Bài phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ tại hội thảo quốc tế về tương lai việc làm cho thanh niên

17:44 | 15/07/2021

|
Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ tại hội thảo quốc tế về “Tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cách mạng công nghiệp 4.0 - Phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam”.

Thưa ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội,

Thưa ông Srinivas Reddy, Giám đốc toàn cầu về kỹ năng và việc làm,

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO),

Thưa các Đại sứ, Đại biện, đại diện các Tổ chức quốc tế, các Quý vị đại biểu,

Trước hết, tôi nhiệt liệt chào mừng các vị Đại sứ, lãnh đạo và đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, diễn giả quốc tế và trong nước, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và toàn thể Quý vị đại biểu đến dự trực tiếp và trực tuyến Hội thảo quốc tế Tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và Cách mạng Công nghiệp 4.0 - Phát triển những kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam ngày hôm nay. Hội thảo do Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đồng tổ chức nhằm hưởng ứng và kỷ niệm ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 15/7 hàng năm do Liên Hợp Quốc phát động.

Nhân dịp này, tôi nhiệt liệt chúc mừng các bạn thanh niên được vinh dự nhận danh hiệu Đại sứ Kỹ năng nghề trẻ Việt Nam năm 2021. Tôi mong muốn các bạn tiếp tục phát huy vai trò là đại diện ưu tú của thanh niên Việt Nam, là những hình ảnh tiêu biểu cho lực lượng lao động trẻ của Việt Nam năng động, sáng tạo, đầy hoài bão và nhiệt huyết, được đào tạo và trang bị đầy đủ các kỹ năng thiết yếu đáp ứng xu thế mới của thị trường lao động quốc tế.

Thưa Quý vị,

Covid-19 và Cách mạng Công nghiệp 4.0 là “cú sốc kép” đối với thị trường lao động toàn cầu. Một mặt gây đứt gãy thị trường lao động, gia tăng thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội, nhất là đối với lực lượng lao động trẻ. Theo ILO, việc làm của thanh niên đã giảm 8,7% năm 2020 so với 3,7% ở người lớn tuổi hơn. Số người thất nghiệp dự báo vẫn ở mức cao và đến năm 2023 mới trở về mức trước đại dịch. Mặt khác, hai cú sốc đã và đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi việc làm và kỹ năng nhằm thích ứng với những điều chỉnh mang tính cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu. Việc làm bị mất đi trong những ngành công nghiệp cũ đã lạc hậu dự báo sẽ được thay thế bằng việc làm mới trong những ngành kinh tế xanh, công nghiệp sáng tạo đang ngày càng phát triển. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến 2025 có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng (reskilling và upskilling).

Nhân loại đã trải qua nhiều cuộc cách mạng về thay đổi phương thức sản xuất. Lịch sử cho thấy con người luôn điều chỉnh, đổi mới chính mình, thích ứng, tranh thủ các cuộc cách mạng để phát triển nhanh và bền vững hơn.

Lực lượng lao động trẻ đứng trước cả cơ hội và thách thức trong thế giới việc làm đang biến chuyển mạnh mẽ. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng với khả năng thích ứng của mình, các bạn thanh niên sẽ là lực lượng tiên phong, đi đầu trong trang bị lại, nâng cao các kỹ năng việc làm, nhất là kỹ năng, tri thức trong môi trường chuyển đổi số, để hoàn thiện và phát triển chính mình, đồng thời góp phần thay đổi cả cộng đồng và xã hội.

Thưa Quý vị,

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045. Trong đó, chúng tôi xác định một trong ba đột phá chiến lược là tiếp tục phát triển nguồn nhân lực, gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Hơn bao giờ hết, từng Chính phủ, doanh nghiệp và mỗi người dân cần nhận thức rõ các tác động của tương lai việc làm đối với đất nước, ngành, nghề và lĩnh vực của mình để có tư duy mới về quản lý, quản trị và điều hành, có các chiến lược, kế hoạch đổi mới - sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với tình hình mới.

Với tinh thần đó, tôi mong muốn Hội thảo hôm nay sẽ thảo luận, làm rõ một số nội dung sau:

Thứ nhất, đánh giá, làm rõ các tác động của đại dịch Covid-19 và công nghiệp 4.0 đối với tương lai việc làm và kỹ năng cho thanh niên. Những xu hướng điều chỉnh lớn của thị trường lao động toàn cầu trong thời gian tới là gì? Những ngành, nghề nào sẽ chịu tác động nhiều nhất? Dự báo xu hướng chuyển dịch địa - việc làm (geography of jobs)? Trong môi trường kết nối số, lao động có thể làm việc, sáng tạo mọi lúc, mọi nơi, làm việc từ nhà là mô hình nổi lên sau đại dịch Covid-19. Điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề mới trong chính sách quản lý lao động, tác động đối với các luồng di chuyển lao động trong thời gian tới.

Thứ hai, các tri thức, giá trị và kỹ năng gì mà thanh niên cần trang bị cho mình làm hành trang trong kỷ nguyên số? Giá trị tinh thần, văn hóa, đổi mới - sáng tạo ngày càng đóng vai trò quyết định giá trị sản phẩm, đây là những giá trị mà rô-bốt, hay AI không tạo ra được. Đây liệu có phải là giá trị đào tạo mà chúng ta cần hướng tới?

Thứ ba, các Chính phủ cần xây dựng các chính sách gì để huy động, gắn kết sự tham gia của doanh nghiệp và người dân vào quá trình phát triển kỹ năng thiết yếu, nâng cao năng lực tiếp thu công nghệ, tri thức mới cho thanh niên? Chúng tôi cũng mong muốn lắng nghe các đề xuất cụ thể cho Việt Nam nhằm đưa thanh niên đóng vai trò trung tâm, làm động lực, đồng thời cũng là mục tiêu trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thưa Quý vị,

Việt Nam là nước có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số, trong đó lực lượng thanh niên đóng vai trò nòng cốt, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cải thiện. Đây chính là lợi thế để Việt Nam có thể phát huy, kiến tạo nền tảng lao động số, từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng lao động toàn cầu.

Tại Diễn đàn hôm nay, chúng tôi mong muốn các chuyên gia từ thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế phong phú sẽ chia sẻ các khuyến nghị, hàm ý chính sách cho Việt Nam trong triển khai các chủ trương, định hướng chiến lược nói trên, nhất là trong xây dựng môi trường kiến tạo phát triển, đổi mới giáo dục - đào tạo, tái định hình kỹ năng cho thanh niên, xây dựng chính sách an sinh xã hội phù hợp với tương lai việc làm.

Với tinh thần Thanh niên là tương lai và Tương lai là thanh niên, tôi xin chúc Hội thảo thành công tốt đẹp. Chúc Quý vị khách quý và các đại biểu có mặt tại hội trường và ở tất cả các điểm cầu trực tuyến sức khỏe và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn.

Nguồn: Bài phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ tại hội thảo quốc tế về tương lai việc làm cho thanh niên

Vân Anh

dulich.petrotimes.vn