Cà Mau: Ða canh bền vững

10:10 | 14/02/2024

|
Nông thôn U Minh hôm nay đang bừng lên sức sống mới, nhiều công trình cầu, lộ nông thôn, trường học, điện lưới quốc gia phủ kín. Vùng quê nghèo khó ngày nào đang từng ngày phát triển. Những mô hình kinh tế mới, cách làm hiệu quả đan xen với vạt rừng tràm xanh giúp người dân "đổi đời" và làm giàu chính đáng.
Cà Mau: Dạt dào sức trẻCà Mau: Dạt dào sức trẻ
Cà Mau: Đồn là nhà, biên giới là quê hươngCà Mau: Đồn là nhà, biên giới là quê hương

Là nơi có "rừng vàng, biển bạc", nhưng trong thời gian dài U Minhbị coi là "túi nghèo" của tỉnh. Song, với sự chỉ đạo sâu sát, hợp lòng dân của Ðảng bộ, chính quyền, đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế từ đất rừng, đưa U Minh trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện, phấn khởi: “Nếu trước đây, trồng rừng theo kiểu truyền thống phải mất trên 10 năm mới cho thu hoạch, thì hiện nay chỉ cần 5 năm; mỗi héc-ta cho thu nhập từ 100-150 triệu đồng. Ðặc biệt, mới đây, Công ty TNHH Sojitz Việt Nam đã ký hợp đồng với Công ty Gỗ Cà Mau thu mua viên gỗ nén từ cây keo lai xuất sang Nhật Bản, sản lượng từ 40-50 ngàn tấn/năm, thời hạn hợp đồng 15 năm, mở ra hướng đi mới, nâng tầm giá trị lâm sản".

Người dân xã Khánh Thuận, huyện U Minh, thu hoạch keo lai. Ảnh: N.M

Ngoài cây rừng, nông dân U Minh còn thực hiện thành công mô hình nuôi tôm2 giai đoạn kết hợp với nhiều loài thuỷ sản khác. Hiện toàn huyện có 6 sản phẩm OCOP 3 sao và hoàn thành hồ sơ sản phẩm cam sành từ 3 sao lên 4 sao. Bên cạnh đó, người dân còn tích cực tận dụng đất rừng trồng rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi... tạo thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm.

Trăm nghe không bằng một thấy, ông Trần Rô Y, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thuận, đưa chúng tôi đi thăm mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa, nuôi cua đinh, nuôi lươn không bùn của gia đình ông Ðặng Văn Xiêm, Ấp 10, xã Khánh Thuận.

Ông Xiêm nhẩm tính: "Tổng thu nhập từ lúa, tôm và 2 hầm cua đinh từ 250-300 triệu đồng/năm. Cua đinh dễ nuôi, mau lớn, thức ăn là cá phi tận dụng từ vuông tôm. Vì thế, sau đợt thu hoạch này, gia đình sẽ đầu tư mở rộng diện tích".

Nông dân Ấp 9, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, thu hoạch tôm trên đất lúa. Ảnh: NHẬT MINH

Năm 2023, toàn huyện giảm 761 hộ nghèo, giảm 2,96%, đạt 164% chỉ tiêu nghị quyết, đạt 118% so với kế hoạch tỉnh giao. Hộ cận nghèo giảm 73 hộ. Hiện nay trên địa bàn huyện không còn hộ gia đình chính sách nghèo, cận nghèo. Có 4 ấp xoá trắng hộ nghèo, cận nghèo. Ðây là những con số ấn tượng, đánh dấu sự thay đổi lớn lao ở một vùng quê từ lâu nghèo khó. Nhiều năm qua, huyện tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng nguồn vốn đầu tư giảm nghèo giai đoạn 2021-2023 trên 43 tỷ 584 triệu đồng.

Xã Nguyễn Phích có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện, chiếm đến 13,42%. Ông Nguyễn Thanh Ril, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết: "Toàn xã có 20 ấp, trong đó có 4 ấp đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, xã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững. Ngoài nguồn vốn Nhà nước, xã còn huy động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo; đồng thời phân công cán bộ, đảng viên và các ngành, đoàn thể phụ trách giúp đỡ, hỗ trợ từng hộ nghèo, cận nghèo. Mục tiêu giảm 217 hộ nghèo, tương đương 4,47% hộ nghèo vào cuối năm 2023 thực hiện đạt 100%. Ðể giúp các hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở có nhà mới đón Tết, địa phương vừa bàn giao 11 căn nhà cho các hộ dân thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023".

Người dân tận dụng bờ bao trồng màu tăng thu nhập.

Tết này, gia đình ông Võ Minh Thới, Ấp 13, xã Nguyễn Phích, được sum vầy bên con cháu trong căn nhà mới trị giá gần 80 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng, phần còn lại gia đình gom góp bổ sung xây cất. Ông Thới bộc bạch: “Ðược hỗ trợ xây nhà, tôi mừng lắm! Cảm ơn Ðảng và Nhà nước đã lo chu toàn cho người dân".

Cách đó không xa, ông Nguyễn Trọng Quốc, Ấp 12, xã Nguyễn Phích, chăm chút từng gốc mít đang cho trái, dự tính thu hoạch vào dịp Tết này. Ông Quốc khoe: "Nếu ổn định đầu ra, 1 ha trồng mít cho huê lợi gấp 3-4 lần so với trồng tràm và lúa. Ngoài ra, tôi tận dụng mương liếp nuôi cá đồng và ốc bươu đen, cho thu nhập thêm trên 100 triệu đồng/ha/năm. Ngày xưa người dân ở đây nghèo khổ lắm, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào cây rừng. Từ khi chuyển sang trồng tràm thâm canh, sản xuất đa canh, lấy ngắn nuôi dài, lâu dần "tích tiểu thành đại" nên ai cũng đủ ăn, khá giả và giàu có, đa số các hộ dân có ti vi, tủ lạnh, xe máy...”.

Dường như mùa xuân năm nay đến sớm hơn với người dân U Minh Hạ.

Nguồn: Ða canh bền vững

Trung Đỉnh

baocamau.vn