Năng lượng sạch ở Trường Sa

10:49 | 12/05/2022

|
Những tấm pin mặt trời lấp lánh dưới ánh nắng chói chang và những cánh quạt gió quay tít trên từng đảo nhỏ là những công trình năng lượng sạch đang ngày đêm cung cấp điện phục vụ cuộc sống sinh hoạt và công tác sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).
Năng lượng sạch ở Trường Sa
Hệ thống pin năng lượng mặt trời tại đảo Đá Nam. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Thu hẹp khoảng cách với đất liền

Đoàn công tác số 4 của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đưa chúng tôi đến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên 9 đảo thuộc huyện đảo Trường Sa cùng Nhà giàn DK1 trong niềm xúc động và tự hào. Trên mỗi đảo, nơi chúng tôi đến, qua từng câu chuyện chia sẻ của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, phần nào cảm nhận thấy đời sống ở nơi cách đất liền hàng ngàn hải lý đang ngày được nâng cao, khởi sắc, thu hẹp khoảng cách với đất liền. Huyện đảo Trường Sa được xem là địa phương đầu tiên cả nước tiên phong thắp sáng bằng nguồn năng lượng sạch từ thiên nhiên. Nhờ có điện, mọi sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo đã bớt khó khăn hơn so với trước kia.

Ông Hồ Lương Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, chia sẻ, hệ thống điện mặt trời và năng lượng gió (năng lượng sạch) có mặt trên đảo từ lúc nào ông cũng không nhớ rõ, chỉ biết từ năm 2012 đến nay hệ thống này ngày một được nâng cấp, đảm bảo cung cấp đủ điện cho cả xã Sinh Tồn. Nhờ có nguồn điện từ năng lượng sạch mà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo thoải mái dùng quạt điện, tủ lạnh, mỗi tối có thể xem các chương trình tivi, từ đó nắm bắt những thông tin chính trị - xã hội của đất nước, qua đó thu hẹp khoảng cách giữa biển đảo và đất liền.

“Dù còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân chủng Hải quân, cuộc sống ngoài đảo được đảm bảo hơn trước kia. Cùng với đó, các đảo, các đơn vị ngoài này còn có nhiều hoạt động kết nghĩa, giúp đỡ nhau trong cuộc sống”, ông Lương Hiếu nói và cho biết thêm, chính quyền và các cấp thường xuyên quán triệt, nắm bắt kịp thời các nhu cầu để đảm bảo cuộc sống tinh thần nhân dân. Bên cạnh đó, toàn xã liên tục tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, giao lưu văn hóa văn nghệ giữa bộ đội với nhân dân, từ đó thêm gắn kết, nghĩa tình.

Còn theo Trung úy Nguyễn Văn Dừa, cán bộ vận hành hệ thống năng lượng sạch trên đảo Sinh Tồn, hiện nay công suất hệ thống năng lượng sạch trên đảo đảm bảo điện cho toàn đảo sử dụng. Mỗi năm ở đảo thường chỉ 2 mùa nắng và gió; giữa 2 mùa bù trừ, hỗ trợ cho nhau trong việc cung cấp năng lượng điện, do đó không lo thiếu điện nếu thiết bị hoạt động tốt.

Trên đảo Đá Nam, Thượng úy Mai Sỹ Quang, cán bộ thông tin, giới thiệu: “Nhờ có hệ thống điện mặt trời mà cán bộ, chiến sĩ sau những giờ huấn luyện có thể thoải mái thưởng thức các chương trình trên tivi, hệ thống tủ lạnh, bảo quản đồ ăn, chiếu sáng… lượng điện luôn cung cấp đủ cho nhu cầu trên đảo. Trong năm, tại đảo Đá Nam đón nhận khoảng 80 ngày nắng và 280 ngày gió. Do đó, lượng điện rất dồi dào”.

Thử thách trước nắng, gió

Việc đưa vào sử dụng, khai thác hệ thống năng lượng sạch tại huyện đảo Trường Sa là chủ trương đúng đắn, bởi nếu chỉ dựa vào năng lượng điện từ máy nổ như trước đây sẽ rất tốn kém và không ổn định, cùng với tiếng ồn lớn. Tuy nhiên, các thiết bị trong hệ thống năng lượng sạch ngoài Trường Sa luôn gặp thử thách rất khắc nghiệt từ thời tiết. Theo chuyên gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị năng lượng sạch ngoài đảo sẽ khó khăn và tốn kém gấp hàng trăm lần so với đất liền.

Thượng úy Mai Sỹ Quang cho hay, các thiết bị năng lượng sạch thường để ngoài trời, với gió biển mang theo hơi mặn, nắng đảo cũng rất khắc nghiệt khiến thiết bị nhanh xuống cấp, bị ăn mòn. Gần đây nhất, cuối 2021, trên đảo Đá Nam gánh chịu cơn bão mạnh khiến toàn bộ hệ thống năng lượng sạch gần như bị phá hủy. “Mỗi lần phải bảo dưỡng, bảo trì hệ thống năng lượng là cả một vấn đề, do các thiết bị không sẵn như đất liền. Chính vì vậy, công tác vừa vận hành, vừa đào tạo cho cán bộ, chiến sĩ thuần thục sử dụng các thiết bị cũng phải song hành để chủ động trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị”, Thượng úy Quang nói.

Do đặc điểm vị trí địa lý cách xa đất liền và bao gồm nhiều đảo, điểm đảo, trải dài trên vùng biển rộng lớn, việc cấp điện và bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị năng lượng sạch cho các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 luôn gặp khó khăn. Điều đáng mừng, hiện nay Quân chủng Hải quân phối hợp với EVN thường xuyên duy trì đầu tư sửa chữa hệ thống điện trên đảo; đồng thời tiếp nhận kịp thời các yêu cầu về sử dụng điện tại các điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa để đảm bảo cung cấp điện liên tục, đầy đủ, qua đó góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế biển đảo, nâng cao đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các điểm đảo.

Nói về hiệu quả phát triển năng lượng sạch tại huyện đảo Trường Sa, Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân, cho biết, hệ thống năng lượng sạch trên các đảo thời gian qua đã phát huy hiệu quả, đã làm thay đổi bộ mặt của Trường Sa. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân được thụ hưởng năng lượng sạch, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt trong cuộc sống, công tác và chiến đấu. Quân chủng Hải quân đang tích cực phối hợp với EVN để bảo đảm điện cho Trường Sa một cách tốt nhất.

Nguồn: Năng lượng sạch ở Trường Sa

Đức Trung

sggp.org.vn