An Giang tìm đầu ra cho rau màu, cây ăn trái

11:16 | 18/04/2022

|
Trên cùng đơn vị diện tích, rau màu, cây ăn trái thường cho hiệu quả kinh tế khá hơn lúa. Vấn đề là cần có liên kết sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp (DN) để bảo đảm đầu ra, đồng thời có nhà máy chế biến tại chỗ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.

Tích cực chuyển đổi

Cùng với cây lúa, vụ hè thu cũng là vụ mùa quan trọng của rau màu, cũng như điều kiện thuận lợi để trồng mới cây ăn trái. Vụ hè thu 2022, tổng diện tích xuống giống rau màu ước khoảng 18.914ha (cây màu 4.266ha, rau dưa 14.648ha). Các địa phương cũng có kế hoạch trồng mới khoảng 1.116ha cây ăn trái, chủ yếu là xoài, mít, chuối, cây có múi, nhãn… Như vậy, cộng với diện tích 18.759ha đạt được đến cuối năm 2021, tổng diện tích cây ăn trái theo kế hoạch chuyển đổi giai đoạn 2021-2025 là khá lớn.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm yêu cầu các ngành chuyên môn hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), kỹ thuật canh tác... giúp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đồng thời, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất các loại rau an toàn theo quy trình và tiêu chuẩn gắn với yêu cầu của DN. Các địa phương hỗ trợ thành lập hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất rau an toàn nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm rau màu và liên kết với các công ty, siêu thị… để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, quản lý tốt nguồn giống sạch bệnh cho sản xuất; theo dõi phòng, chống hiệu quả bọ phấn trắng gây bệnh virus khảm lá sắn; quản lý tốt sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp.

An Giang tìm đầu ra cho rau màu, cây ăn trái

Đối với cây ăn trái, các đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT An Giang phối hợp các địa phương xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng (code) tại những nơi chưa có code; rà soát thay thế người đứng tên, hướng dẫn thay đổi tên người đứng mã số trước đây khi cần thiết; tập huấn cho nhà vườn hiểu thêm về phương thức tiến hành cấp mã số vùng trồng đi các thị trường tiêu thụ, như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc…

Ngành chuyên môn tổ chức tập huấn cho nhà vườn, HTX, THT với các nội dung sâu bệnh hại trên cây ăn trái, sử dụng thuốc BVTV và vệ sinh vườn, bao bì, hướng dẫn ghi chép sổ tay nhật ký canh tác… tại các vùng trồng có gắn kết với DN. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với DN chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Để sản xuất tốt trong mùa khô hạn, cần hướng dẫn nông dân tăng cường dự trữ nước trong các kênh, mương, áp dụng các biện pháp tích, chứa nước tối đa trước khi mùa mưa tới và sử dụng hiệu quả bằng phương pháp tưới tiết kiệm.

Liên kết sản xuất

Trên thực tế, diện tích cây ăn trái trên địa bàn An Giang những năm qua có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng chưa thật sự bền vững, đặc biệt là xoài. Ở nhiều nơi, nông dân còn sản xuất tự phát, chưa liên kết với DN và nhu cầu thị trường. Có những giống xoài phát triển “nóng”, khó tiêu thụ nội địa khi xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, dẫn đến rớt giá mạnh.

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm đề nghị các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương chủ động thực hiện kế hoạch chuyển đổi diện tích trồng cây ăn trái, định hướng phát triển vùng sản xuất theo yêu cầu của thị trường và DN. Trong đó, giảm diện tích sản xuất xoài tượng xanh (xoài 3 màu), chuyển đổi giống sang các loại cây ăn trái khác, như: Xoài keo, xoài Thái, cát Hòa Lộc, cát chu, nhãn, na Thái, cát Hòa Lộc vỏ dày… nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (nhất là xuất khẩu tiểu ngạch), mở rộng và đa dạng được thị trường trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu chính ngạch.

Dự kiến trong tháng 4 này, xoài thu hoạch rộ với sản lượng khoảng 18.000 tấn; tháng 5 - khoảng 12.000 tấn, phần lớn đang tiêu thụ ổn định. Để tăng tính bền vững, Sở NN&PTNT tiếp tục mời gọi các DN liên kết, xây dựng vùng chuyên canh với các tập đoàn, DN, như: Lộc Trời, Lefarm, Nafoods, T&T, Lavifood, Phước Phúc Vinh…

Trong khi đó, một số DN tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác với HTX, THT xoài, như: Chánh Thu gắn kết với HTX trái cây GAP Chợ Mới, HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Bà Chi, Hội làm vườn An Sơn Bảy Núi; Kim Nhung liên kết với HTX GAP Bình Phước Xuân, HTX Khánh An, HTX Mỹ Hòa Hưng; Cát Tường liên kết THT xoài Vĩnh Xương, HTX Long Bình; Hoàng Phát liên kết HTX Long Bình…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, để đảm bảo ổn định đầu ra cho cây ăn trái, cần hình thành các HTX có sự tham gia, gắn kết của DN. Trong chương trình phối hợp giữa Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang về sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, vấn đề hỗ trợ DN tham gia thành lập HTX gắn với xây dựng vùng nguyên liệu được quan tâm thực hiện.

Nguồn: Nghề dệt chiếu ở Cần Thơ

Ngô Chuẩn

baoangiang.com.vn