Ðưa cua Cà Mau ra thế giới - Bài 2: Thách thức còn nhiều

03:09 | 31/08/2022

|
Tiềm năng, thế mạnh của con cua và ngành hàng cua Cà Mau rất lớn. Song, bên cạnh đó thách thức cũng đi kèm. Dịch bệnh trên cua, bị đánh cắp thương hiệu, thị trường trong nước và xuất khẩu chưa ổn định, chưa mở rộng... chính là những rào cản để con cua Cà Mau trở thành mặt hàng thế mạnh trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Anh Trần Văn Sua, ấp Nam Chánh, xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi, hiện đang là Chi hội phó Chi hội Nông dân của ấp, hơn ai hết anh cảm nhận được sự phát triển của ngành nuôi thuỷ sản, đặc biệt đối tượng nuôi là con cua.

Dịch bệnh trên cua

Anh Sua nhớ vài năm trước, mỗi lần đặt cua để thu hoạch, vừa bơi xuồng thăm cua vô nhà, trói nhanh là tiếp tục bơi xuồng đi thăm ngay; chứ để lâu cua sẽ ăn hết mồi và bò ra khỏi rập. Nói thế để thấy, những năm trước sản lượng cũng như năng suất cua ở địa phương rất lớn; thu nhập hàng năm vài chục, cá biệt có hộ cả trăm triệu đồng.

Ðưa cua Cà Mau ra thế giới - Bài 2: Thách thức còn nhiều
Anh Trần Văn Sua kiểm tra mức độ sinh trưởng của cua giống sau thời gian thả nuôi.

Những năm gần đây, khi thời tiết nắng nóng, độ mặn cao, cua có biểu hiện chết bất thường trong vuông nuôi. 3 năm qua, bệnh trên cua xuất hiện ngày càng nhiều (cụ thể năm 2021 diện tích nuôi cua xảy ra bệnh tăng đột biến, hơn 20.000 ha, chủ yếu tại các huyện ven biển Năm Căn, Ngọc Hiển, Ðầm Dơi, Phú Tân…). Theo khảo sát của ngành nông nghiệp cho thấy, cua bệnh chết nhiều trong giai đoạn hiện nay là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng ký sinh trong thân cua.

Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT phối hợp với Phân viện Nghiên cứu thuỷ sản Nam Sông Hậu tiến hành lấy mẫu cua chết để phân tích và công bố, đánh giá mức độ nguy hiểm, cũng như mức độ ảnh hưởng của ký sinh giáp xác chân tơ đến quá trình sinh trưởng của con cua Cà Mau.

Ðể phòng dịch bệnh trên cua, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho rằng: “Phải thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường, cảnh báo dịch bệnh, hướng dẫn người nuôi cua biện pháp phòng tránh. Ðã qua, UBND tỉnh phối hợp Trường Ðại học Quốc gia Hà Nội ký kết kế hoạch triển khai thực hiện thoả thuận hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học - công nghệ. Theo đó, thực hiện nhiệm vụ điều tra nguồn gen vi sinh vật gây bệnh trên cua nuôi và xây dựng kỹ thuật phòng ngừa, điều trị, kiểm soát dịch bệnh theo hướng thuỷ sản hữu cơ bền vững. Ngoài ra, Sở NN&PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Phân viện Nghiên cứu thuỷ sản Nam Sông Hậu thực hiện dự án nghiên cứu xác định nguyên nhân cua chết và đề xuất giải pháp phòng trị bệnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.

Bị đánh cắp thương hiệu

Cua Cà Mau có thương hiệu là vì chất lượng và được người tiêu dùng tin tưởng. Ðã qua, tỉnh Cà Mau xây dựng được thương hiệu cua Cà Mau nhưng thực tế, ngoài thị trường, nhất là thị trường các tỉnh, thành phố đã sử dụng thương hiệu cua Cà Mau cho các sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Từ đó, làm giảm sút uy tín cua Cà Mau.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về nhãn hiệu tập thể chưa được quan tâm đúng mức, hầu hết các cơ sở sử dụng nhãn hiệu tập thể chưa tổ chức dán tem để truy xuất nguồn gốc nên rất khó trong quản lý, khả năng hàng nhái, giả mạo là rất cao. Sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, mùa vụ, sản lượng và thị trường tiêu thụ. Người sản xuất thiếu vốn kinh doanh trong việc đầu tư máy móc, thiết bị, con giống và chưa chủ động được nguồn nguyên liệu.

Hình thức tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại, chưa kết nối được các doanh nghiệp, đặc biệt là chưa có sản phẩm sử dụng nhãn hiệp tập thể “Cua Cà Mau” được phân phối tại các siêu thị... nên giá cả đầu ra chưa ổn định. Chưa có quy định chung về chất lượng cua thương phẩm và dụng cụ kiểm tra nhanh về chất lượng sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm cua chưa được thiết kế mã vạch, mã QR theo quy cách bố trí tem nhãn hiệu truy xuất nguồn gốc, do đây là sản phẩm tươi sống, chưa qua chế biến nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm.

Anh Vũ Văn Thắng, Khóm 5, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, hiện là Giám đốc Công ty TNHH MTV Thuỷ sản Việt Thắng Cà Mau, trăn trở: "Gia đình có một xe tải cho thuê chở hàng, hàng ngày người thuê xe qua tận tỉnh Kiên Giang thu mua hàng tấn cua mang về phân phối tại thị trấn; chính những hoạt động này đã làm mất thương hiệu con cua Năm Căn".

Về giải pháp xây dựng thương hiệu cua Cà Mau thời gian tới, ông Phan Hoàng Vũ chia sẻ: “Ngành nông nghiệp sẽ rà soát điều kiện tự nhiên, tiến hành quy hoạch vùng nuôi cua chủ lực để tạo vùng nguyên liệu cung cấp đủ sản phẩm ổn định cho những cơ sở kinh doanh đã được phép gắn nhãn hiệu tập thể được chứng nhận nêu trên. Ðồng thời, chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể này cần vận động những thành viên được phép sử dụng nhãn hiệu phải tổ chức lại sản xuất, liên kết, giám sát nhau trong việc thu mua nguyên liệu, phải đảm bảo đạt chuẩn chất lượng và kích cỡ. Ngoài ra, sớm rà soát, ban hành, phổ biến những quy chế trong cấp phép gắn nhãn mác, trong liên kết, tổ chức sản xuất cho cộng đồng, để việc tổ chức nuôi, bảo vệ, khai thác cua đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng”.

Ðưa cua Cà Mau ra thế giới - Bài 2: Thách thức còn nhiều
Tổ hợp tác ươm cua giống Ðại Phát, ấp Tân Thành A, xã Tân Dân, huyện Ðầm Dơi, mỗi con nước xuất bán khoảng 80.000 con giống.

Ðể thương hiệu “Cua Cà Mau” đứng vững và thành thương hiệu uy tín, bền vững trên thương trường, được người tiêu dùng các nơi tin tưởng thì các chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể phải chọn và phân loại cua đạt kích cỡ từng loại, cùng quyết tâm không thu mua, không xuất bán sản phẩm chưa đạt kích cỡ. Chỉ nên chọn xuất bán và dán nhãn 2 loại cua (cua y chắc và cua gạch), tuyệt đối không chọn cua ốp, cua chưa đủ kích cỡ… để bảo vệ nguồn lợi và không làm mất uy tín thương hiệu.

Bên cạnh đó, cần quy định thống nhất về quy cách, chất liệu, tỷ trọng dây trói/kg sản phẩm cua được đóng gói bao bì trước khi xuất bán. Ðăng ký sử dụng mã vạch chống hàng giả, hàng nhái gắn trên lô hàng xuất bán để bảo đảm uy tín thương hiệu. Mở website đăng tải quảng bá thương hiệu “Cua Cà Mau” đến thị trường trong và ngoài nước, đồng thời là tâm điểm đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào để quản lý và truy xuất nguồn gốc khi có yêu cầu cần thiết. Phổ biến rộng rãi quy trình nuôi, chăm sóc và khai thác cua đúng chuẩn kích cỡ và chất lượng cua thương phẩm các loại.

Lệ thuộc thị trường xuất khẩu

Cua Cà Mau chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trước diễn biến dịch Covid-19, khi Trung Quốc đóng cửa thị trường thì cua Cà Mau không thể xuất khẩu. Vì vậy, cần giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bảo vệ và quảng bá thương hiệu cua Năm Căn - Cà Mau, áp dụng các giải pháp truy xuất nguồn gốc, nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là xuất khẩu. Cua Cà Mau đã nổi tiếng rất lâu đời, là đặc sản đặc trưng của Cà Mau, nhất là cua biển sinh thái. Cua Cà Mau vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Năm 2015, cua Năm Căn được công nhận nhãn hiệu tập thể, góp phần đưa thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng và tăng nhanh thị trường tiêu thụ.

Ðể xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh cua Cà Mau trong thời gian tới, theo ông Phan Hoàng Vũ: "Chính quyền địa phương và người nông dân cần có định hướng phát triển lâu dài, hiệu quả cho sản phẩm cua về quy hoạch vùng nuôi an toàn, mùa vụ nuôi, thời điểm thị trường có nhu cầu để bán được giá cao. Ðồng thời, cần quan tâm đến công tác bảo quản, tồn trữ; áp dụng khoa học kỹ thuật để bảo quản được lâu, vận chuyển đi đến các thị trường xa; chế biến đóng hộp để xuất khẩu...".

“Hỗ trợ phát triển thương hiệu và cải thiện khả năng thương mại sản phẩm cua Cà Mau; triển khai các dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu sản phẩm Cua Năm Căn - Cà Mau; thiết kế lô gô, nhận diện thương hiệu; hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tổ chức giao thương, kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tăng cường mối quan hệ với các tổ chức xúc tiến thương mại; thường xuyên tổ chức tham gia các hội chợ, kết nối cung - cầu hàng hoá với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ðà Nẵng, Cần Thơ... và các hội chợ triển lãm ngoài nước”, ông Phan Hoàng Vũ tâm huyết.

Tiềm năng lớn, thách thức không nhỏ, nhìn nhận khó khăn và đưa ra nhiều giải pháp để trợ lực cho con cua là những giải pháp được tỉnh Cà Mau đề ra. Mối liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) trong chuỗi sản xuất ngành hàng cua đang cùng chung sức, đồng lòng vượt khó. Tin chắc rằng những khó khăn, thách thức đã qua sẽ không là rào cản để con cua Cà Mau tìm ra thị trường thế giới, trở thành một trong những ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh./.

Nguồn: Ðưa cua Cà Mau ra thế giới - Bài 2: Thách thức còn nhiều

Phú Hữu

baocamau.com.vn