4 kiểu người độc hại bạn nên tránh xa

09:00 | 25/08/2024

|
Thay vì đưa ra những gợi ý để cải thiện thói quen xấu của bạn, họ tìm mọi lý do để chỉ trích nhằm cản trở sự tiến bộ của bạn
4 kiểu người độc hại bạn nên tránh xa
Thay vì đưa ra những gợi ý để cải thiện thói quen xấu của bạn, họ tìm mọi lý do để mắng mỏ nhằm cản trở sự tiến bộ của bạn. (Ảnh: ITN).

Người hay phê phán

Bạn đã bao giờ ở trong một mối quan hệ mà cảm thấy bị đánh giá và chỉ trích bất kể bạn làm gì chưa? Lời phê phán khác với lời khuyên và điều quan trọng là bạn phải hiểu được sự khác biệt đó.

Sự phê phán có thể cản trở các mối quan hệ nghề nghiệp và cá nhân của bạn, và hầu hết chúng ta đều coi đó là một đặc điểm tiêu cực. Tuy nhiên, mỗi cá nhân đều có những khó khăn riêng cần giải quyết và tất cả chúng ta đều mắc sai lầm.

Hãy tưởng tượng bạn đến bữa tối muộn 15 phút mà không đưa ra bất kỳ lời thông báo nào cho đối phương. Người ấy rõ ràng đang tức giận và thay vì hỏi tại sao bạn đến muộn hoặc chuyện gì đã xảy ra, họ bắt đầu xúc phạm bạn:

“Bạn luôn đến muộn và không bao giờ quan tâm đến bất kỳ ai ngoại trừ chính bạn. Tôi đã ngồi đây đợi bạn 15 phút rồi, và dù thế nào đi nữa, bạn dường như không bao giờ có mặt đúng giờ".

Những lời này khiến bạn cảm thấy bị coi thường và tin rằng mình không bao giờ có thể làm được điều gì đúng đắn, cho dù bạn cố gắng thế nào đi chăng nữa.

Một người hay phê phán mang lại nhiều điều độc hại cho một mối quan hệ. Họ thậm chí gọi bạn bằng những cái tên mang tính xúc phạm niềm tin, ngoại hình và suy nghĩ của bạn. Kiểu người này thường có lòng tự trọng thấp và muốn kiểm soát.

Thay vì đưa ra những gợi ý để cải thiện thói quen xấu của bạn, họ tìm mọi lý do để mắng mỏ nhằm cản trở sự tiến bộ của bạn.

Gây hấn thụ động

Gây hấn thụ động là biểu hiện của sự tức giận. Ví dụ ai đó liên tục bắt bạn phải chờ đợi hoặc khiến bạn trễ cuộc hẹn.

Tất cả chúng ta đều từng gặp những người hung hăng thụ động. Nguy hiểm ở chỗ bạn không bao giờ biết một người như vậy đang cố gắng truyền tải thông điệp gì. Bạn cảm thấy căng thẳng như thể mình đang đi trên vỏ trứng khi ở cạnh một người như vậy.

Hãy tưởng tượng bạn đã làm điều gì đó khiến đối tác của mình khó chịu nhưng bạn không chắc chắn chính xác đó là gì. Bạn hỏi tại sao anh ấy/cô ấy tức giận để bạn có thể tránh làm đối phương khó chịu trong tương lai.

Tuy nhiên, đối tác của bạn sẽ không cho bạn biết lý do tại sao anh ấy/cô ấy nổi điên mà thay vào đó sẽ trả lời “Tôi ổn” hoặc “Tôi không sao”, ngay cả khi anh ấy/cô ấy đang tức giận.

Điều này khiến não bạn phải chạy lòng vòng để cố gắng tìm hiểu xem người này đang nghĩ gì và tại sao họ liên tục gửi những tin nhắn ẩn ý. Bạn dành hàng giờ để đọc suy nghĩ của người đó đồng thời dò lại từng hành động hoặc lời nói của mình.

Nếu một người không thể giao tiếp một cách thẳng thắn, sử dụng sự mỉa mai như một cơ chế phòng vệ hoặc hành động như không có gì sai, thì bạn có thể đang đối mặt với một kẻ gây hấn thụ động.

Người ái kỷ

4 kiểu người độc hại bạn nên tránh xa
Những người ái kỷ sẵn sàng phá hủy mọi thứ và mọi người xung quanh khi họ cảm thấy bị tổn thương hoặc bị từ chối. (Ảnh: ITN).

Người ái kỷ hành động như thể họ biết mọi thứ và họ không ngại nói với bạn như vậy. Cho dù bạn thông minh hay có kinh nghiệm đến đâu, bạn cũng không bao giờ sánh ngang với người này. Ái kỷ được coi là một chứng rối loạn nhân cách và nó rất độc hại.

Người ái kỷ đặt mình lên vị trí cao hơn bạn. Do đó, bạn cảm thấy mình đang cạnh tranh với người này trong mọi tình huống. Những người ái kỷ thường không muốn thỏa hiệp, thiếu hiểu biết sâu sắc và đồng cảm, đồng thời muốn trở thành trung tâm của sự chú ý.

Họ phá hỏng những dịp đặc biệt, chẳng hạn như sinh nhật hoặc một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp chuyên môn của bạn, bởi vì họ liên tục cần những lời khen ngợi, ngay cả khi đó là lúc người khác tỏa sáng.

Họ dễ bị tác động, điều này khiến họ nổi cơn thịnh nộ và căm ghét vì lòng tự trọng của họ rất thấp. Những người ái kỷ sẵn sàng phá hủy mọi thứ và mọi người xung quanh khi họ cảm thấy bị tổn thương hoặc bị từ chối.

Kiểu người hay trốn tránh

Bạn có có thể đã từng gặp kiểu người luôn từ chối tham gia vào cuộc trò chuyện hoặc chia sẻ cảm xúc khi có vấn đề quan trọng nảy sinh. Họ khiến người khác cảm thấy mình tầm thường và không xứng đáng được giao tiếp thành thật.

Kiểu người này tỏ ra lạnh lùng và từ chối thừa nhận mình có vấn đề, nhưng việc từ chối giao tiếp sẽ tạo ra những cảm giác và rào cản tiêu cực khiến mối quan hệ khó phát triển hơn nữa.

Bằng cách không trả lời câu hỏi, thái độ không giao tiếp của họ khiến bạn thất vọng và tức giận.

Ngoài ra, nó có thể khiến bạn nuôi dưỡng cảm giác oán giận và tội lỗi. Nếu bạn đang cố gắng giao tiếp với một người mà bạn biết rõ người đó sẽ từ chối thành thật và cởi mở với bạn, thì bạn cần xem xét lại mối quan hệ này.

Nguồn: 4 kiểu người độc hại bạn nên tránh xa

Thủy Kiều

giaoducthoidai.vn