An Giang gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch

03:05 | 27/04/2022

|
Đó là định hướng của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, nhằm tận dụng tối đa nguồn lực để vừa đa dạng hóa hoạt động du lịch (DL), vừa kết nối và mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
An Giang gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch
Cần đưa các sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch

An Giang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ bậc nhất khu vực ĐBSCL. Đồng thời, tỉnh cũng có nhiều lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa hàng năm thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng được An Giang thực hiện hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Đây là tiền đề thuận lợi để các sản phẩm “sinh ra từ làng” có điều kiện phát triển, kết nối với hoạt động DL.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu phân tích: “Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình DL, thu hút du khách đến với An Giang. Ngược lại, hoạt động DL sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Do đó, việc đầu tư, tạo dựng sản phẩm OCOP sẽ giúp nâng tầm, quảng bá hình ảnh địa phương, hướng tới phát triển DL và phát triển nông thôn bền vững”. Hiện, An Giang có 62 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP”. Trong đó, có 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia là gạo thơm đặc sản Thiên Vương và gạo ngon tiến vua Tiên Nữ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, 12 sản phẩm đạt 4 sao, 48 sản phẩm đạt 3 sao.

Theo đó, việc phát triển các sản phẩm OCOP gắn với hoạt động DL cần được thực hiện từng bước, bài bản, đảm bảo tận dụng tốt nhất ưu thế của từng sản phẩm. Trước hết, cần hỗ trợ hình thành điểm trưng bày sản phẩm OCOP gắn với điểm DL trên địa bàn tỉnh An Giang. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh, thành phố xây dựng và tham gia hệ thống trưng bày các sản phẩm OCOP tại các điểm DL nổi tiếng cả nước, như: Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng)…

Bên cạnh đó, ngành chuyên môn và các địa phương cần phối hợp để xây dựng các ấn phẩm, tài liệu truyền thông, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP theo các nhóm ngành hàng và thị trường. Tích cực thực hiện tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, cần có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp OCOP ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, thông qua các sàn thương mại điện tử, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

“Để sản phẩm OCOP gắn với DL hiệu quả, ngoài công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp, ngành và người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa thiết thực của Chương trình OCOP, thì các chủ thể cần thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm của mình. Về phía Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, sẽ tổ chức “Ngày An Giang” tại các tỉnh, thành phố là trung tâm DL của cả nước, như: Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa)… nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của An Giang đến người tiêu dùng, du khách trong, ngoài nước” - ông Lê Trung Hiếu thông tin.

Cùng với đó, sẽ tổ chức tập huấn cho các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP để hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu hàng hóa đủ sức tiếp cận thị trường. Cùng với đó là xây dựng phương án kinh doanh, quản lý kinh doanh, quản lý chất lượng sản phẩm hiệu quả.

Đối với doanh nghiệp đạt chứng nhận OCOP, cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, hội thảo kết nối giao thương trong, ngoài nước để mở rộng thị trường, định hướng xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, như: Triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, triển khai QR-Code, kết nối, giới thiệu sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để đáp ứng nhu cầu thị trường… Qua đó, giúp sản phẩm OCOP dễ dàng tiếp cận thị trường, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

“Để sản phẩm OCOP thực sự tham gia vào hoạt động DL của tỉnh, ngoài sự cố gắng của người dân, doanh nghiệp thì cần có sự quan tâm, phối hợp giữa sở, ban, ngành tỉnh với địa phương để tham mưu chính sách hỗ trợ các chủ thể trong việc tạo nguồn vốn, cải thiện bao bì nhãn mác, truyền thông, đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, phải đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và của tỉnh liên quan đến xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm OCOP trong thời gian tới” - ông Lê Trung Hiếu đề xuất.

Nguồn: An Giang gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch

Thanh Tiến

baoangiang.com.vn