Cà Mau: Ðịnh hình chuỗi liên kết ngành tôm - Bài 1: Niềm tin và xu hướng bền vững

04:12 | 08/09/2022

|
Vấn đề liên kết sản xuất trong nuôi thuỷ sản, đặc biệt là con tôm, đang được người nuôi và ngành chức năng quan tâm. Cà Mau đã xây dựng chuỗi liên kết nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp từng bước phát triển với số lượng và chất lượng ngày càng được nâng lên. Ðây là hướng đi tích cực nhằm nâng cao chất lượng và giá cả đầu ra cho sản phẩm con tôm.

Bài 1: Niềm tin và xu hướng bền vững

Hiện tại, mô hình liên kết chuỗi đang là xu hướng chủ đạo của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được triển khai đồng bộ. Theo đó, các HTX liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong cung cấp đầu vào, đảm bảo đầu ra sản phẩm, nhờ đó nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người nuôi tôm.

Cà Mau: Ðịnh hình chuỗi liên kết ngành tôm - Bài 1: Niềm tin và xu hướng bền vững
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng. (Ảnh chụp tại xã Hoà Tân, TP Cà Mau). Ảnh: HUỲNH LÂM

Nông dân chủ động

Thay vì phát triển tự phát như trước đây, mô hình kiên kết chuỗi đã tạo dựng được niềm tin và trở thành xu hướng bền vững cho người nuôi tôm. Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực, chia sẻ: “Chúng tôi là một trong những HTX đầu tiên của xã Trí Lực, huyện Thới Bình triển khai mô hình liên kết sản xuất, đến nay có thể nhận định đây là hướng đi đúng, mang lại lợi ích thiết thực cho xã viên. Tuy nhiên, các HTX muốn phát triển vùng nguyên liệu sản xuất được chứng nhận (chuẩn châu Âu) thì cần tích cực liên kết với các tập đoàn lớn chứ tự thân không thể thực hiện được. Hiện chúng tôi đang liên kết với Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú để phát triển vùng nguyên liệu tôm sinh thái, bước đầu được tập đoàn đánh giá sản phẩm của HTX đủ điều kiện để được chứng nhận. Hiện HTX đang trong quá trình hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, thủ tục để được chứng nhận”.

Việc được chứng nhận theo chuẩn châu Âu là điều kiện thuận lợi để nâng cao giá trị sản phẩm con tôm Cà Mau, mang lại thu nhập cao và ổn định cho người nuôi. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của chuỗi liên kết, đòi hỏi sự nỗ lực hợp tác của nhiều phía, trong đó nội tại vẫn là nông dân Cà Mau cần tích cực tiếp cận các thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại được chuyển giao và thực hiện đầy đủ quy trình.

Ông Lê Văn Mưa cho biết thêm: “Việc phát triển mô hình lúa - tôm ở địa phương cần có tâm huyết của nông dân. Tránh tình trạng thực hiện nửa vời, nhất là thói quen sử dụng phân bón, thuốc, hoá chất trong quá trình trồng lúa, nuôi tôm”.

Ngành tôm Cà Mau vẫn đang trong quá trình phát triển, chuỗi liên kết được khuyến khích vì đây là hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Chuỗi liên kết mặc dù đã hình thành trong nhiều năm nhưng tính bền vững chưa cao nên cần tạo dựng một hình mẫu để nhân rộng trong thời gian tới, tránh phát triển ồ ạt, thiếu định hướng theo kiểu phong trào.

Ông Huỳnh Minh Triều, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thuỷ sản Ðoàn Phát, Ấp 8, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, chia sẻ: “Từ quá trình học hỏi kinh nghiệm của các HTX nông nghiệp trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy các HTX cần chủ động và chọn lựa các đối tác liên kết chuỗi (công ty, doanh nghiệp) uy tín để phối hợp xây dựng chuỗi liên kết. Thực tế, mặc dù HTX Dịch vụ nông nghiệp thuỷ sản Ðoàn Phát hình thành sau nhưng nhờ hướng đi đúng, chủ động trong liên kết chuỗi nên có nhiều sản phẩm gạo được chứng nhận OCOP, mô hình liên kết nuôi tôm cũng đạt hiệu quả cao. Nói chung, nông dân cần chủ động và quyết tâm thực hiện mô hình liên kết chuỗi đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy trình kỹ thuật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần hỗ trợ tích cực và thực hiện đầy đủ các điều kiện, cam kết trong hợp đồng liên kết để đảm bảo lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp".

Doanh nghiệp cùng tham gia

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, cho biết: “Tập đoàn đã tích cực tham gia vào chuỗi liên kết. Chúng tôi đề xuất với UBND tỉnh Cà Mau quy hoạch lại toàn bộ ngành tôm. Hiện chúng tôi đã tham gia xây dựng một số vùng nguyên liệu tôm sinh thái đạt chuẩn xuất sang châu Âu. Tập đoàn hướng tới việc tạo được vùng liên kết sản xuất quy mô lớn hơn và ứng dụng khoa học - công nghệ, các quy trình sản xuất từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm, nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế, qua đó nâng cao giá trị con tôm, tạo thu nhập cao cho người dân cũng như lợi nhuận cho doanh nghiệp”.

Trong khi đó, về phía người nuôi, HTX cần thay đổi tư duy sản xuất để hội nhập, nâng cao năng lực sản xuất. Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ thuỷ sản Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi luôn chủ động kết hợp xây dựng mô hình liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp và hộ nuôi trong HTX. Nâng cao ý thức xã viên trong tuân thủ các quy trình kỹ thuật, hợp đồng giữa các bên trong chuỗi là hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp tham gia chuỗi cũng phải thực hiện tốt các yêu cầu của hợp đồng bao tiêu tôm nguyên liệu để tạo dựng niềm tin đối với nông dân”.

Cà Mau: Ðịnh hình chuỗi liên kết ngành tôm - Bài 1: Niềm tin và xu hướng bền vững
Sản xuất tôm giống chất lượng cao tại Công ty TNHH MTV Việt - Úc Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Lâm

Bên cạnh sự chủ động, tích cực của người nuôi tôm, doanh nghiệp thì ngành chức năng cần có định hướng, quy hoạch ngành tôm hiệu quả hơn. Không chỉ quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương, khu vực, mà cần quy hoạch những khu chế biến tôm, công nghiệp phụ trợ tập trung, đặc biệt là cần quan tâm xây dựng để hình thành nên các vùng sản xuất giống với điều kiện cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Quy hoạch lại các vùng nguyên liệu trong sản xuất của ngành tôm là yêu cầu cần thiết để phát triển, thay vì mở rộng diện tích, là điều cần được ngành chức năng quan tâm.

Ông Lê Văn Mưa nhận định: “Ngành tôm cần quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý, đặc biệt phải bảo vệ được vùng nguyên liệu nuôi tôm sinh thái. Yếu tố môi trường cần được kiểm tra, quản lý chặt chẽ. Ví dụ như, cần xử lý triệt để tình trạng nuôi tôm công nghiệp gần vùng nguyên liệu gây ảnh hưởng đến vùng nuôi. Tình trạng vùng nguyên liệu bị phá vỡ do nuôi tôm công nghiệp tự phát đã xảy ra ở một số nơi, và vấn đề này cần tránh để xảy ra ở vùng nuôi của Trí Lực. Hiện mô hình lúa - tôm ở địa phương đang phát triển tốt, bền vững nhờ thực hiện chuỗi liên kết hiệu quả nên ngành chức năng cần tích cực bảo vệ vùng nguyên liệu của địa phương”./.

BÀI 2: NHIỀU GIẢI PHÁP CHO TƯƠNG LAI

Nguồn: Ðịnh hình chuỗi liên kết ngành tôm - Bài 1: Niềm tin và xu hướng bền vững

Ðặng Duẩn

baocamau.com.vn