An Giang: Phát triển du lịch núi Cấm theo mùa

13:09 | 23/05/2022

|
Núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) sở hữu khung cảnh non nước hữu tình, nhiều huyền thoại linh thiêng cùng những mùa trái cây đặc sản. Do đó, cần khai thác các loại hình du lịch (DL) trên núi Cấm quanh năm, nhằm tạo sinh kế cho người dân, đa dạng hóa trải nghiệm của du khách.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu cho biết: “Với vai trò là khu DL trọng điểm của tỉnh, núi Cấm cần được khai thác nhiều loại hình DL để mở rộng nguồn thu cho người dân. Đồng thời, tạo sự mới mẻ cho du khách khi đến với “nóc nhà miền Tây”. Bởi họ không chỉ muốn tận hưởng không khí trong lành, phong cảnh nên thơ hay thỏa mãn nhu cầu tâm linh, mà còn muốn sử dụng nhiều dịch vụ DL khác”.

An Giang: Phát triển du lịch núi Cấm theo mùa
Du khách rất thích thú với các loại trái cây đặc sản trên núi Cấm

Theo đó, mục tiêu của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh cũng như Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm là du khách có thể tiếp cận với các loại hình DL phù hợp, khi đến núi Cấm vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Mùa khô, du khách được trải nghiệm khí hậu mát mẻ, thưởng thức ẩm thực núi Cấm, hòa vào dòng người hành hương đến các vồ, điện linh thiêng đẫm màu huyền thoại. Du khách có đủ sức khỏe và đam mê khám phá có thể trải nghiệm loại hình DL thám hiểm hang động, hoặc trekking để cảm nhận một núi Cấm hoang sơ, hùng vĩ. Một số địa điểm trên núi Cấm có thể phát triển DL thám hiểm là hang Bác Vật Lang, hang Công Đức hay điện 13 tầng…

Với loại hình trekking, có cung đường lên điện Cây Quế hoặc chinh phục đỉnh vồ Bồ Hong. Địa hình hùng vĩ gắn với những huyền thoại tâm linh, các cung đường này chắc chắn mang tới cho du khách trải nghiệm thú vị về thiên nhiên hoang sơ và cảm giác chiến thắng bản thân sau mỗi chuyến đi.

Mùa mưa đến, núi Cấm có những vườn bơ, dâu, sầu riêng trĩu quả. Khai thác loại hình DL sinh thái nông nghiệp này, sẽ giúp mở rộng nguồn thu cho nhà vườn trên núi. Thực tế, DL sinh thái trên núi Cấm nhắm vào đối tượng khách thích cảm giác tận tay hái quả chín ngoài vườn mang vào chế biến, thưởng thức theo cách dân dã nhất, để quên đi mệt nhọc sau nhiều ngày bon chen nơi phố thị.

Điểm thuận lợi để phát triển DL nông nghiệp sinh thái chính là mùa trái cây trên núi Cấm gắn liền với mùa vía Bà Chúa Xứ núi Sam hàng năm. Tháng 4 (âm lịch) là mùa dâu, đến tháng 6 vào mùa bơ, mùa sầu riêng núi kéo dài đến hết tháng 10. Bằng phương pháp canh tác hữu cơ, nông sản núi Cấm hoàn toàn đáp ứng nhu cầu ẩm thực xanh - sạch của du khách.

An Giang: Phát triển du lịch núi Cấm theo mùa
Du khách rất thích thú với các loại trái cây đặc sản trên núi Cấm

Đặc biệt, núi Cấm vào mùa mưa còn sở hữu khung cảnh nên thơ với mây trời lãng đãng, thuận lợi phát triển các điểm “check-in” lý tưởng. Sống trên núi, chị Dương Thị Cẩm Vân xây dựng “Nhà Của Mây”, nơi đang được du khách nhiều nơi tìm đến. Chị Vân chia sẻ: “Tôi lớn lên trên núi Cấm, hiểu rất rõ đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Tôi nghĩ, nếu du khách chỉ lên núi viếng chùa, ăn bánh xèo rồi trở xuống thì rất tiếc, nên quyết định phát triển mô hình homestay. Du khách có thể trải nghiệm núi Cấm về đêm, sống chan hòa với thiên nhiên.

Sau khi đưa hình ảnh lên mạng xã hội, nhiều người liên hệ, đến chơi. Đa phần du khách thích thú khi được đắm mình trong không khí mát mẻ và an yên của núi Cấm, sẵn sàng trở lại nơi này để “săn mây”, một lần nữa tận hưởng vẻ đẹp trong lành của thiên nhiên”. Ngoài Nhà Của Mây, núi Cấm đang có điểm “check-in” mới là Phú Sĩ Homestay, khai thác vẻ đẹp của núi rừng. Khi được trải nghiệm buổi sáng đầy mây, người ta sẽ cảm nhận một núi Cấm rất thanh bình, trong trẻo đúng với danh xưng “Đà Lạt miền Tây”.

An Giang: Phát triển du lịch núi Cấm theo mùa
Du khách trải nghiệm điểm “check-in” Nhà Của Mây trên núi Cấm

Núi Cấm sở hữu tiềm năng DL quanh năm, nhưng để khai thác tốt nguồn “tài nguyên không khói” này, rất cần sự quan tâm, đầu tư bài bản của ngành chuyên môn, đơn vị quản lý và địa phương. Với loại hình DL thám hiểm và trekking, phải đảm bảo yêu cầu an toàn cho du khách tham gia. Nếu triển khai thành công, đây sẽ là điểm nhấn khác biệt của núi Cấm nói riêng và An Giang nói chung so với các địa phương khác ở vùng ĐBSCL.

“Về DL nông nghiệp sinh thái hay nghỉ dưỡng, ngành DL cần phối hợp nhà vườn để hình thành khu, điểm tập trung, đảm bảo cung ứng được dịch vụ cho số lượng khách đông. Đồng thời, phải hỗ trợ người dân tham gia phục vụ DL đầu tư hạ tầng, như đường đi trong vườn, nhà vệ sinh, nhà lưu trú... Đặc biệt, các đơn vị DL lữ hành cần xây dựng sản phẩm phù hợp từng mùa trong năm, mang tới trải nghiệm mới mẻ, hào hứng cho du khách khi đến ngọn Thiên Cấm sơn hùng vĩ” - ông Lê Trung Hiếu đề xuất.

Nguồn: Phát triển du lịch núi Cấm theo mùa

Thanh Tiến

baoangiang.com.vn