Bến Tre: Dự án Nâng cấp, chuyển chất liệu tượng đài Đồng Khởi

15:55 | 21/11/2022

|
Công trình tượng đài Đồng Khởi Bến Tre là một tác phẩm điêu khắc tiêu biểu. Một công trình nghệ thuật có quy mô lớn về hình thức là khái quát cao về cuộc Đồng khởi năm 1960 và cả quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Bến Tre.
Bến Tre: Kiểm tra tiến độ giải ngân vốn các dự án đầu tư công trên địa bàn huyện Châu ThànhBến Tre: Kiểm tra tiến độ giải ngân vốn các dự án đầu tư công trên địa bàn huyện Châu Thành
Bến Tre: Sơ kết công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hộiBến Tre: Sơ kết công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội
Khu vực công trình nâng cấp, chuyển chất liệu tượng đài Đồng Khởi đang được rào chắn. Ảnh: T. Đồng
Khu vực công trình nâng cấp, chuyển chất liệu tượng đài Đồng Khởi đang được rào chắn. Ảnh: T. Đồng

Công trình được khởi công xây dựng và hoàn thành (1994 - 1995) nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, với chất liệu thi công bê-tông cốt thép. Sau 27 năm, đến nay, phần tượng Mẹ Bến Tre và nhóm tượng nhân dân Bến Tre nhiều lần phải đắp vữa, tô xi-măng và sơn lại do lâu ngày thép bên trong bị rỉ sét nổ ra bên ngoài, ảnh hưởng đến mỹ quan của tượng đài.

Trước thực tế cần thiết nhằm đảm bảo ý nghĩa của tượng đài Đồng Khởi cũng như tính thẩm mỹ, an toàn, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án Nâng cấp, chuyển chất liệu tượng đài Đồng Khởi Bến Tre theo Quyết định số 2425/QĐ-UBND ngày 31-10-2019 với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. UBND tỉnh cũng phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án theo Quyết định số 2694/QĐ-UBND vào ngày 5-12-2019. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện các bước triển khai dự án theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với Cục Di sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin ý kiến nhân sự tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng nghệ thuật công trình theo Quyết định số 346/QĐ-UBND ngày 21-2-2022.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hạng mục thi công của dự án, gồm: Đối với phần bệ tượng, thực hiện nâng cấp, cải tạo đế bệ tượng đài, giữ nguyên kết cấu móng hiện trạng; đục tẩy granito, tezzarro hiện trạng; ốp lát mới toàn bộ bề mặt bằng đá granite tự nhiên, đá xanh, đá bóc vàng; tháo dỡ và xây dựng mới lại một phần sàn bê-tông cốt thép bên dưới tượng bà mẹ, diện tích khoảng 32m2 tại cao trình +1,56m để đảm bao an toàn và liên kết với phần tượng đài với kết cấu đài móng phía dưới, phục vụ việc cải tạo chuyển chất liệu từ bê-tông sang đá khối. Bể nước được cải tạo theo phương án giữ nguyên kết cấu hiện trạng; đục tẩy vữa, gạch ốp hiện trạng; ốp lát mới toàn bộ bề mặt bằng gạch men kính. Đồng thời, thay thế dây cấp điện, dây được đi ngầm trong hào và ống bảo vệ; thay thế đèn chiếu sáng cho đế bệ, mặt nước và tượng đài, biểu tượng. Khu vực sân xung quanh được thay thế các vật liệu lát bị nứt vỡ, hư hỏng trong phạm vi thi công bằng vật liệu có quy cách, hình thức theo hiện trạng; thay mới bó vỉa bồn cây bằng đá xanh và giữ nguyên hệ thống chống sét hiện trạng.

Đối với phần tượng đài, dự án thực hiện nâng cấp, chuyển đổi chất liệu tượng đài Mẹ Bến Tre, giữ nguyên mẫu thiết kế ban đầu, chỉ nâng cấp từ vật liệu bê-tông ban đầu thành đá granite tự nhiên màu trắng, lõi đỡ tượng bằng bê-tông cốt thép. Cùng với đó, tượng đài Nhân dân Bến Tre cũng được nâng cấp, chuyển đổi chất liệu thành đá granite tự nhiên màu trắng, giữ nguyên mẫu thiết kế ban đầu. Phần biểu tượng lá dừa không thay đổi, chỉ vệ sinh bề mặt, phun thuốc chống rêu mốc, đục trám vết nứt và chống thấm.

Dự kiến theo kế hoạch, hạng mục nâng cấp cải tạo đế bệ tượng đài, nâng cấp cải tạo bể nước, sân vườn và chống sét thi công hoàn thành ngày 17-1-2023. Hội đồng nghệ thuật công trình sẽ nghiệm thu phần chuyển chất liệu tượng đài (tượng Mẹ Bến Tre và nhóm tượng Nhân dân Bến Tre) để lắp dựng khánh thành dịp lễ 30-4-2023.

Quần thể tượng đài Đồng Khởi được thiết kế bởi họa sĩ Lê Dân, điêu khắc gia Trần Thị Chúc, nghệ nhân điêu khắc Lương Xuân Ba, kiến trúc sư Đoàn Thiên Lương, Giáo sư Nguyễn Phước Sanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh làm cố vấn.

Về kết cấu và ý nghĩa, tượng được đặt trên nền là một hồ nước lớn hình tròn có đường kính 30m; hồ nước tượng trưng cho sông nước Bến Tre. Trên hồ nước là 3 mảng bê-tông được bố cục hình xoáy trôn ốc đồng tâm, tượng trưng cho 3 cù lao Bảo, Minh và An Hóa. Biểu tượng chính là lá dừa cao 15,6m. Dù mang nhiều thương tích, nhưng tàu lá dừa vẫn đứng thẳng, tượng trưng cho lòng bất khuất, ý chí kiên cường của nhân dân Bến Tre.

Hình tượng Mẹ Bến Tre của Đội quân tóc dài anh hùng được lấy làm tượng chính trong quần thể tượng đài Đồng Khởi. Tượng bà mẹ cao 7,3m, với tư thế tiến lên, tay cầm ngọn đuốc lá dừa giơ cao soi đường, tay vẫy về phía sau như phát hiệu lệnh tiến lên. Nhóm tượng 5 người cao 4,5m thể hiện nội dung các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến, từ cụ già đến em nhỏ, người sống và người chết cùng nhau ra trận. Đó là ông lão nông đánh mõ - hình ảnh của nông dân Bến Tre nổi trống đánh mõ trong đêm Đồng khởi; anh bộ đội tay cầm cây súng ngựa trời - một loại vũ khí thô sơ nhưng làm kẻ thù khiếp vía vào những ngày đầu Đồng khởi; một em nhỏ ôm bó chông và người phụ nữ bồng xác một em bé đi đấu tranh. Bức phù điêu (2 mặt, dài 20m, cao 4m) thể hiện các sự kiện những ngày đầu Đồng khởi, như trận diệt đội Tý, binh vận lấy đồn bót, kéo nhau ra quận Mỏ Cày tản cư ngược để phản đối càn quét dân.

“Để thực hiện các bước tiếp theo của dự án, theo Công văn số 7158/UBND-KGVX ngày 7-11-2022, UBND tỉnh đã thống nhất cho chủ trương hạ giải tượng Mẹ Bến Tre để tiếp tục thi công phần bệ tượng, đảm bảo tiến độ thi công các hạng mục công trình. Phạm vi xung quanh khu tượng đài Đồng Khởi hiện lắp dựng hàng rào che chắn đảm bảo an toàn cho quá trình thi công và người dân đến công viên từ ngày 9-10-2022 đến 17-1-2023”.

(Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Bàn)

Nguồn: Dự án Nâng cấp, chuyển chất liệu tượng đài Đồng Khởi

Thành Đồng

baodongkhoi.vn