Vòng xoáy chưa có hồi kết

09:44 | 13/04/2022

|
Chỉ trong 1 ngày, tại thủ đô Brussels (Bỉ) diễn ra tới 2 hội nghị thượng đỉnh và một cuộc họp cấp ngoại trưởng. Cả 3 sự kiện, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Hội nghị ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều xoay quanh chủ đề cuộc khủng hoảng ở Ukraine - điều cho thấy sức nóng của vấn đề cả trên thực địa lẫn ở các nước liên quan.

Đặc biệt, khác với một số hội nghị gần đây chỉ tham dự trực tuyến, lần này Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã xuất hiện trực tiếp tại trụ sở NATO ở Brussels với thông điệp ngắn gọn, rõ ràng: "Chỉ có 3 thứ, là vũ khí, khí tài và vũ khí".

Vòng xoáy chưa có hồi kết
Các nhà lãnh đạo G7 tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels, Bỉ ngày 24/3/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tại cả ba hội nghị ngày 7/4, lãnh đạo của các liên minh quân sự, kinh tế và chính trị đều quyết định tăng cường hỗ trợ Ukraine, đồng thời gia tăng sức ép với Nga, trong khi nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine. Hơn 1 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, có thể thấy, NATO, G7 và EU đang chuẩn bị cho một cuộc chiến leo thang và dài hơi. EU siết chặt vòng trừng phạt thứ năm nhằm vào Nga, với việc thông qua lệnh cấm nhập khẩu than đá, cấm các tàu, thuyền của Nga cập bến các cảng của liên minh. G-7 nhất trí cấm các khoản đầu tư mới vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng. Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: "Tôi đã kêu gọi các nước đồng minh tiếp tục hỗ trợ theo nhiều hệ thống vũ khí khác nhau, với cả các loại vũ khí hạng nhẹ và hạng nặng".

Tuyên bố này đã cho thấy một sự thay đổi lớn trong NATO. Mới chỉ cách đây 2 tuần, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói về một "lằn ranh đỏ", đó là việc NATO sẽ không trở thành một bên tham chiến. NATO thời điểm đó khẳng định sẽ tiếp tục chuyển giao "vũ khí phòng thủ" cho Ukraine, nhưng không ai nghĩ đến việc gửi xe tăng và máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất của ông Stoltenberg đã xóa bỏ sự phân biệt trước đây giữa "vũ khí phòng thủ" và "vũ khí tấn công", nhấn mạnh rằng Ukraine lúc này cần cả vũ khí hạng nhẹ và hạng nặng. Nói một cách dễ hiểu hơn: Xe tăng, pháo và tên lửa đạn đạo - những thứ có thể được sử dụng để đánh chìm tàu chiến Nga, giờ đây cũng sẽ được coi là "hệ thống phòng thủ".

Cộng hòa Séc là quốc gia NATO đầu tiên chuyển giao một số xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 và xe chiến đấu bọc thép cho Ukraine. Khả năng một số nước cũng sẽ sớm làm theo, bởi nhiều nước Đông Âu còn một lượng không nhỏ phương tiện chiến đấu lưu kho từ thời Hiệp ước Vácsava. Rõ ràng đã có một thỏa thuận ngầm giữa các nước NATO mà không thể là một quyết định chính thức, bởi NATO - với tư cách là một liên minh quân sự - cũng muốn tránh việc chuyển giao vũ khí, nhất là vũ khí hạng nặng.

Nhiều thông tin cho biết, Chính phủ Đức cũng để ngỏ khả năng cung cấp 100 xe chiến đấu bộ binh Marder cho Ukraine. Lý do Đức còn do dự là nguy cơ Berlin, từ hành động này, có thể bị kéo vào cuộc đối đầu trực tiếp với Nga - điều mà Đức luôn muốn tránh trong mọi trường hợp. Cũng chính vì vậy mà hiện các nước NATO, trong khi đều sẵn sàng chuyển xe tăng cho Ukraine, vẫn e dè trong việc hỗ trợ máy bay chiến đấu. Nga từng cáo buộc hai máy bay chiến đấu của Ukraine không kích vào một kho chứa dầu ở tỉnh Belgorod (miền Tây nước Nga) khiến nhiều người bị thương, dù Kiev bác bỏ.

Theo giới phân tích, việc NATO tăng cường chuyển vũ khí cho Ukraine trước hết là vì sức ép dư luận, thứ hai là thông tin Nga rút quân khỏi nhiều khu vực ở miền Bắc Ukraine đã tạo điều kiện để NATO trang bị vũ khí tốt hơn cho Kiev và việc chuyển giao vũ khí cũng dễ dàng và an toàn hơn. Tổng thư ký Stoltenberg nhận định giao tranh ở Ukraine sẽ không nhanh chóng kết thúc, có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, do vậy NATO phải chuẩn bị cho mục tiêu dài hạn.

Tuy nhiên, người đứng đầu NATO vẫn khẳng định sẽ không có binh sĩ NATO nào đặt chân lên đất Ukraine - bởi điều đó, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu trực diện giữa NATO và Nga với những hậu quả khôn lường. Ông Stoltenberg cho biết, một mặt NATO tiếp tục hỗ trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine thông qua các nước thành viên, mặt khác cũng sẽ đẩy mạnh củng cố sườn phía Đông với việc tăng cường điều chuyển tới đây các máy bay chiến đấu, hệ thống phòng thủ tên lửa, tàu chiến và binh sĩ để tạo khả năng răn đe kéo dài từ Biển Baltic đến Biển Đen.

Nhìn vào bức tranh như trên, có thể thấy Ukraine đang giống một „thanh nam châm„ hút thuốc súng và khí tài chiến tranh. Cả những nước giáp ranh Ukraine, những nơi được gọi là sườn phía Đông NATO cũng vậy. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí và hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể cản trở các cuộc đàm đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó, hàng loạt những biện pháp trừng phạt, cấm vận và đáp trả lẫn nhau về ngoại giao, kinh tế giữa Nga và phương Tây càng khiến "thùng thuốc súng" này sục sôi, trực nổ. Theo báo JW của Đức, chính sự leo thang do NATO kích động sẽ gây nên những hậu quả sâu rộng. Các nhà phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sẽ chỉ phản tác dụng và vũ khí đưa tới Ukraine và khu vực xung quanh sẽ chỉ như "thêm dầu vào lửa".

Một số chuyên gia nhận định đối với phương Tây, vốn quan tâm đến việc thực thi các lợi ích thống trị toàn cầu, Ukraine có một giá trị địa chiến lược đặc biệt. Không ít ý kiến cho rằng những biến động chính trị ở Ukraine năm 2014, mà nhiều người so sánh như một cuộc "cách mạng màu", dẫn tới việc thành lập một chính phủ thân phương Tây ở Ukraine, đã diễn ra với sự "hậu thuẫn" của phương Tây nhằm đưa Ukraine rời xa mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Tiếp đó, Ukraine trở thành đối tác EU với định hướng được nêu trong Hiến pháp năm 2019 là sớm trở thành thành viên đầy đủ của EU và NATO. Điều này nếu xảy ra, sẽ được coi là đỉnh điểm của chiến dịch mở rộng sang sườn phía Đông của NATO.

Nga lâu nay vẫn lo ngại về kịch bản này, bởi nếu Kiev trở thành thành viên NATO, thời gian bay của các tên lửa đặt tại Ukraine sang Moskva được giảm xuống còn 5 phút, giúp NATO, với chiến lược răn đe bằng vũ khí hạt nhân, có thể thực hiện tấn công phủ đầu vào cơ cấu lãnh đạo chính trị và quân sự Nga, loại bỏ một cuộc phản công từ Nga. Tuy nhiên, những lo ngại này của Moskva đã bị NATO phớt lờ, lời kêu gọi gần đây của Nga về các cuộc đàm phán đảm bảo an ninh, trong đó có quy chế trung lập đối với Ukraine, tiếp tục bị bác bỏ. Sợi chỉ gắn kết còn lại là Thỏa thuận hòa bình Minsk cũng không được thực thi một cách đầy đủ.

Giới phân tích nhận định với tình hình căng thẳng hiện nay, quan hệ kinh tế Nga/phương Tây sẽ bị đóng băng trong nhiều năm tới, trong khi các mối quan hệ chính trị sẽ có "đặc trưng" là sự thù địch và cảm giác đe dọa quân sự lẫn nhau. Phương Tây cũng sẽ chịu gánh nặng từ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga khi số người di cư gia tăng, lạm phát cao (các nước khu vực đồng euro là 5,8%, Mỹ 8%), suy giảm tăng trưởng kinh tế, thiếu năng lượng, đất hiếm,... Hậu quả địa chính trị cũng nhãn tiền khi Nga ngày càng rời xa EU, đồng thời, một làn sóng tái vũ trang và quân sự hóa mới đang được khơi mào.

Căng thẳng, trừng phạt và đáp trả lẫn nhau đang khiến NATO, EU và Nga rơi vào vòng xoáy không hồi kết. Trong khi đó, cả thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19, cùng những mối đe dọa an ninh chung. Thay vì đối đầu, mỗi thành viên trong cộng đồng quốc tế cần thể hiện trách nhiệm, hợp tác xây dựng một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, Hiến chương Liên hợp quốc, công lý, phát triển và bền vững cho tất cả các quốc gia và người dân./.

Nguồn: Vòng xoáy chưa có hồi kết

Mạnh Hùng

Báo Tin tức