An Giang nhìn lại để tiến bước

15:05 | 02/07/2022

|
Nửa năm 2022 đã trôi qua. Những điều An Giang làm được trong thời gian này không hề nhỏ, nhưng vẫn chưa như mong muốn. Để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2022, các cấp, ngành tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng, bứt phá hơn nữa để vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch, đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Đan xen mảng màu phát triển

An Giang cùng cả nước tiếp tục đối diện nhiều trở ngại. Trong đó, dịch bệnh COVID-19 tuy được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất - kinh doanh, đời sống của người dân. Những gam màu sáng - tối tồn tại song song, thể hiện qua từng con số cụ thể. Điển hình, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 4,98% so với cùng kỳ, đứng thứ 7/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Điều lạc quan lớn nhất là nền kinh tế phục hồi khá tốt sau dịch bệnh. Con số này vượt kịch bản tăng trưởng đề ra (4,72%), nhưng vẫn còn thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (5,79%).

An Giang nhìn lại để tiến bước
Nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ đều có bước phục hồi, phát triển. Ảnh: THANH HÙNG – TRUNG HIẾU

Nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ đều có bước phục hồi, phát triển (với tỷ lệ tăng lần lượt là 2,51%, 7,64%, 6,1%), dẫu cao hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn một ít so với kịch bản tăng trưởng đã đề ra. Tổng sản lượng lúa đạt gần 1,7 triệu tấn (giảm hơn 90.000 tấn); diện tích gieo trồng hoa màu giảm 648ha, khiến giá trị sản xuất chỉ đạt 1.744 tỷ đồng (giảm 108 tỷ đồng). Song, nông dân chuyển sang gieo trồng nếp, lúa chất lượng cao phù hợp thị trường trong và ngoài nước; sản xuất quy mô lớn theo hợp đồng với tập đoàn, thị trường nước ngoài, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, chăn nuôi và thủy sản có dấu hiệu khởi sắc (sản lượng thịt heo hơi tăng 18,84%; đàn trâu bò tăng 2,24%; đàn gia cầm tăng 4,1%).

Thoát khỏi “bóng ma” của dịch bệnh, các công trình đầu tư công, dự án phục vụ sản xuất - kinh doanh, công trình nhà ở trong dân cư tiếp tục được xây mới, sửa chữa; hoạt động xây dựng tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu tăng cao, khiến một số công trình chậm tiến độ; mức độ tăng trưởng ngành xây dựng chưa cao như kỳ vọng (ước giá trị sản xuất ngành (theo giá so sánh năm 2010) đạt 4.367 tỷ đồng, tăng 5,13%).

Một trăn trở khác của tỉnh là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm (6 tháng đầu năm, chỉ đạt 30%). Trong kế hoạch đầu tư công năm nay, gần 80% là công trình khởi công mới. Do vậy, quyết tâm, nỗ lực tranh thủ “chạy nước rút” mới mong hoàn thành chỉ tiêu 100%.

An Giang nhìn lại để tiến bước

Giao thông là nỗi lo thường trực của tỉnh. “Đi đến đâu, chúng tôi cũng nhận được mong mỏi đẩy nhanh tiến độ dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên. Dự án mới được khởi công đầu năm 2022, trễ hơn so dự kiến. Hiện nay, chủ yếu vướng nguồn cát, xử lý nền. Tỉnh đang đôn đốc, đề nghị tăng tốc để đảm bảo tiến độ tổng thể” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước chia sẻ.

Nắm bắt cơ hội để bứt phá

Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xem là “đòn bẩy”, là “giấy thông hành” cho tỉnh An Giang nói riêng, toàn vùng nói chung được “cất cánh” theo hướng phát triển liên kết vùng từng ngành, lĩnh vực.

Cùng với đó là nỗ lực tự thân khi tỉnh tham gia ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với tỉnh Đồng Tháp và TP. Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội để An Giang mở rộng liên kết, hợp tác, củng cố, nâng chất hoạt động kinh tế - xã hội; phát huy thế mạnh của tỉnh; kết nối đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy thương mại, dịch vụ; phát triển hạ tầng…

An Giang nhìn lại để tiến bước

Năm 2022, tỉnh đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng 5,2%; toàn nhiệm kỳ từ 6,5 - 7%. “Điều này cực kỳ khó khăn, cần sự tăng tốc của cả hệ thống chính trị. Ngoài những giải pháp đặt ra từ đầu năm, chúng tôi đang chỉ đạo các ngành, trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, phải rà soát kịch bản tăng trưởng từng ngành, từng cấp, quyết tâm 6 tháng tới phải đạt “bù đắp” cho nửa năm qua.

Trước mắt là đảm bảo năng suất, “ăn chắc” vụ hè thu, thu đông. Rõ ràng, chúng ta có lợi thế nông nghiệp, nhưng đang chững lại so với 2 năm rồi. Bên cạnh đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức quy hoạch tỉnh, cố gắng trong tháng 7 trình Trung ương thẩm định, phê duyệt; tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang diễn ra vào đầu tháng 11/2022. Những sự kiện này hết sức quan trọng, mở ra cơ hội tăng tốc cho An Giang trong những năm tiếp theo” - ông Lê Văn Phước bày tỏ.

Lắng nghe bước tiến lẫn chưa tiến của An Giang trong nửa năm qua, nhân chuyến tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân (Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang), gửi gắm: “Thời gian tới, địa phương cần quán triệt chủ trương lớn của Đảng và chính sách của nhà nước, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII), liên quan đến đất đai. Đây là chủ trương chuẩn bị cho việc sửa Luật Đất đai trong giai đoạn tới. Tất cả vấn đề quy hoạch, đầu tư công… cần phải bám sát chủ trương lớn để thực hiện đúng hướng. Cùng với đó là tiếp cận các nguồn lực hiện nay đang phân bổ cho vùng, địa phương, trong đó có An Giang, gồm: Nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực trong các dự án. Phải tiếp cận nhanh, triển khai trên địa bàn sớm nhất để người dân hưởng lợi sớm nhất”.

Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, An Giang cần xây dựng chiến lược để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới (khủng hoảng trên thế giới ảnh hưởng an ninh lương thực toàn cầu). Nắm bắt cơ hội, An Giang có thể đóng góp trách nhiệm cho thế giới, vừa khắc phục khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, vừa nâng cao đời sống cho nông dân. Trong chiến lược thu hút đầu tư, An Giang còn nhiều dư địa, có quyền chọn nhà đầu tư khi hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL trở nên tốt hơn. Do đó, phải chú ý lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, không ảnh hưởng môi trường, hướng đến phát triển bền vững; tiết kiệm nguồn tài nguyên đất đai, nguồn nước khi biến đổi khí hậu đang lớn dần, đất đai hạn hẹp dần

Nguồn: An Giang nhìn lại để tiến bước

Gia Khánh

baoangiang.com.vn