Cà Mau: Giãn vụ để giảm thiệt hại

09:15 | 04/04/2023

|
Theo thông tin từ ngành chức năng, vào cuối năm 2022, rải rác một vài địa phương trên địa bàn huyện Năm Căn đã xảy ra tình trạng cua chết. Sau đó lan rộng, đến thời điểm này tại tất cả các xã, thị trấn của huyện đều xảy ra tình trạng cua chết, ảnh hưởng thu nhập của người nuôi. Những biểu hiện, triệu chứng trên con cua cũng giống như những năm trước, được ngành chức năng xác định là nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ.
Cà Mau: “Ðất này là đất anh hùng”Cà Mau: “Ðất này là đất anh hùng”
Cà Mau: Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ tháng 3Cà Mau: Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ tháng 3

Ông Nguyễn Nghi Lễ, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện, cho biết: “Khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3, tình trạng cua chết lan rộng ra tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Mức độ thiệt hại lớn hơn nhiều so với thời điểm mới xuất hiện. Hiện nay, số lượng cua chết do bị bệnh chiếm khoảng 20-30% trên tổng số cua thu hoạch, cá biệt có nhiều hộ khoảng 60-70%”.

Ông Lê Hoàng Xám, Ấp 4, xã Hàng Vịnh, cho biết, đầu năm 2023 bắt đầu xuất hiện tình trạng cua chết, nhưng số lượng không lớn. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng nay xảy ra tình trạng chết hàng loạt. Việc cua chết với số lượng lớn còn ảnh hưởng đến các loài thuỷ sản khác, nhất là con tôm.

Ông Lê Hoàng Xám phát hiện cua chết trong vuông tôm.

“Tỷ lệ cua chết của vuông tôi khoảng 70%. Khi tách con cua ra thì thấy mang đen, thịt hồng, các biểu hiện này cũng như đợt bệnh những năm trước. Cua chết kéo theo tôm chết. Mặc dù áp dụng nhiều biện pháp nhưng hiện nay vuông tôi vẫn còn tình trạng cua, tôm bị chết”, ông Xám cho hay.

Cua nhiễm bệnh bắt đầu đổi màu, mang đen, thịt giảm dần.

Ông Trần Hữu Nghĩa, Ấp 4, xã Hàng Vịnh, cho biết: “Con nước rồi tôi xổ vuông, thấy cua, tôm chết rất nhiều, chúng bị đỏ thân, không biết nguyên nhân gì. Có nhiều con khi xổ ra còn sống nhưng sau khoảng hơn 30 phút thì chết. Mong muốn và kiến nghị ngành chức năng sớm có giải pháp để người dân chúng tôi có đời sống kinh tế ổn định hơn”.

Theo nhận định chung của ngành chuyên môn, sau khi bị nhiễm bệnh, cua có dấu hiệu chạy cống xổ, vô lú nhiều hơn trước. Con cua hoạt động chậm chạp, màu sắc nhợt nhạt (hồng), mai đóng rong, bám bẩn. Khi bắt cua lên tách ra trong mang có ký sinh trùng bám. Sau khi bị bệnh, con cua vẫn sống được 2, 3 ngày nhưng chất lượng thịt giảm dần.

“Sau khi được ngành chuyên môn, các đơn vị có liên quan kiểm tra, phân tích, đánh giá thì tình trạng cua chết hiện nay có những biểu hiện lặp lại như 2 năm trước đây, nguyên nhân được xác định là nhiễm ký sinh trùng. Ðến thời điểm này chưa có giải pháp phòng ngừa cũng như đặc trị đối với mầm bệnh này. Chính vì vậy, ngành chức năng đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tạm thời để hạn chế thiệt hại gây ra, như nhanh chóng thu hoạch dứt điểm lượng cua trong vuông tôm và không thả con giống mới, đợi đến khi hết dịch tiến hành cải tạo lại mới thả con giống”, ông Lễ cho biết thêm.

Những năm qua, con cua là một trong những mặt hàng mang lại kinh tế khá cao cho người nuôi trên địa bàn huyện. Ðồng thời, đây cũng là loài thuỷ sản được huyện Năm Căn chọn triển khai nhân rộng diện tích nuôi. Tuy nhiên, qua 3 năm xảy ra dịch bệnh trên cua, đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm./.

Nguồn: Giãn vụ để giảm thiệt hại

Thành Vũ

baocamau.com.vn