Bức xúc, bất an... vì mua phải sữa giả
Hoang mang vì sữa giả
Vụ việc hai doanh nghiệp sản xuất, phân phối sữa giả bị triệt phá mới đây khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng, bất an xen lẫn bức xúc vì từng mua, sử dụng các dòng sản phẩm này.
Mới nhất, mạng xã hội chia sẻ rộng rãi video ghi lại vụ việc nhiều người dân mang sữa giả đã mua đến một đại lý sữa ở xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ để trả hàng, đòi tiền, vì cho rằng đại lý bán loại sữa bột giả của đường dây mà Bộ Công an vừa triệt phá.
|
Người dân bức xúc mang sữa giả đến đại lý sữa để trả và đòi tiền. (Ảnh cắt từ video/ nguồn Ngân Nga) |
Từng mua phải sữa giả, chị Hoàng Thanh (Lương Tài, Bắc Ninh) cũng rất bức xúc và hoang mang khi biết sữa mình uống lúc bầu bí cậu con trai út nằm trong danh mục sữa giả vừa được cơ quan chức năng công bố.
“Tôi từng mua dùng đến 3 lon sữa Cilonmum For Mum Colostrum 24h, với giá hơn 500 ngàn đồng/hộp loại 900g, do tin chủ cửa hàng sữa gần nhà tư vấn rằng đây là loại sữa tốt. Có nhiều bà bầu cũng đã mua, sản phẩm bán rất đắt hàng.
Thế nhưng mua về dùng, tôi thấy loại sữa này có vị hơi khó uống, không thơm ngậy vị sữa như các nhãn sữa đã dùng trước đó. Thỉnh thoảng còn gặp vấn đề về tiêu hoá nhưng không nặng. Nghĩ đó là sữa tốt nên tôi vẫn tin dùng đến hết 3 hộp, sau đã chuyển sang loại sữa khác.
Khi biết sữa tôi từng dùng là loại sữa giả, tôi rất bất ngờ và lo lắng, không biết liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe về sau không”, chị Hoàng Thanh hoang mang.
|
Một loại sữa giả cho phụ nữ mang thai và cho con bú được đăng bán trên website bán hàng của một cửa hàng sữa. (Ảnh chụp màn hình) |
Chị Loan (Hà Đông, Hà Nội) cũng bất ngờ khi nhìn thấy nhãn hiệu sữa mà chị uống cách đây 2 năm có trong danh sách các sản phẩm bị làm giả.
"Tôi không ngờ mình là nạn nhân của lon sữa giả. Chuyện tiền nong là một vấn đề nhưng điều tôi quan tâm là liệu sữa giả sẽ ảnh hưởng lâu dài như thế nào đến sức khỏe của mẹ và con.
Giờ đã trót dùng rồi, tôi chỉ mong cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của tất cả cá nhân có liên quan, đưa ra mức xử phạt thật nặng những hành vi bán sữa giả là thực phẩm thiết yếu cho những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, mẹ bầu, người bệnh hay người lớn tuổi...”, chị Loan chia sẻ.
Chị Phan Thị Mai (Nghệ An) cho biết: “Tôi vừa mới sinh con được 3 tháng, muốn tìm loại sửa bồi bổ thêm, nên đã lên mạng xã hội tìm hiểu xem loại sữa nào tốt. Nghe một người bán hàng tư vấn bùi tai, tôi đã mua ngay một hộp Talacmum For Mum với giá không hề rẻ.
Nhưng uống sữa này, bản thân mẹ thì thấy đầy hơi, tiêu hoá kém, còn con bú mẹ thì bị đi ngoài, bụng sôi òng ọc và hay trớ... Nghĩ do không hợp sữa nên tôi chỉ dùng hết 1 hộp đã trót mua rồi dừng.
Vừa qua, biết sữa mình uống là giả, tôi rất hoang mang. Cũng may tôi đã dừng lại sớm".
|
Sứa Talacmum For Mum cho phụ nữ có thai và cho con bú bán trên hacofoodgroup.com trước đó. (Ảnh chụp màn hình) |
Mua sữa giả, khách hàng có được bồi thường?
Theo quy định của pháp luật hàng hóa có chất lượng đạt dưới 70% so với công bố thì đó là hàng giả về chất lượng. Hàng giả là thực phẩm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai.
Trong khoảng 4 năm qua, Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã sản xuất, bán ra thị trường 537 sản phẩm sữa giả các loại. Nhiều người thắc mắc, những khách hàng đã mua, sử dụng sản phẩm liệu có được bồi thường?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Lê Trọng Hiền - Công ty Luật TNHH ATN & Cộng sự (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì những khách hàng mua phải sữa giả được xem là bị hại trong vụ án hình sự và có quyền yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại đối với mình.
Việc giải quyết yêu cầu cầu bồi thường thiệt hại này sẽ được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự, trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự (Điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Căn cứ và nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định cụ thể tại Điều 584 và Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015.
Nói về vấn đề bồi thường, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, tất cả những khách hàng mua phải sản phẩm kém chất lượng này có quyền yêu cầu doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh gian dối phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Những người đã từng mua các sản phẩm sữa giả có quyền trình báo sự việc với cơ quan điều tra và phải cung cấp thông tin, tài liệu để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại để cơ quan tố tụng xem xét giải quyết trong quá trình giải quyết vụ án này.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả quy mô lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, khởi tố 8 bị can.
Chủ mưu là Vũ Mạnh Cường, Hoàng Mạnh Hà đã lập các công ty như Rance Pharma và Hacofood Group để sản xuất, phân phối 573 nhãn hiệu sữa bột giả, trong đó có sản phẩm dành cho người bệnh và phụ nữ mang thai.
Thành phần công bố như tổ yến, đông trùng hạ thảo, macca… đều không có thật, chỉ tiêu chất lượng dưới 70%, đủ cấu thành hàng giả. Ngoài ra, các đối tượng còn lập thêm 9 công ty “vỏ bọc” để hợp thức hóa hồ sơ, kinh doanh, thu lợi gần 500 tỷ đồng trong 4 năm.
Nguồn:Bức xúc, bất an... vì mua phải sữa giả
Bình Nguyên
kienthuc.net.vn
-
Bức xúc, bất an... vì mua phải sữa giả
-
Gợi ý 9 món ăn giải nhiệt nắng nóng Hà Nội
-
Hà Giang: Nỗ lực đưa vốn giúp hộ nghèo vươn lên
-
BSR tập trung nguồn lực triển khai dự án NCMR NMLD Dung Quất đúng tiến độ
-
SCTV chính thức lên tiếng về phát ngôn gây tranh cãi của MC Bích Hồng
-
Doãn Quốc Đam lên tiếng về ồn ào quảng cáo sữa
-
Truyền thông Malaysia đưa tin về 3 cầu thủ Việt Nam được triệu tập đá Man Utd
-
HLV Thép xanh Nam Định lý giải trận hòa như thua trước Đà Nẵng
-
Mùa cây “thay áo”