Bến Tre: Kỷ niệm 155 năm Ngày mất cụ Tán Kế - Lê Quang Quan

05:15 | 22/02/2024

|
Ngày 21-2-2024 (nhằm ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri long trọng tổ chức kỷ niệm 155 năm Ngày mất của cụ Tán Kế - Lê Quang Quan.
Bến Tre: Vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mớiBến Tre: Vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Bến Tre: Bình Đại khởi công xây dựng cầu Cả CaoBến Tre: Bình Đại khởi công xây dựng cầu Cả Cao

Đại biểu tham dự lễ kỷ niệm.

Tham dự lễ có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Hồng Nhung, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, lãnh đạo TP. Bến Tre, các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, chức sắc tôn giáo, doanh nghiệp, nhân dân địa phương.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã đến viếng mộ, dâng hương tưởng niệm tỏ lòng thành kính và sự biết ơn sâu sắc với người anh hùng Tán Kế - Lê Quang Quan đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dâng hương tại đền thờ cụ Tán Kế - Lê Quang Quan.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dâng hương tại đền thờ cụ Tán Kế - Lê Quang Quan.

Cụ Lê Quang Quan, tự Kế, sinh tại làng Mỹ Chánh, lập gia đình và sống tại làng Mỹ Thạnh, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Sinh thời, cụ làm võ quan triều Nguyễn, giữ chức Tán lý quân vụ nên thường được nhân dân gọi là Tán Kế. Cụ Tán Kế - Lê Quang Quan là một trong những người con Bến Tre đầu tiên tham gia phong trào chống Pháp.

Sau khi triều đình Huế ký Hòa ước năm 1862, nhường 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, cụ Tán Kế cùng với một số binh sĩ bỏ ngũ về quê, tập hợp trai tráng, rèn vũ khí, luyện tập võ nghệ, chuẩn bị lực lượng chống Pháp. Tháng 6-1867, giặc Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây, trong đó có Bến Tre (lúc bấy giờ còn thuộc Vĩnh Long), cụ Tán Kế đứng ra mộ binh và phát động khởi nghĩa chống Pháp tại vùng đất Ba Châu, được nhân dân hưởng ứng khá đông.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến và đại biểu dâng hương tại đền thờ cụ Tán Kế - Lê Quang Quan.

Nghĩa quân do ông lãnh đạo dựa vào địa thế hiểm trở đã tiêu diệt nhiều tên giặc Pháp và bọn tay sai, gây cho giặc nhiều tổn thất nhưng do sự chênh lệch về vũ khí, quân số, lực lượng nghĩa quân sau nhiều trận đánh đã bị tiêu hao, thiệt hại nặng… Một tên phản bội đã báo cho lính Pháp nơi trú ẩn của ông, chúng đã bao vây bắt ông và đem hành quyết vào ngày 12 tháng Giêng năm Kỷ Tỵ (22-2-1869). Nhân dân đưa ông về an táng tại xã Mỹ Thạnh.

Cảm phục khí tiết của người anh hùng, nhân dân lập miếu thờ ông. Khu Đền thờ và mộ cụ Tán Kế - Lê Quang Quan được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh vào tháng 10-2012. Hàng năm, vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch, Đảng bộ cùng chính quyền và nhân dân địa phương đều long trọng tổ chức lễ viếng theo nghi thức truyền thống kỷ niệm ngày mất của ông để tỏ lòng thành kính đối với người anh hùng dân tộc, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Dịp này, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh tặng 10 suất học bổng cho học sinh xã Mỹ Thạnh (mỗi suất 500 ngàn đồng).

Nguồn: Kỷ niệm 155 năm Ngày mất cụ Tán Kế - Lê Quang Quan

Nguyễn Thanh

baodongkhoi.vn