Cà Mau: Chông chênh tàu 67 - Bài 1: Khai thác không hiệu quả

15:17 | 03/10/2022

|
Nghị định số 67/2014 (Nghị định 67) đã mang đến nhiều cơ hội cho ngư dân Cà Mau vươn khơi bám biển, cũng là cơ hội để nâng tầm nghề khai thác biển của tỉnh theo hướng hiện đại. Nhưng những diễn biến gần đây cho thấy nhiều điểm yếu, tình trạng nợ xấu trở thành gánh nặng đối với ngành ngân hàng. Ngư dân trước đây từng làm giàu từ nghề khai thác biển bỗng dưng trở thành con nợ. Nguyên nhân chung được đưa ra từ các chủ tàu là khai thác không hiệu quả. Nhiều người bộc bạch, họ sẵn sàng gán tàu cho ngân hàng chứ không có khả năng trả nợ. Có lẽ đã đến lúc Nghị định 67 cần có sự thay đổi phù hợp nhằm tránh để chính sách quan trọng và cần thiết này "chết yểu".

Bài 1: Khai thác không hiệu quả

Tại sao tàu đóng mới, lớn hơn, trang bị hiện đại hơn, có khả năng vươn khơi để khai thác ngư trường lớn nhưng hầu như không khai thác hiệu quả? Nghịch lý trên được những ngư dân dày dạn kinh nghiệm giải thích là không làm chủ trang thiết bị kỹ thuật, quan trọng hơn đó là nguồn lợi hải sản ở các ngư trường đã sụt giảm nghiêm trọng.

Phấn khởi xen lẫn nỗi lo

Khi tiếp cận với Nghị định 67, ngư dân hầu hết đều phấn khởi với ý nghĩ sẽ là cơ hội để phát triển nghề khai thác biển vững mạnh hơn. Khi triển khai, các hộ được hỗ trợ theo nghị định này đều là đối tượng được rà soát kỹ, đáp ứng đủ điều kiện và có năng lực tài chính sau nhiều năm khai thác biển hiệu quả. Thế nhưng, thực tế khi những chuyến tàu này ra khơi đã bộc lộ nhiều hạn chế và dần trở thành gánh nặng cho chính ngư dân.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Khóm 2, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Thực tế nhiều tàu đóng mới theo Nghị định 67 hoạt động không phù hợp trong quá trình đánh bắt như tàu vỏ gỗ trước đây. Bên cạnh đó, các thiết bị máy móc cũng thường xuyên hỏng hóc, dẫn đến chi phí sửa chữa cao, trong khi sản lượng khai thác không đáp ứng kỳ vọng nên ngư dân thường xuyên lỗ vốn”.

Cà Mau: Chông chênh tàu 67 - Bài 1: Khai thác không hiệu quả
Sông Ðốc là cửa biển lớn của tỉnh, có số lượng tàu đóng mới theo Nghị định 67 nhiều nhất. (Trong ảnh: Tàu cá neo đậu tại cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, chờ con nước ra khơi).

Thực trạng trên được nhiều ngư dân chia sẻ và họ vỡ mộng với tàu lớn. Ông Huỳnh Văn Thừa, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, may mắn khi đã không vay vốn đóng mới tàu cá, dù có đủ điều kiện để được xét duyệt.

Ông Thừa cho hay: “Nghề biển là nghề truyền thống của gia đình, đem lại cuộc sống ấm no, ổn định cho bao thế hệ, nên anh em trong nhà đều giữ nghề và muốn phát triển hơn nhưng thực tình khi được biết đến Nghị định 67, tôi quyết định không vay vốn để đóng mới tàu. Hiện tại đội tàu của gia đình vẫn đánh bắt xa bờ, vẫn trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại và khai thác hiệu quả”.

Nguyên nhân được ông Thừa đưa ra là khi đầu tư phải tính toán đến ngư trường và nguồn lợi hải sản. Hiện nguồn lợi hải sản ở các ngư trường truyền thống đã giảm mạnh nên việc đóng tàu quá lớn sẽ không khai thác được hết công suất, trong khi chi phí lại tăng cao hơn, tình trạng lỗ vốn sau mỗi chuyến ra khơi không thể tránh khỏi.

Thực tế, nhiều ngư dân sau khi đầu tư tàu mới không tính tới những tác động khách quan khác ảnh hưởng đến hoạt động khai thác. Ðiều kiện thời tiết, giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, nhân công thiết hụt là những nguyên nhân được các chủ tàu đưa ra khi nói về tình trạng lỗ vốn khi ra khơi. Ðến nay, nhiều tàu dạng này phải nằm bờ, khi nói tới việc đến hạn trả lãi ngân hàng, nhiều người nói theo kiểu chấp nhận gán tàu cho ngân hàng.

Quá nhiều ưu đãi

Có một thực tế dễ nhận ra và đã trở thành một vấn đề bất cập khi Nghị định 67 được triển khai. Ðó là ngư dân tranh thủ mọi điều kiện, thủ tục để được vay vốn đóng mới tàu cá, trong khi đó chưa có kế hoạch cụ thể về mức độ hiệu quả kinh tế mà tàu đóng mới có thể mang lại.

Nghị định 67 đã đưa ra những chính sách ưu đãi có thể nói là chưa từng có tiền lệ. Trong đó có thể kể đến những ưu đãi như trường hợp đóng mới tàu vỏ thép thì chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm. Trường hợp đóng mới tàu gỗ thì chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm… Ðây là sự quan tâm đặc biệt của Ðảng và Nhà nước trong việc nâng cao năng lực hoạt động nghề khai thác hải sản của ngư dân cả nước, giúp ngư dân vươn khơi bám biển, cũng như khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, từ khi Nghị định 67 được triển khai đến nay đã bộc lộ nhiều lỗ hổng, trong đó có việc ngư dân ồ ạt làm hồ sơ xin đóng mới tàu để hưởng ưu đãi. Mặc dù quá trình xét duyệt được triển khai chặt chẽ và hầu hết người vay vốn đều là ngư dân có năng lực, có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, nhưng khi đưa tàu vào hoạt động thì khai thác không hiệu quả, không đủ khả năng trả lãi ngân hàng, thậm chí vỡ nợ.

Ông Huỳnh Văn Thừa đánh giá, thực tế hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản của ngư dân Cà Mau đa phần làm theo kiểu truyền thống, quá trình hiện đại tàu cá cũng như ứng dụng các kỹ thuật mới còn hạn chế. Ông Thừa nói: “Khi đóng mới và trang bị nhiều thiết bị kỹ thuật hiện đại thì cần người sử dụng, thế nhưng hiện nay việc tìm kiếm bạn tàu có kinh nghiệm rất khó, thậm thí có việc các chủ tàu cạnh tranh với nhau để tìm bạn đi cùng chứ chưa tính đến tìm thuyền trưởng, bạn tàu được bồi dưỡng, đào tạo cơ bản để sử dụng hiệu quả những trang thiết bị hiện đại trên tàu”.

Cà Mau: Chông chênh tàu 67 - Bài 1: Khai thác không hiệu quả
Nghề ốc mực của ngư dân cửa Ba Tỉnh, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời.

Vấn đề này cho thấy, thời gian qua mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ về phát triển nghề đánh bắt hải sản, đặt mục tiêu từng bước hiện đại hoá ngành khai thác biển nhưng lại vướng nhiều bất cập trong chính sách đào tạo nghề cho ngư dân. Hay nói cách khác là ngư dân sử dụng tàu đóng mới hiện đại nhưng khai thác theo kiểu truyền thống. Ông Thừa nhận định: “Trang bị phương tiện, thiết bị hiện đại mà không sử dụng được hoặc không khai thác hết công năng cũng chẳng giúp ích được gì, mà còn làm tăng chi phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Hiện không mấy tàu cá có được thợ máy, kỹ thuật có thể sửa chữa các thiết bị kỹ thuật ngay trên tàu khi có hỏng hóc xảy ra”.

Không chỉ là vấn đề vận hành hiệu quả tàu cá đóng mới mà nhiều yếu tố tác động đến hiệu quả khai thác biển. Ngư trường ngày càng thu hẹp trong khi đội tàu không ngừng tăng lên về số lượng, bên cạnh đó tình hình dịch bệnh, giá xăng dầu tăng cao… đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận khai thác, thậm chí có ngư dân không dám ra khơi bởi sợ lỗ vốn.

Không chỉ tàu đóng mới theo Nghị định 67 mà tình trạng ngư dân khai thác truyền thống cũng bị sụt giảm sản lượng, chi phí mỗi chuyến đi biển ngày càng tăng khiến nhiều chủ tàu khó khăn. Ông Huỳnh Văn Til, ấp Ô Rô, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Tình hình thai thác, đánh bắt của ngư dân ngày một khó. Hiện nay vẫn còn cầm cự được, nhưng nếu tình hình không cải thiện thì tôi sẽ tính đến chuyện bán tàu chuyển sang tàu công suất nhỏ hơn để đánh bắt, giảm chi phí ra khơi. Tàu lớn đánh bắt xa bờ đòi hỏi chi phí mỗi chuyến ra khơi rất lớn, trong khi nguồn lợi ngày càng ít, những năm gần đây giá xăng dầu tăng cao, thậm chí có lúc khan hiếm nên khả năng lỗ vốn, thậm chí bù lỗ để trả cho bạn tàu rất cao”.

Việc tàu đóng mới theo Nghị định 67 gặp khó, khai thác không hiệu quả dẫn đến khó có thể trả được nợ vay ngân hàng, cần đến sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là Chính phủ trong việc rà soát, khắc phục những hạn chế trở thành rào cản để phát huy hiệu quả Nghị định 67. Việc giãn nợ, cơ cấu lại nợ để ngư dân tiếp tục khai thác, tránh tình trạng chủ tàu bị vỡ nợ hàng loạt là những yếu tố cần tính tới để Nghị định 67 thật sự trở thành điểm tựa cho ngư dân vươn khơi.

Nghị định 67 là chính sách lớn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ giúp hiện đại hoá nghề khai thác biển, phát triển kinh tế biển, mà ngư dân khi vươn khơi còn là hình ảnh khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước./.

Nguồn: Chông chênh tàu 67 - Bài 1: Khai thác không hiệu quả

Đặng Duẩn

baocamau.com.vn