra rằng trong sách “Job 38:13” có nói rằng Chúa có thể “nắm lấy viền của trái đất và giũ kẻ ác ra khỏi đó”. Điều này có nghĩa là - học giả lập luận - vì trái đất “có viền” mà Chúa có thể “nắm lấy” nên nó phải là một mặt phẳng vuông...”. Như thế có nghĩa, luôn có một kế hoạch vũ trụ thuộc về các đấng tối cao, nằm ngoài những con người bằng xương bằng thịt.

Tuy nhiên, đến thời Khai sáng, khi mà “Chúa đã chết” theo cách nói của Nietzsche và sau đó, khi các cuộc cách mạng khoa học xuất hiện thì công thức cũ bị xóa bỏ, công thức mới xuất hiện: Tri thức = Dữ liệu thực nghiệm x Toán học. Bây giờ, phần lớn những vấn đề xung quanh cuộc đời ta phải được đo đạc, thống kê, xác tín bằng dữ liệu, bằng các con số, thông qua các phép tư duy logic. Chữa một căn bệnh, xây một thành phố, dự báo một cơn mưa..., tất cả phải là câu chuyện của dữ liệu, chứ không còn là câu chuyện của đấng tối cao.

Sự an ủi của tâm hồn
Ảnh: L.G

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là lời kết của câu chuyện. Vẫn theo Harari, sau thời cách mạng khoa học là thời kỳ mà ông gọi là “chủ nghĩa nhân văn”, tức là thời kỳ con người là trung tâm của mọi chuyện và trung tâm của chính mình. Lúc này lại xuất hiện một công thức tri thức mới: Tri thức = Trải nghiệm x Sự nhạy cảm. Nào, bây giờ muốn biết trái đất thực sự có hình thù ra sao, chắc chắn bạn sẽ không còn hỏi Chúa, mà hỏi những trải nghiệm khoa học của chính mình. Muốn biết cơn rối loạn cảm xúc âu lo kéo dài bao lâu, bạn sẽ không đến trải lòng với các linh mục, mà tìm đến lời khuyên của các bác sĩ tâm lý và sau đó phải tự đưa ra những quyết định cuối cùng về cuộc đời mình, thông qua những trải nghiệm cá nhân mình.

Tại sao dịch bệnh làm tôi cô đơn? Tại sao hậu dịch bệnh làm tôi khủng hoảng? Sự dày vò đến mức quái ác của cái hỗn hợp cô đơn - khủng hoảng ở bên trong con người tôi rồi sẽ đi tới một đoạn kết như thế nào? Tại sao tôi chỉ nhìn thấy tính nguy cơ (điều chắc chắn dễ nhìn thấy hơn và ai cũng thấy), chứ không nhìn thấy tính cơ hội trong hoàn cảnh đáng sợ này? Bác sĩ tâm lý nhắc nhở tôi: Này, bạn có biết câu chuyện của nhà khoa học Newton ở thế kỷ 17 không?

Đấy chính xác là năm 1665, chàng sinh viên Newton 20 tuổi và một đợt dịch hạch vô cùng nguy hiểm đã bùng phát tại London (Anh). Trường học đóng cửa, Newton phải tự cách ly tại nhà. Chính trong khoảng thời gian cách ly này, khi mà nhiều người có thể đang kêu gào thảm thiết về nỗi cô đơn đang bủa vây lấy mình thì Newton làm một việc: đi xin một thấu kính, khoét một lỗ trên cửa chớp, cho ánh sáng chiếu qua để bắt lấy từng chùm tia nhỏ nhất. Từ đây, ông xây dựng những tiên đề đầu tiên về quang hình học. Đến năm 1697, khi trường Cambridge mở cửa trở lại, Newton đã tích lũy được một vốn kiến thức dày dặn và đã vượt xa bạn bè cùng trang lứa. Chính quãng thời gian cách ly - tự học đã giúp ông tạo nên những thành tích vượt trội.

Khi đưa ra câu chuyện này, bác sĩ tâm lý đã tung cho chúng ta một trải nghiệm. Rồi bác sĩ tâm lý hỏi chúng ta: Bạn có thấy đó là một điểm tựa để giúp mình vượt qua cơn hoảng loạn lúc này hay không? Chúng ta sẽ suy nghĩ một lúc. Chúng ta chợt nhận ra: mình cũng đang làm những công việc tri thức, vậy tại sao mình không nghĩ tới chuyện tận dụng quãng thời gian cách ly để “tu luyện” trau dồi bản thân? Điều này có nghĩa một chút trải nghiệm với câu chuyện của Newton đã bắt đầu làm lung lay một điều gì đó trong cấu trúc tinh thần của chúng ta. Nhưng rồi xuất hiện một lung lay khác, theo chiều ngược lại: Ừ, tại sao lại như thế nhỉ? Nhưng, suy cho cùng, mình cũng có phải Newton đâu! Mình là mình, với những đặc thù riêng của mình, mà Newton không có! Tất cả những loay hoay, va đập như thế sẽ xuất hiện trong đầu chúng ta. Sau mọi trải nghiệm thực tế của cuộc sống và mọi trải nghiệm lý thuyết mà bác sĩ tâm lý đưa ra, rốt cuộc, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề như thế nào?

Thì đó, chẳng phải lý thuyết nhận thức của thời “chủ nghĩa nhân văn” nói rằng: Tri thức = Trải nghiệm x Sự nhạy cảm, đó sao? Chẳng phải, những hiểu biết cũ - mới của tôi, những trải nghiệm hay - dở của tôi rồi sẽ quyết định chính tôi đó sao? Tự tôi sẽ phải đưa ra quyết định. Nhưng, trong hoàn cảnh này, sau khi cân nhắc rất nhiều các trải nghiệm, tại sao tôi vẫn thấy khó xử, mong manh quá? Đại dịch đã gọi ra sự mong manh sâu thẳm trong con người tôi chăng? Sự tự tin vốn có của tôi trong thời kỳ trước đại dịch đâu rồi? Có vẻ, sau biến động này, tôi mới nhận thức về tôi rõ hơn. Tôi không chủ động như mình tưởng! Giá mà có một thoáng các đại tự sự giống thời trung đại ngày xưa để tựa vào! Một chút thương nhớ đại tự sự nảy sinh. Những đại tự sự gắn liền với các đấng tối cao thời trung cổ có thể không giúp tôi tìm được những lối ra tri thức thì cũng ít nhiều giúp tôi có được sự an ủi của tâm hồn. Mà sự an ủi của tâm hồn, trong những hoàn cảnh đại biến động luôn là điều cần thiết.

Chắc chắn tôi không thể quay về thời trung đại, để tựa hẳn vào các đại tự sự tôn giáo y như con người trung đại nữa rồi. Chắc chắn là như thế. Tôi cũng không thể tìm lối ra chỉ bằng các trải nghiệm dữ liệu cùng những công thức toán học thuần túy, vì những thứ khô khan ấy không thể làm mờ đi những vết xước tinh thần trong tôi. Chắc chắn chỉ có tôi mới giải quyết được vấn đề của chính tôi, theo đúng công thức nhận thức của thời “chủ nghĩa nhân văn tự do”.

Chỉ có tôi mới biết cách thoát khỏi cơn khủng hoảng và thậm chí, tìm được “cơ hội” trong thách thức như lời khuyên của bác sĩ tâm lý. Chỉ có tôi và chấm hết, một cái tôi mà sau cơn đại biến động của nhân loại nó mới chợt nhận ra: mình không vĩ đại như mình tưởng!

Và cũng chính sự “không vĩ đại” mà một thoáng tìm kiếm sự an ủi trong các đại tự sự, đặc biệt là những đại tự sự tôn giáo có lẽ cũng là một việc nên làm? Sự an ủi đó sẽ giúp tôi bình tĩnh, mà không hoảng loạn. Sự an ủi đó, sẽ giúp tôi nhận ra “tính cơ hội”, thay vì chỉ toàn những “thách thức đen tối” mà những ngày cách li mang lại. Sự an ủi đó, sẽ giúp tôi nhìn vào thẳm sâu con người bên trong mình, thay vì chỉ nhìn ra ngoài. Và, sau những sự an ủi quan trọng như thế, những hạt mầm sáng tạo có cơ hội nảy sinh.

Trong rất nhiều cơn đại biến động, đại nguy khó, “sự an ủi của tâm hồn” luôn là điều cần tìm kiếm đầu tiên!

Nguồn: Sự an ủi của tâm hồn

Phan Mỹ Chí

Báo CAND (chuyên đề ANTG cuối tháng)