Cà Mau: Khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai
Có thể thấy, thời gian qua, với những nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và nông dân, tỉnh đã khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, nhất là đối với nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện, ổn định, chuyển dịch theo hướng phát triển các sản phẩm hàng hoá chủ lực có lợi thế, bảo đảm an ninh lương thực, góp phần giảm nghèo và tạo nguồn hàng xuất khẩu.
Ðể phát huy lợi thế về đất đai, nhất là đối với khoảng 280.000 ha được quy hoạch để phục vụ nuôi thuỷ sản, thời gian qua, hàng loạt loại hình nuôi đã được triển khai. Nuôi tôm quảng canh cải tiến; nuôi tôm quảng canh, tôm - lúa; tôm - rừng (tôm sinh thái); tôm thâm canh; tôm siêu thâm canh; nuôi tôm - cua; tôm - sò huyết, tôm - vọp; lúa - tôm sú; tôm càng xanh... là những loại hình đã khai thác được nguồn lực đất đai để nâng cao đời sống kinh tế của người dân.
Tôm càng xanh nuôi xen canh trong ruộng lúa - tôm sú là mô hình đã khai thác được tiềm năng đất đai, giúp nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn huyện Thới Bình, được đánh giá là mô hình phát triển bền vững. (Ảnh chụp ngày 17/1/2024 tại xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình) |
Nuôi tôm - cua dưới tán rừng là loại hình kết hợp đã và đang được đánh giá mang lại giá trị kinh tế cao trên cùng một diện tích, đây còn được xem là mô hình phát triển bền vững, ít rủi ro, góp phần bảo vệ môi trường, giúp đa dạng sản phẩm thuỷ sản, phù hợp với vùng đất ngập mặn, gắn liền giữa diện tích rừng và diện tích nuôi tôm. Những năm gần đây, mô hình này ngày càng được chú trọng phát triển, với diện tích hiện đạt khoảng 39.500 ha, tập trung ở các huyện có tiềm năng, như: Ngọc Hiển (22.875 ha), Năm Căn (7.625 ha), Phú Tân (4.000 ha) và Ðầm Dơi (5.000 ha). Ðặc biệt, nhiều doanh nghiệp chế biến thuỷ sản như: Minh Phú, CASES, Camimex... đã triển khai nhiều hoạt động liên kết với các hộ dân nơi đây để xây dựng vùng nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế (Naturland, EU, Selva shrimp...), từ đó tiếp tục phát huy giá trị về tài nguyên đất đai mang lại cho người dân.
Thời gian qua, mô hình nuôi tôm quảng canh dưới tán rừng kết hợp với xen canh con cua mang về thu nhập cao cho người dân các huyện ven biển như Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển. |
Tôm - lúa là mô hình được đánh giá khai thác được tiềm năng, lợi thế về đất đai và điều kiện tự nhiên của tỉnh. Với khoảng 45.000 ha, đây là một trong những mô hình sản xuất hiệu quả và mang tính bền vững. Thực tế sản xuất thời gian qua đã khẳng định, khi luân canh một vụ lúa, một vụ tôm không chỉ tạo ra tôm, lúa sạch, hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn hạn chế dịch bệnh.
Từ hiệu quả mang lại, năm 2022, Công ty TNHH xã hội chuỗi tôm - rừng Minh Phú phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) xây dựng vùng nuôi tôm Minh Phú trên địa bàn huyện Thới Bình, đạt chứng nhận nuôi thuỷ sản có trách nhiệm ASC (lúa - tôm), với 565 ha tại xã Trí Lực, chứng nhận ASC Group cung ứng sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường (lúa, tôm) của vùng.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện nay có hàng loạt những mô hình luân canh, xen canh mang lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế mà đất đai mang lại. Tiêu biểu có thể kể đến như mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ màu, trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng, mô hình bồn bồn - cá đồng... tại vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời và U Minh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế liên quan đến hiệu quả sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, hiện trạng đất đai manh mún, phân tán vẫn là rào cản lớn trong việc huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Hạn chế này được chỉ ra trong Chương trình của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030: “Công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sản xuất chưa sát tình hình thực tế; sản xuất nông nghiệp chủ yếu còn manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết; chưa hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn; chưa xây dựng được khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế hợp tác chậm phát triển, liên kết sản xuất nhỏ lẻ, thiếu bền vững. Thị trường tiêu thụ thiếu ổn định; hiệu quả sản xuất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp, năng suất lao động ngành nông nghiệp chưa cao”.
Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định: “Diện tích đất sản xuất nhỏ hẹp, manh mún, phân tán, từ đó công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hoá trong đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất... gặp nhiều khó khăn. Từ đó, chưa thể tiết kiệm chi phí; năng suất, chất lượng nhiều nơi còn thấp... hiển nhiên là hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa thể cao như kỳ vọng”.
Ðất đai là tài sản đặc biệt, là nguồn nội lực quan trọng không chỉ của người nông dân mà của cả xã hội. Ðặc biệt đối với tỉnh Cà Mau, mà ngành nông nghiệp đóng góp đến hơn 31% trong cơ cấu kinh tế, thì việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng để tạo đột phá, hướng tới xây dựng, phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, đặc biệt là để đạt mục tiêu nông nghiệp tỉnh Cà Mau phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trên cơ sở cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế; phát triển nông nghiệp hiện đại, thông minh, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tương đương bình quân chung của cả nước, như trong Chương trình của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã đề ra./.
Nguồn: Khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai
Nguyễn Phú
baocamau.vn
-
Lâm Đồng: Ðà Lạt du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế động lực
-
Khánh Hòa: Cao điểm chống khai thác IUU
-
Hà Giang: Lưu giữ nghề thêu thổ cẩm của dân tộc Cờ Lao
-
Hồ Suối Vàng - thiên đường cỏ hồng
-
Khánh Hòa: Khánh Sơn thúc đẩy phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn
-
Hà Giang: Ngôi đền thiêng trên núi Suối Thầu
- PV Power và Vingroup hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
- Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp
- Petrovietnam và Petronas tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo
- Dấu ấn của những người thầy “quân hàm xanh”
- Hà Giang: Khơi dậy tình yêu nước từ “Tiết học biên cương”
- Lâm Đồng: Tình thầy trò dưới mái trường giữa rừng
-
Eximbank: Không có việc NHNN đang thanh tra các hoạt động cấp tín dụng tại ngân hàng
-
Techcombank kinh doanh ra sao trong 9 tháng đầu năm 2024?
-
Giá hoa tươi dự kiến tăng cao dịp 20/11
-
Vietinbank dẫn đầu ngành ngân hàng về tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm 2024
-
Ngân hàng SHB - Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024
-
Đội tuyển Nga tiếp tục vắng mặt ở vòng loại World Cup 2026
-
Khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cùng với TT-GREEN
-
CLB Viettel đại thắng 5 sao, vươn lên top 3 V-League 2024/25
-
30 lời chúc ý nghĩa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11