Cà Mau: Hợp tác, liên kết để phát triển sản xuất

19:30 | 04/05/2023

|
Trong sản xuất nông nghiệp, huyện Thới Bình hướng đến phát triển hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp (DN); trong đó HTX làm nòng cốt, nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, từng bước nâng cao giá trị nông sản.
Cà Mau: Điểm du lịch Mười Ngọt vào mùa đón kháchCà Mau: Điểm du lịch Mười Ngọt vào mùa đón khách
Cà Mau: Biến rác thải nhựa thành vốn khởi nghiệpCà Mau: Biến rác thải nhựa thành vốn khởi nghiệp

Thới Bình là huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh, có điều kiện thuận lợi cho sản xuất lúa cũng như nuôi thuỷ sản nước lợ. Huyện cũng có tiềm năng và lợi thế nuôi thuỷ sản từ quảng canh đến quảng canh cải tiến, quảng canh cải tiến 2 giai đoạn có liên kết, hợp tác trên diện rộng. Ðây cũng là lĩnh vực sản xuất mà chính quyền địa phương luôn quan tâm hỗ trợ người dân, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nông hộ.

Cà Mau: Hợp tác, liên kết để phát triển sản xuất
Tại huyện Thới Bình, năng suất lúa trong mô hình tôm - lúa tăng từ 3,8 tấn/ha năm 2013 lên 4,7 tấn/ha vào năm 2022.

Tính đến ngày 31/3/2023, huyện có 30 HTX đang hoạt động, với 372 thành viên. Ngoài ra, địa phương hiện có 78 THT, 924 tổ viên. Tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được xem là đòn bẩy quan trọng, hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Hiện tại, hiệu quả nhất là liên kết ở lĩnh vực tôm - lúa.

Nhờ áp dụng các giải pháp khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa trong mô hình tôm - lúa bình quân tăng từ 3,8 tấn/ha năm 2013 lên 4,7 tấn/ha vào năm 2022. Riêng năng suất tôm trong mô hình tôm - lúa đạt 250-300 kg/ha, tăng hơn 50-100 kg/ha so với nuôi quảng canh truyền thống. Qua thống kê giai đoạn 2012-2022, thu nhập bình quân của mô hình sản xuất tôm - lúa đạt trên 65 triệu đồng/ha/năm, cao hơn mô hình chuyên lúa từ 2-3 lần. Ngoài ra, nông hộ còn có thêm nguồn thu nhập từ 5-10 triệu đồng/ha/năm khi thả nuôi ghép thêm cua, cá rô phi… góp phần cải thiện cuộc sống.

Năm 2022, ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn người dân tham gia sản xuất lúa sạch, lúa an toàn, lúa hữu cơ. Ðồng thời, kêu gọi DN tham gia xây dựng mô hình sản xuất liên kết tiêu thụ lúa hữu cơ. Kết quả, đã triển khai thực hiện được 370 ha lúa sản xuất hữu cơ/hướng

hữu cơ, trong đó có 169 ha lúa đạt chứng nhận hữu cơ, gồm: HTX lúa - tôm Trí Lực (xã Trí Lực) 69 ha, HTX Ðoàn Phát (xã Trí Lực) 50 ha, HTX Ðông Xuân (xã Tân Lộc Bắc) 50 ha. Các giống lúa canh tác hữu cơ chủ yếu: ST24, ST25, OM2517…, năng suất đạt từ 4,6-4,9 tấn/ha và được DN bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 1.000-1.500 đồng/kg.

Huyện Thới Bình được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình” và HTX Ðoàn Phát (xã Trí Lực) được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho hơn 300 ha, góp phần nâng cao giá trị, quảng bá hình ảnh sản phẩm lúa sạch của huyện trên thị trường. Hiện nay, từ vùng nguyên liệu lúa sạch, lúa hữu cơ, có 2 sản phẩm gạo đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân, THT, HTX và DN nên trong năm 2022 huyện Thới Bình có 21 công ty, HTX tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa (chủ yếu trên đất lúa - tôm), tổng diện tích sản xuất lúa tham gia liên kết 2.208,1 ha, sản lượng 10.378,1 tấn, góp phần ổn định đầu ra và nâng cao thu nhập cho người dân trong mô hình.

“Năm 2023, huyện phấn đấu thành lập mới 2 HTX trở lên; mỗi xã, thị trấn thành lập, củng cố ít nhất 2 THT sản xuất hoạt động có hiệu quả. Tiếp tục duy trì, củng cố 12 chuỗi liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa đã có, đồng thời xây dựng mới 2 chuỗi liên kết. Duy trì, củng cố 1 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tôm sú đạt chứng nhận ASC Group đã có. Tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên 700 ha”, ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết./.

Nguồn: Hợp tác, liên kết để phát triển sản xuất

Văn Ðum

baocamau.com.vn