Sự tích và ý nghĩa ngày vía Thần Tài

14:50 | 06/02/2025

|
Theo sự tích dân gian, Thần Tài vốn là vị thần chịu trách nhiệm cai quản tiền bạc, của cải ở thiên đình, vì một sự cố mà lưu lạc dưới trần gian một số năm, và mùng 10 tháng Giêng là ngày ngài bay về trời. Trong ngày này, người dân thực hiện các nghi lễ cúng bái để cầu xin sự phù trợ, trở nên giàu có, buôn may bán đắt.
Cần làm gì vào ngày vía Thần Tài 2025 để may mắn?Cần làm gì vào ngày vía Thần Tài 2025 để may mắn?
Ngày vía Thần Tài 2025 là ngày nào?Ngày vía Thần Tài 2025 là ngày nào?

Dân gian xưa tương truyền khá nhiều câu chuyện về Thần Tài gõ cửa, đem đến may mắn, tài lộc. Ví như nhiều người truyền tai câu chuyện kể rằng xưa có một người lái buôn Trung Hoa tên là Âu Minh khi đi qua hồ Thanh Thảo tình cờ gặp Thủy Thần, được Thủy Thần cho một người gia nhân tên là Như Nguyện. Âu Minh đem Như Nguyện về nuôi ở trong nhà, từ đó công việc làm ăn của Âu Minh mỗi ngày một phát đạt.

Sự tích và ý nghĩa ngày vía Thần Tài

Tượng Thần Tài ở Việt Nam được tạo hình theo Tài Lộc Chân Quân. (Ảnh minh họa)

Trong một ngày Tết, vì một lý do nào đó, Âu Minh đánh Như Nguyện. Như Nguyện sợ hãi bèn chui vào đống rác và biến mất. Từ đó Âu Minh làm ăn thua lỗ, chẳng mấy chốc nghèo xác nghèo xơ.

Người ta bảo Như Nguyện là Thần Tài và lập bàn thờ Như Nguyện, cũng chính vì thế mà bàn thờ Thần Tài thường nằm ở một góc khuất trong nhà. Theo điển tích này, trong 3 ngày Tết có tục kiêng quét nhà, hốt rác vì sợ làm mất Thần Tài ẩn trong đống rác.

Một sự tích khác lại kể rằng, Thần Tài là một trong những vị thần nổi tiếng của tín ngưỡng phương Đông chuyên quản thúc tài phúc của thiên hạ. Cho đến nay, giai thoại về ngày vía Thần Tài vẫn được lưu truyền như một câu chuyện đậm chất dân gian.

Chuyện kể rằng trong một lần đi chơi uống rượu, Thần Tài say quá nên rơi xuống trần gian, đầu va vào đá nằm mê mệt không biết gì. Đến khi tỉnh dậy thì quần áo bị lột sạch, mất trí nhớ không còn biết mình là ai.

Thần Tài đi lang thang xin ăn khắp nơi. May thay khi Thần Tài đi xin ăn thì được một cửa hàng bán gà, vịt quay mời Thần Tài ăn, từ đó cửa hàng này đông nghịt khách hàng. Song, một thời gian sau, cửa hàng đó làm ăn sa sút, vắng khách do chủ nhà thấy Thần Tài không làm gì, ăn bốc nên không cho ở nữa.

Nhiều người kinh doanh khác biết chuyện giành mời Thần Tài về quán của mình. Theo đó, cửa hàng nào có Thần Tài vào ăn thì cửa hàng đó khách kéo đến nườm nượp. Vậy nên mới có câu “Thần Tài gõ cửa”.

Để tưởng nhớ, người ta chọn ngày vía Thần Tài là ngày Thần Tài bay về trời, tức ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.

Cũng theo tín ngưỡng dân gian, cứ vào ngày vía Thần Tài, mọi người lại đi sắm lễ vật để cúng lấy vía Thần Tài để cầu xin làm ăn thuận lợi, phát đạt trong năm mới. Trong đó, mua vàng với mong muốn “buôn may bán đắt” là một phong tục không thể thiếu, bởi vàng là tượng trưng cho giàu sang và phú quý.

Dù sự tích về ngày vía Thần Tài đang gây nhiều tranh cãi khi một số chuyên gia cho rằng, đây là câu chuyện được giới buôn vàng dựng lên nhằm mục đích bán vàng thu lợi nhuận. Song, với nhiều người tin rằng, mua vàng trong ngày vía Thần Tài và cất vàng trong két, trong ví hay để ở những nơi gần gũi với gia chủ sẽ mang lại tài lộc, sung túc cho cả năm.

Bởi, vàng không chỉ mua để cầu may mà trong tâm lý, thói quen của người Việt thì vàng vẫn được coi là kênh đầu tư và “giữ tiền” an toàn nhất. Nhiều gia đình luôn sở hữu một vài chỉ vàng đề phòng khi cần chi tiêu.

Nguồn:Sự tích và ý nghĩa ngày vía Thần Tài

Tuệ Lâm

laodongthudo.vn