Cà Mau: Phan Ngọc Hiển - Người khơi gió lộng Hòn Khoai
Học sinh Trường THCS thị trấn Năm Căn hát Quốc ca tại Tượng đài Khởi nghĩa Hòn Khoai. (Ảnh chụp cuối năm 2020). Ảnh: VĂN TƯỞNG |
Trước lúc lên đường làm cách mạng, Phan Ngọc Hiển gửi lại bức thư cho người yêu, trong đó có những lời thơ gan ruột:
“... Anh không thể nào lưu luyến lại đây với em mãi!
Em yêu anh không bằng hai mươi lăm triệu đồng bào yêu anh!
Nếu ngày nào đời anh là đời đau khổ!
Một mình em không thể an ủi được lòng anh!
Thôi! Em có yêu anh hãy trông vào Tổ quốc,
Em có nhớ anh, hãy ngó lại đồng bào...”
Là một học sinh trường trung học sư phạm Sài Gòn, tham gia các phong trào yêu nước, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, Phan Ngọc Hiển đã bị nhà trường thực dân kết tội là “cầm đầu sinh viên” chống chế độ “nhà nước Ðại Pháp” và bị đuổi học. Không chỉ có lý tưởng tuổi trẻ, lúc này, Phan Ngọc Hiển đã tiếp cận được với ánh sáng soi đường của Ðảng thông qua những tác phẩm của Bác Hồ gởi từ nước ngoài về như “Ðường Kách Mệnh”. Ðây chính là vốn liếng, tài sản quý giá để Phan Ngọc Hiển mang theo suốt chặng đường từ Cần Thơ lên Sài Gòn và về đến xứ Rạch Gốc - Tân Ân xa xôi, để trở thành một chiến sĩ cách mạng chân chính, kiên trung.
Về Rạch Gốc - Tân Ân, Phan Ngọc Hiển được người dân miền biển xa xôi trìu mến gọi là Giáo Hiển. Giáo Hiển cùng với những người có cảm tình với cách mạng đứng ra xin phép hương chức hội tề xây dựng trường học dân lập. Một tay Giáo Hiển kiến thiết đời sống văn hoá tinh thần mới cho thanh niên, người dân. Các cuộc giao lưu văn nghệ, đờn ca tài tử được tổ chức. Hội banh Rạch Gốc - Tân Ân được thành lập, sân bóng là nơi có gốc me, bây giờ đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng.
Hồi nhớ những câu chuyện về Giáo Hiển, lão thành cách mạng Nguyễn Công Trực (Tư Trực) cho biết: “Những bậc cao niên của vùng Rạch Gốc - Tân Ân này đều nhắc nhớ về Giáo Hiển bằng tình cảm máu thịt. Những bữa đá banh, lúc trái banh văng xuống sông, phải có người lội vớt. Tranh thủ lúc này, Giáo Hiển ban đầu nói về chuyện đá banh, sau rốt là chuyện thời cuộc, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước cho thanh niên. Biết thế nào là cái nhục mất nước, cái ác của bè lũ xâm lăng và tay sai, rồi nói về trách nhiệm của tuổi trẻ”.
Tại một nơi “khỉ ho cò gáy” như xứ Rạch Gốc - Tân Ân, lần đầu tiên “Tiệm Sách Dân Lập” xuất hiện. Từ đó, những hạt giống của tri thức tiến bộ, ánh sáng của cách mạng đã được gieo mầm trên xứ sở này, để rồi như cây mắm, cây đước vươn lên xanh tốt, trở thành nơi khởi nguồn cho truyền thống cách mạng của Ðảng bộ, dân và quân tỉnh Cà Mau.
Không chỉ chú trọng đến việc xây dựng đời sống tinh thần mới, tranh thủ cảm tình của quần chúng Nhân dân, Phan Ngọc Hiển còn là một nhà báo với những tác phẩm điều tra sắc sảo bênh vực kẻ yếu thế, đâm những nhát chí mạng vào bản chất thâm độc, ác ôn của bè lũ xâm lăng và tay sai. Cho đến tận bây giờ, người dân vùng Rạch Gốc - Tân Ân vẫn khôn nguôi căm phẫn với tụi quan kiểm lâm và những tên chúa đảo Hòn Khoai ác ôn.
Trong tác phẩm “Về vụ kiểm lâm Cà Mau” (1935), Nhà báo Phan Ngọc Hiển đặt ra một vấn nạn nhức nhối: “Lắm phen chúng tôi nghe tiếng đồn vang, dân Cà Mau, nhứt là dân ở mấy làng Tân Ân, Viên An, Dầy Cháo, Năm Căn, Hàng Vịnh... chịu sống dưới nhiều ngón ngang tàng, phi pháp của bọn lính kiểm lâm”. Một điều trớ trêu, dù là sống với rừng vàng, biển bạc, nhưng những người dân nơi đây không có cây để cất nhà, vì tụi quan kiểm lâm bắt bớ, hiếp đáp. Có những người cất nhà mà không có vách, đốn một cây củi mục thì bị quan kiểm lâm phạt vạ nặng nề. Có người lỡ cặm cột, quan kiểm lâm vào đốn cột nhà dân. Người ta ví quan kiểm lâm ở xứ này như “con rắn hổ mây”. Rồi bằng giọng điệu sâu cay, Phan Ngọc Hiển ví von tụi quan kiểm lâm là “cứt cọp dựa hơi cọp làm oai”.
Bằng những chứng cứ, nhân vật thuyết phục, Nhà báo Phan Ngọc Hiển kết luận bài điều tra nêu trên bằng những yêu cầu khúc chiết với nhà chức trách: “1. Sửa điều lệ Kiểm lâm lại cho rành rẽ. 2. Chánh phủ nên ngó đến đơn yêu cầu của dân. 3. Trừng trị hẳn hoi những người hành luật làm quyền”. Những bài báo của Phan Ngọc Hiển gây chấn động dư luận hướng vào bè lũ xâm lăng và tay sai một cách công khai, hùng hồn. Ðiều quan trọng nhất, qua những tác phẩm này, Nhà báo Phan Ngọc Hiển đã đi đến tận cùng, rốt ráo bản chất và dã tâm của kẻ thù. Cũng từ những bài báo ấy, đã xác định được thế đứng rõ ràng của người chiến sĩ cách mạng Phan Ngọc Hiển là đứng về Nhân dân, đứng về chính nghĩa, nhận được sự ủng hộ sâu rộng của người dân vùng Rạch Gốc - Tân Ân.
Ngoài quan kiểm lâm, dân Rạch Gốc - Tân Ân còn cực kỳ căm giận các tên chúa đảo Hòn Khoai. Có thể nói, với người dân xứ này, quan kiểm lâm và chúa đảo Hòn Khoai chính là minh chứng sinh động nhất, là hình ảnh đại diện cho sự thâm hiểm, ác ôn, xảo trá của kẻ thù. Ðảo Hòn Khoai được người dân gọi là “đảo ngọt”, là nguồn cung cấp nước ngọt gần như duy nhất cho cư dân vào những mùa khô. Các tên chúa đảo thay phiên nhau ra lệnh cấm dân các vùng Viên An, Rạch Gốc - Tân Ân ra chở nước ngọt.
Khởi nghĩa Hòn Khoai có sự tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng của Tỉnh uỷ Bạc Liêu khi đó và lịch sử đã lựa chọn Phan Ngọc Hiển. Ðánh vào Hòn Khoai chính là đánh vào biểu tượng sức mạnh của kẻ thù, khi các đời chúa đảo đều là người Pháp. Ðánh vào Hòn Khoai, khả năng thắng lợi lớn, tránh tổn thất và quan trọng nhất là kẻ thù không kịp trở tay, không có khả năng chi viện. Ðánh vào Hòn Khoai cũng chính là nơi mà kẻ thù và tay sai không thể đoán định trước, rơi vào thế hoàn toàn bị động, bất ngờ…
Ngót 10 năm, từ 1931-1940, từ một thanh niên giác ngộ cách mạng, lần đầu tiên đặt chân về xứ Rạch Gốc - Tân Ân, Giáo Hiển đã lãnh đạo thành công cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai, trở thành nguồn cội và biểu tượng thiêng liêng của truyền thống cách mạng tỉnh Cà Mau. 81 năm, kể từ cột mốc ấy, Giáo Hiển vẫn mãi bất tử với đất và người Cà Mau, với sự nghiệp cách mạng mà biết bao thế hệ đang nối tiếp gìn giữ, phát huy. Và ở phía biển Ðông, nơi ngọn Hải đăng ngày đêm soi sáng chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc, Hòn Khoai vẫn lộng gió, như năm nào đưa đoàn quân chiến thắng trở về./.
Nguồn: Phan Ngọc Hiển - Người khơi gió lộng Hòn Khoai
Phạm Quốc Rin
baocamau.com.vn
-
Lâm Đồng: Đam Rông công nhận Làng nghề dâu tằm tơ thôn Đăk Măng
-
Du lịch Khánh Hòa: Một năm thắng lớn
-
Lâm Đồng: Bảo đảm quốc phòng địa phương tạo nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội
-
Hà Giang: Toàn tỉnh có 51 xã đạt chuẩn Nông thôn mới
-
Gương sáng ở Nặm Đăm
-
PVcomBank và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện
- A Trời với những vũ điệu Tây Nguyên
- Hà Giang: Giữ vững thương hiệu mật ong Bạc hà trên Cao nguyên đá
- Khánh Hòa: Đèo Khánh Lê đã thông xe 1 làn
- Lâm Đồng: Du lịch nông thôn trên huyện mới Ðạ Huoai
- Phú Yên: Thí điểm xây dựng các mô hình du lịch nông thôn
- Hà Giang: Những người cha nuôi trên Cao nguyên đá
-
Tổng Giám đốc điều hành MIS Hoàng Văn Lược: "Làm sao để các em giống như những chiếc la bàn vạn năng"
-
Cuộc đua thương mại điện tử sẽ ngày càng khốc liệt
-
TS. Phạm Trí Thành: “Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là cái nôi đào tạo ra những nghệ sĩ toàn diện”
-
Hoa hậu Khánh Vân lên tiếng xin lỗi sau hôn lễ cùng bạn trai nhiếp ảnh gia
-
Đo lường và đánh giá quan hệ xã hội: Bệ phóng cho doanh nghiệp phát triển bền vững
-
Bản tin Năng lượng xanh: Qcells cho biết đột phá công nghệ có thể giảm không gian cần thiết cho các tấm pin mặt trời
-
Tử vi ngày 20/12/2024: Tuổi Thìn biểu hiện xuất sắc, tuổi Ngọ tinh thần nhiệt huyết
-
Manulife tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho 3.000 người dân TP.HCM
-
Hành trình định vị thương hiệu THILOGI