An Giang phát triển hạ tầng du lịch

09:00 | 27/05/2024

|
Để du lịch (DL) thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài tiềm năng sẵn có, tỉnh An Giang đang nỗ lực xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ DL hoàn chỉnh, bao gồm: Hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, tăng cường quảng bá sản phẩm DL, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... nhằm thu hút nhà đầu tư, du khách đến với vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long.
An Giang: “Làm cho dân mến, làm cho dân thương”An Giang: “Làm cho dân mến, làm cho dân thương”
An Giang: “Muôn mạch nước nhỏ hòa thành dòng sông lớn”An Giang: “Muôn mạch nước nhỏ hòa thành dòng sông lớn”

Những năm qua, hoạt động DL tiếp tục có những tín hiệu khởi sắc, với số lượng du khách đến tham quan ngày càng tăng. Với việc UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động về phát triển hạ tầng DL tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình 300) góp phần thúc đẩy sự phát triển của “ngành công nghiệp không khói” tại địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, Chương trình 300 thực sự tạo được nền tảng vững chắc cho mục tiêu phát triển hoạt động DL của tỉnh. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2023, An Giang đã đón khoảng 18,7 triệu lượt khách. Trong đó, khách lưu trú của khách sạn đạt chuẩn và nhà nghỉ, nhà trọ ước đạt gần 1,6 triệu lượt. Doanh thu từ hoạt động DL ước đạt trên12.000 tỷ đồng.

“Từ những kết quả đạt được, An Giang phấn đấu sẽ đón 9 triệu lượt khách đến khu, điểm DL của tỉnh trong năm 2024, doanh thu ước đạt 6.200 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về DL, tạo bước phát triển đột phá cùng với việc đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm DL, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ DL... thực hiện mục tiêu đưa An Giang trở thành một trong những trung tâm DL ở vùng ĐBSCL” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thông tin.

An Giang phát triển hạ tầng du lịch

An Giang tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch

Về hạ tầng giao thông, An Giang tập trung thực hiện các dự án liên kết vùng và liên kết huyện, thị xã, thành phố để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển DL, như: Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1; đề xuất, kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư các dự án tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91 đi Cửa khẩu Khánh Bình (theo tuyến Quốc lộ 91C); dự án xây dựng cầu Tôn Đức Thắng (kết nối từ TP. Long Xuyên với xã Mỹ Hòa Hưng); dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự…

“Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục chuẩn bị, rà soát danh mục dự án thuộc lĩnh vực DL, chính sách ưu đãi mời gọi đầu tư song song với việc tăng cường thông tin, tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của An Giang, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư đến với địa phương. Tiếp tục thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh” - đồng chí Lê Văn Phước cho hay.

Về hạ tầng thông tin, An Giang đang đẩy mạnh hoạt động thanh toán điện tử, thương mại điện tử cho DN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là DN DL. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là ứng dụng trên môi trường điện tử, thiết bị thông minh. Tăng cường áp dụng công nghệ, giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành DL để tăng cường tương tác, trải nghiệm, khám phá của du khách.

Đặc biệt, ngành DL của tỉnh đã nghiên cứu mở rộng Cổng thông tin DL thông minh tỉnh An Giang và ứng dụng DL thông minh trên thiết bị di động với nhiều tính năng nâng cao, như: Bản đồ số, thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường, hình ảnh và video clip 3600, DL tương tác 3D…

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu cho biết: “Việc đưa vào vận hành Cổng thông tin DL và Ứng dụng DL thông minh trên thiết bị di động tỉnh An Giang được xem là bước đi đầu tiên trong việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái DL thông minh, giúp kết nối các chủ thể hoạt động trong ngành DL. Thông qua đó, từng bước đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao của du khách, hướng đến cung cấp cho du khách những tiện ích, tính năng thông minh, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để có trải nghiệm ngày càng thú vị hơn khi tiếp cận với hoạt động DL của An Giang”.

Ông Lê Trung Hiếu cũng cho hay, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào DL, trung tâm tích cực phối hợp các ngành, địa phương thực hiện tốt công tác xúc tiến, quảng bá DL An Giang tại sự kiện nổi bật trên toàn quốc; xây dựng nguồn nhân lực phục vụ DL chuyên nghiệp, chất lượng cao để tạo sự hài lòng cho du khách, với 4 lớp tập huấn cho các đối tượng khác nhau cùng hoạt động trong lĩnh vực DL.

An Giang phát triển hạ tầng du lịch

Phát triển du lịch thông minh nhằm phục vụ tốt du khách

Ngoài ra, đơn vị đã ra mắt dự án Làng bè sắc màu ngã ba sông Châu Đốc kết hợp tìm hiểu văn hóa, phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm sinh sống tại xã Châu Phong (TX. Tân Châu) và thị trấn Đa Phước (huyện An Phú); phối hợp Công ty Vietrace365 tổ chức giải chạy địa hình núi Cấm, thu hút gần 1.000 vận động viên chuyên, không chuyên và du khách đến tham gia, tạo thêm sản phẩm DL mới, đặc sắc cho tỉnh…

“Nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, phát huy thành quả của Chương trình 300, chúng tôi yêu cầu sở, ban, ngành tỉnh và địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực phối hợp theo vai trò, chức năng, nhiệm vụ để cùng xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ DL hoàn chỉnh của tỉnh, hướng tới mục tiêu đưa ngành DL trở thành thế mạnh của An Giang trong tương lai” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước xác định.

Nguồn: An Giang phát triển hạ tầng du lịch

Thanh Tiến

baoangiang.com.vn