Nhớ mãi hương vị độc đáo của ẩm thực phố cổ Hội An
'No căng bụng' với loạt đặc sản Nam Định ngon, bổ, rẻ có tiếng
Cách nấu chè dưỡng nhan chuẩn vị Cung đình ít ai hay
Đặc sản Quy Nhơn – Món ngon nghe đã hút hồn mọi thực khách
Hội An không chỉ hút khách du lịch bởi những con phố cổ kính, sầm uất mà còn nổi tiếng với các món ăn ngon. Dưới đây là một số món ăn tiêu biểu cho ẩm thực phố cổ Hội An.
1. Cơm gà
Được biết món cơm gà Hội An được người Hoa mang vào nơi này mấy trăm năm trước nhưng dưới bàn tay khéo léo cùng với sự sáng tạo của con người Hội An đã cho ra món cơm gà đặc trưng phố Hội.
Giống nhiều nơi, thành phần cơm gà ở đây cũng gồm gạo tẻ, thịt gà luộc và các loại rau ăn kèm. Cơm gà muốn ngon thì phải chọn gạo sạch, gà tươi. Theo đó, thịt gà ngon phải tuyển chọn những con gà thả vườn, đẻ một lứa trọng lượng từ trên 1kg đến 2kg thì thịt mới chắc, dai và có vị đậm đà.
Gạo nấu cơm phải là gạo cũ, để ít nhất từ một năm trở lên thì mới ngon và dẻo. Để cơm gà ngọt và đậm vị người ta thường nấu gạo luôn với nước luộc gà, thêm bó lá dứa để dậy mùi thơm. Gà sau khi luộc chín thì xé phay hoặc thái lát mỏng trộn với hành tây, rau răm, nước cốt chanh, vài lát ớt cho đủ vị chua, cay, mặn, ngọt cùng bát nước dùng béo được nấu bằng nước luộc gà.
Hạt cơm nấu cùng với nước luộc gà phải thơm thoang thoảng mùi khói bếp, vị béo ngậy của lá dứa và ăn kèm với với tương ớt Triều Phát thì mới ra chất cơm phố Hội. Với tất cả sự khéo léo tỉ mỉ trong cách chế biến của mình, người Hội An đã tạo ra một món cơm gà rất riêng, mang đậm dấu ấn của Hội An
2. Cao lầu
Cao lầu là món ăn độc đáo gắn liền với phố cổ Hội An. Theo một người Hoa lâu năm ở Hội An, cao lầu xuất hiện ở phố cổ từ thế kỷ 17, lúc cảng Hội An mới được khai thông. Nhiều người cho rằng món này của người Hoa, nhưng Hoa kiều ở đây lại không công nhận nó. Còn người Nhật thì cho rằng nó giống mỳ udon của họ nhưng khác về hương vị và cách chế biến.
Cao lầu không phải là một món bún, cũng chẳng giống món phở chút nào. Nó được chế biến hết sức công phu từ công đoạn chọn nguyên liệu cho tới chế biến, để sợi mỳ được vàng và ngon, người làm món ăn này phải dùng loại tro nấu từ Cù Lao Chàm ngâm gạo thì mới tạo được độ giòn, dẻo khô đặc trưng. Nước để xay gạo cũng phải là thứ nước lấy từ giếng Bá Lễ (nước không phèn).
Cao lầu không cần nước lèo, nhưng thay vào đó là thịt xíu, nước xíu, tép mỡ. Với thịt xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc ướp với gia vị và ngũ vị hương, nước xíu đậm vị ngọt, ai thích ăn đậm đà một chút thì thêm một chút nước mắm.
Còn tép mỡ cũng là một nguyên liệu phụ khác lạ, trước làm bằng da heo chiên giòn, nay thay bằng bột làm sợi cao lầu. Bát cao lầu đầy đặn, sợi cao lầu vàng nhạt, to bản, ăn vào thấy dai dai, mềm mềm, những miếng thịt lại được thái bản to, dày mình, được làm cẩn thận, đậm đà, ăn rất đã miệng. Hương vị giản dị nhưng hoà hợp, khiến bạn cứ thòm thèm mãi ngay cả khi vừa ăn xong một tô, giá một tô cao lầu ở đây là 20.000 - 25.000 đồng.
3. Mì Quảng
Mì Quảng gần giống như phở, bún, đều được chế tác từ gạo nhưng lại có sắc thái và hương vị riêng biệt. Mì Quảng Đà Nẵng là món ăn được bắt nguồn từ Quảng Nam – Đà Nẵng xưa, nó ra đời từ sự giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Tàu ở thế kỷ XVI. Người Tàu du nhập vào Quảng Nam- Đà Nẵng xưa, mang theo cả những món ăn đặc sản trong đó có những món ăn làm từ bột mỳ kha khá giống với món mỳ Quảng bây giờ.
Mì Quảng có khá nhiều phiên bản khác nhau như mỳ gà, mỳ cá lóc, mỳ tôm thịt, mỳ bò, hay gần đây còn có sự xuất hiện của mỳ ếch. Mỳ Quảng không phải là món khó nấu, nhưng lại cầu kỳ bởi nhiều công đoạn.
Ðể làm mì, người ta dùng gạo tốt ngâm nước cho mềm, đem xay thành nước bột mịn sau đó pha thêm ít phèn sa để cho sợi mì giòn, cứng rồi đem tráng thành từng lá mì. Sợi mỳ ngon phải vàng tươi, mềm mại nhưng cũng rất dẻo dai. Nước lèo phải nấu từ tôm, thịt heo, hoặc bằng thịt gà, có khi được làm bằng cá lóc, thịt bò… để nước đậm vị ngọt. Cái ngọt này đặc biệt khác với vị ngọt của nước phở nấu bằng xương bò, nước lèo của bún hầm xương heo. Rau sống để ăn với mì thông thường là loại rau đắng, diếp cá, rau húng, rau quế, rau cải, hành, ngò… của vùng rau Trà Quế nổi tiếng.
Một tô mỳ nóng bốc khói dậy mùi, thêm tí chanh, tí ớt, bánh tráng mè và rau sống nữa là bạn đã được thưởng thức một trong những món đặc sản ngon nhất miền Trung rồi.
4. Cơm hến
Không cầu kỳ hay cao cấp, cơm hến "hớp hồn" du khách bởi hương vị bình dị mà đậm đà khó quên. Nhiều du khách Hàn Quốc nói vui rằng cơm hến chính là bibimbap (món cơm trộn) của người Việt.
Một bát cơm hến đúng chuẩn phải là cơm nguội để qua đêm, trộn với hến xào qua dầu và gia vị rồi ăn kèm với tóp mỡ, đậu phộng rang nguyên hạt, khế chua, ớt chưng. Tất cả đều để nguội, chỉ có nước hến mới nóng sôi. Bất cứ ai có cơ hội thử qua món ăn này đều không thể nào quên.
Theo: Petrotimes
-
Eximbank: Không có việc NHNN đang thanh tra các hoạt động cấp tín dụng tại ngân hàng
-
Techcombank kinh doanh ra sao trong 9 tháng đầu năm 2024?
-
Vietinbank dẫn đầu ngành ngân hàng về tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm 2024
-
Giá hoa tươi dự kiến tăng cao dịp 20/11
-
Khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cùng với TT-GREEN
-
CLB Viettel đại thắng 5 sao, vươn lên top 3 V-League 2024/25
-
Ngân hàng SHB - Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024
-
Đội tuyển Nga tiếp tục vắng mặt ở vòng loại World Cup 2026
-
"Thư từ Roma": Bài 2 - Đi học tuổi 50