Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam: Thách thức nguồn nhân lực

18:02 | 14/07/2021

|
Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo AI mang đến Việt Nam nhiều cơ hội phát triển. Nhưng đồng thời cũng mang đến nhiều thách thức, một trong số đó chính là thách thức về nhân lực.

Vài năm gần đây, AI nổi lên như một lĩnh vực khoa học, công nghệ quan trọng. Các tiến bộ của AI đã cho ra đời những sản phẩm công nghệ chất lượng cao với khả năng tự động hóa, cá nhân hóa...

Theo giới phân tích, quốc gia nào trên thế giới có khả năng dẫn dắt sự sáng tạo và kiểm soát được công nghệ AI sẽ nâng cao được sức mạnh quốc gia, năng lực kinh tế, quốc phòng, từ đó làm thay đổi sự cân bằng lực lượng trong môi trường chính trị - kinh tế quốc tế. Có thể thấy, AI đang và sẽ là xu hướng có nhiều tác động đa chiều đối với quan hệ quốc tế nói chung và từng quốc gia nói riêng trong tương lai.

Vì vậy các chính phủ và cả doanh nghiệp tư nhân đều đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó nguồn nhân lực được xem là yếu tố cốt lõi bảo đảm sự thành công của phát triển AI.

Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam: Thách thức nguồn nhân lực
Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam: Thách thức nguồn nhân lực

Qua khảo sát của Công ty việc làm Navigos Search North, mức lương hiện nay dành cho các vị trí thuộc nhóm phát triển phần mềm liên quan đến AI khoảng 1.800 USD/tháng và khoa học dữ liệu là 1.600 USD/tháng. Dù lương rất hấp dẫn nhưng nguồn cung nhân lực khá ít ỏi nên nhiều DN gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân tài.

Theo các chuyên gia, nguồn cung cấp chuyên gia AI chủ yếu là tu nghiệp tại nước ngoài, từ một số trường đại học danh tiếng về công nghệ. Một số DN lớn của Việt Nam cũng tung ra chính sách chiêu mộ tài năng AI nhưng số lượng vẫn không đáp ứng tốc độ phát triển nói chung.

Một khó khăn nữa là người lao động chưa thật sự mặn mà với ngành công nghệ AI. Xu thế chung của lao động ở lĩnh vực này là nhảy việc.

Có khoảng 70-80% ứng viên muốn nhảy việc, hơn 50% nói sẽ ra nước ngoài làm việc nếu có lời mời. Đây thực sự là một thách thức lớn đối với ngành trí thông minh nhân tạo tại Việt Nam.

Chia sẻ ở vấn đề này, PGS. TS Trần Minh Triết, Đại học Quốc gia TPHCM cho hay, đào tạo không chỉ dừng lại trong nhà trường mà cả những quá trình ra xã hội, quá trình đào tạo cần sự liên kết nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, bởi AI chỉ phát huy được sức mạnh khi có sự kết hợp với những kiến thức chuyên môn các lĩnh vực khác. Thúc đẩy đào tạo để khắc phục một khó khăn hiện nay là lực lượng nghiên cứu AI ở Việt Nam còn rất mỏng.

Cũng nhìn ở góc độ chuẩn bị nguồn nhân lực, theo TS. Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện VinAI Research, có 4 vấn đề cần chú trọng nếu muốn phát triển AI: Nhân sự vừa chất lượng, vừa đủ số lượng; đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu; đào tạo thế hệ trẻ chuyên về AI để tiếp nối; kết nối giữa nghiên cứu và ứng dụng, tạo ra được sản phẩm. TS. Hưng cho rằng, một trong những trở ngại là lực lượng nghiên cứu AI người Việt chưa có môi trường để thể hiện và bệ phóng để phát huy, dù tất cả đều trẻ, tài năng, thông minh.

Nguồn: Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam: Thách thức nguồn nhân lực

Hà Trang

sohuutritue.net.vn