Quà tặng của nhân gian
Lê Thanh Hà và tranh giấy dừa của mình. |
Định hình một phong cách
Mày mò và sáng tạo, cần mẫn và kiên định, khao khát và đầy khám phá, người đàn ông đầu húi cua tóc đã lốm đốm bạc dường như đang định hình cho mình và đồng sự một dòng tranh mới, đánh dấu cho nghệ thuật và tạo nên sức sống cho một loại giấy, một loại tranh mới từ lá dừa. Anh tự nhận mình có một chút “điên” trong suy nghĩ, nhưng đó là cái điên của sự sáng tạo tìm tòi, cái khác người của sự tận dụng và khao khát cho một dòng giấy và tranh từ giấy dừa khác lạ, duy nhất và đầy sắc sảo. Lê Thanh Hà người xứ Nghệ, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Huế, thênh thang chốn tiêu dao nhiều nơi rồi trụ lại ở phố biển Đà Nẵng với kỹ nghệ làm giấy dừa độc bản này.
Chân chất và bộc tuệch, cởi mở mà lại mang nhiều trăn trở, cách nói chuyện phảng phất chút phong trần nghệ sĩ của người đàn ông 46 tuổi, nhưng đọng trong từng câu chuyện kể lắng dư vị sương gió đời người. Say sưa mày mò, anh Hà đã từng thử nghiệm dùng dừa nước, dâu, tràm, xơ sen để làm giấy nhưng hầu hết nguyên liệu không phổ biến, lại không có màu tự nhiên. Hà từng nghĩ tới việc làm giấy, làm tranh từ xơ dừa khi biết vỏ dừa có thể làm được nhiều thứ, đã từng thử qua rất nhiều kỹ thuật chế từ cách seo qua nước như giấy dó, giấy Nhật, giấy Thái Lan... nhưng rồi Hà định hình với cách đổ giấy của người Mông từ cây giang (một loại tre trúc phổ biến ở miền núi phía Bắc) sau một lần lang thang xứ núi tìm tòi khám phá. Mang kỹ thuật của người Mông từ cây giang chuyển sang cuống lá dừa, là nguồn nguyên liệu tương đối dồi dào mà tự nhiên ban cho để làm tranh giấy dừa.
Tranh giấy dừa trở thành những tác phẩm nghệ thuật, được trưng bày tại Triển lãm Phật giáo thế giới |
Kể thì nhanh, nhưng thực sự hành trình định hình cho loại giấy và tranh dừa ấy cũng ngót nghét chục năm. Qua bàn tay khéo léo của gã họa sĩ đầy chất phiêu này, phần được xem là bỏ đi của cây dừa đã được “tái sinh” thành cái đẹp, thành nghệ thuật mà người người phải trầm trồ xuýt xoa. Bây giờ, Giấy Quê Tôi là cơ sở làm tranh giấy dừa Đà Nẵng (đường Nguyễn Đăng Tuyển, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Để làm bức tranh nghệ thuật từ giấy dừa, phải trải qua 10 công đoạn từ vẽ họa tiết bằng tay, scan họa tiết vào máy tính, vẽ lại trên máy tính cho hoàn hảo rồi đưa vào máy cắt decan đưa lên khuôn lưới để tạo nét…
Nguyên liệu chính để làm tranh giấy dừa là những cuống dừa bỏ đi được chẻ nhỏ, chỉ giữ phần trắng của ruột tàu dừa. Sau đó, đổ nước vào ngâm ruột tàu dừa và đưa lên lò nấu với vôi từ đêm đến sáng. Nếu giấy làm từ chất liệu khác, công đoạn nấu bằng hóa chất chỉ mất 6 - 8 giờ thì nấu bằng vôi như giấy dừa mất từ 18 – 24 giờ. Việc ủ lên men nếu dùng hóa chất mất một ngày, nhưng giấy dừa khi ủ lên men tự nhiên mất tới 17 - 20 ngày mới đủ trắng để tạo tác, quá trình ủ thay nước thường xuyên. Đồng thời phải mở nắp chêm nước đến khi dừa mềm mới đưa ra xay sợi nhiều lần để thành bột. Người họa sĩ sau đó dùng khuôn nước tạo nét, khi xịt nước xuống các nét đó mờ đi, sau đó đậy lại rồi lại lấy nét tiếp nhiều lần cho đến khi họa tiết nổi lên rõ ràng, có khi hàng nghìn lần khắc xong bức tranh mới có thể đưa đi phơi nắng. Cứ thế, mỗi bức tranh giấy dừa qua hàng ngàn áp lực “khổ luyện” của lửa, nước, nắng với sự tài hoa của nghệ sĩ đã hóa thân thành tác phẩm nghệ thuật.
Kỹ thuật tạo hoa văn đòi hỏi nghệ nhân phải thật khéo léo để tạo nên những lớp dày, mỏng theo ý muốn trên mặt giấy. |
Một lời thưa cho tri kỷ nhân gian
Vài năm gần đây, tranh giấy dừa được yêu thích vì chất liệu tự nhiên. Tất cả các công đoạn đều được làm thủ công, không dùng đến hóa chất, kể cả những hóa chất được phép sử dụng, để giữ nguyên vẹn màu sắc, tạo nên đặc trưng của giấy dừa. Và điều đặc biệt, dẫu cùng vẽ một hình ảnh, một họa tiết nhưng vẫn có cái hồn riêng biệt. Mọi công đoạn và tùy theo mức độ dễ hay khó của bức tranh, người nghệ sĩ có thể phải cần cả ngày hay nhiều ngày mới hoàn thiện được một sản phẩm tranh giấy dừa đẳng cấp, sang trọng và độc bản. Tranh giấy dừa có đặc điểm xuyên sáng rất tốt, nếu chiếu sáng dưới ánh mặt trời hoặc ánh đèn sẽ tạo nên một bức tranh nghệ thuật sống động, được nhiều người ưa thích. Có tranh đẹp đã khó, bài trí chúng như thế nào còn quan trọng gấp bội. Tất cả chỉ vừa đủ, không thừa một không gian trống, mà rất trật tự, bởi đó là đỉnh cao của nghệ thuật sắp đặt.
Nhiều người nước ngoài cũng tìm đến cơ sở Giấy Quê Tôi để tham quan, học kỹ thuật làm tranh giấy dừa. |
Nhiều cổ tự trong nước chọn tranh giấy dừa để làm tăng sự tôn nghiêm và trang nhã cho không gian. Tranh giấy dừa cũng được tham dự nhiều triển lãm trong nước và quốc tế như Triển lãm Phật giáo thế giới ở chùa Tam Chúc, Bãi Đính (Ninh Bình) hay giao lưu văn hóa tại Bảo tàng Nhật Bản. Tranh giấy Dừa được Quận Sơn Trà chọn làm quà tặng đặc biệt của địa phương, là địa chỉ đáng lưu tâm trong cẩm nang du lịch Đà Nẵng. Người họa sĩ này cũng dự định đưa dự án xe giấy dừa di động trải nghiệm ra đường phố, muốn phát triển giấy dừa thành sản phẩm đặc thù của Đà Nẵng. Tranh giấy dừa của Hà tiêu thụ ở các thành phố lớn và một số khách quốc tế đặt hàng, giá một bức từ ba đến vài chục triệu đồng. Không chỉ bán trong nước, tranh giấy dừa của anh Hà đã xuất đi nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…Nhiều du khách nước ngoài cũng tìm tới đây, vừa để trải nghiệm, vừa để có thể tự tay mình làm một sản phẩm thủ công độc đáo bản địa.
Những cộng sự của anh Hà cũng có niềm đam mê với tranh giấy dừa |
Hà khoe một cách tuyền toàng với nụ cười sảng khoái, rằng từ cơ sở Giấy Quê Tôi – Giấy Dừa Đà Nẵng đã có nhiều thợ chính được tuyển chọn từ những người có khiếu thẩm mỹ, am hiểu về nghệ thuật hội họa. Từ đây, nhiều cộng sự và học trò đến từ những xứ dừa như Bến Tre, Phú Yên, Nghệ An cũng đã thành nghề, đã xây dựng thương hiệu riêng. Nhờ cách làm tranh độc đáo này, tranh giấy dừa đã tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có của tự nhiên, vừa hạn chế rác thải ra môi trường, lại vừa có thể giúp người dân địa phương có thêm thu nhập. Bên ngoài dòng chảy phố phường hối hả bất tận, nhưng dường như thời gian ngừng lại trong chưng cất, tinh lọc vào quá trình sáng tạo nên bức tranh đẹp, có hồn, có thần. Trong nguyện ước của người họa sĩ này, anh chỉ mong những nghề thủ công như làm tranh giấy dừa này được nhiều người biết đến, yêu thích, được lan tỏa rộng rãi và người làm tranh có thể sống được với nghề. Và hơn thế nữa, mọi người yêu thích đều có thể được anh chia sẻ bí quyết để tranh giấy dừa có thể đến được với nhiều người hơn. Để ít ra, những tinh hoa của nghề được truyền lại, được phát huy và sáng tạo hơn nữa, được trở thành không chỉ một sản phẩm thủ công, mà còn là sản phẩm nghệ thuật sáng tạo tỏa sáng với thế giới.
Nguyên liệu của tranh giấy dừa là những tàu dừa bỏ đi. |
Người họa sĩ chân chất này vẫn còn một nguyện ước, đó là có thể tìm tòi sáng tạo cho mỗi địa phương một loại giấy phù hợp với chất liệu của địa phương đó. Ngoài chất liệu đặc biệt, giấy phải có hệ thống hoa văn đặc trưng để nhìn vào đó, người ta nhận ra ngay hồn cốt của mỗi địa phương. Bằng sự tinh tế và vốn văn hóa đa dạng, anh ấp ủ khát vọng tạo sự khác biệt ở hoa văn cho giấy mỗi miền. Mỗi họa tiết là một nét văn hóa đặc trưng riêng của từng vùng trên đất nước. Bao năm qua, Hà vẫn miệt mài tìm một con đường dấn thân, mở đường cho hành trình diệu kỳ của giấy Việt, từ chất liệu Việt như thế.
Phố biển một ngày vắng mưa Đông, Hà không ngẩng đầu lên khi tôi chào ra về mà anh vẫn cặm cụi mang từng bức tranh ra phơi nắng tự nhiên cho ấm lên những yêu thương đang lắng sâu trong từng mảng màu ấm. Với Hà, cái gì tự nhiên cũng đều đẹp và có giá trị riêng của nó như những tàu dừa đã rời lìa khỏi cây vẫn để lại cho người, cho đời những giá trị không thể đong đếm trên những bức tranh này.
Tiêu Dao
baodantoc.vn
- Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 10/1: Hà Nội và các khu vực trên cả nước
- Dự báo thời tiết ngày mai (9/1): Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trời rét; Trung Trung Bộ mưa to cục bộ; phía Nam ngày nắng
- Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 8/1: Hà Nội và các khu vực trên cả nước
- Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 7/1: Hà Nội và các khu vực trên cả nước
- Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 6/1: Hà Nội và các khu vực trên cả nước
-
Công ty Cổ phần VPickleball Việt Nam ra mắt phần mềm ứng dụng VPickleball phiên bản Beta
-
Hà Nội sẽ thanh tra loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử
-
PV Power 2024: Vượt kế hoạch lợi nhuận năm thứ 6 liên tiếp từ khi cổ phần hóa
-
Vô địch Asean Cup 2024, Đội tuyển Việt Nam nhận bao nhiêu tiền thưởng?
-
Vinamilk mở đầu năm 2025 với loạt giải thưởng về thương hiệu, đổi mới sáng tạo
-
Xuân Son được tặng ô tô tiền tỷ
-
PVcomBank đóng góp 10 tỷ đồng hỗ trợ “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” cho tỉnh Quảng Trị
-
Một doanh nghiệp đã mang hơn 12.000 suất khám bệnh miễn phí cho người dân trong năm 2024
-
CLB Công an Hà Nội thắng trận thứ 3 tại ASEAN Club Championship