Cà Mau: Nghĩa tình miền biển

16:52 | 13/09/2021

|
Như bao địa phương trong tỉnh đứng trước thách thức của đại dịch, hơn 8.000 hộ dân ở thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) đều chịu ảnh hưởng chung. Thế nhưng trong gian nguy, cả hệ thống chính trị và Nhân dân miền biển vẫn luôn đoàn kết một lòng, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp sức đẩy lùi đại dịch và lan toả những giá trị tốt đẹp.

Là cửa biển sầm uất nhất tỉnh, mùa này biển êm, thuận lợi cho việc đánh bắt dài ngày trên biển của ngư dân, do đó lượng dân di cư thời vụ về đây khá đông, vào cao điểm toàn dân thị trấn lên đến 50.000 người, trong khi lại rơi vào đúng mùa dịch Covid-19, nên mọi tình huống đều nhân phần vất vả chẳng khác nào chống chọi với “cơn bão” dữ. Hàng ngày, có hàng trăm phương tiện hoạt động, lưu thông trong vùng biển này, tạo áp lực lớn cho 6 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19, 150 tổ Covid cộng đồng (391 thành viên). Nơi tuyến đầu, lực lượng nắm địa bàn, mất ngủ quên ăn căng mình làm nhiệm vụ, thì ở hậu phương cũng ngày đêm đồng hành bằng các hoạt động tiếp sức, động viên, san sẻ, vững niềm tin vượt qua đại dịch.

Các bà, các chị xứ biển Sông Ðốc vốn chỉ lo buôn bán, nội trợ, nay lại cùng nhau chăm chút từng bữa ăn gửi đến lực lượng trực chốt kiểm soát, lực lượng lấy mẫu xét nghiệm toàn dân. Ai có gì góp nấy, người thì ủng hộ tiền, người thì góp trái cà, mớ rau, con cá, xách theo gia vị… rồi góp công sức làm nên những mâm cơm ấm tình mùa dịch.

Chị Lê Thanh Bình, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Sông Ðốc, chia sẻ: “Hàng ngày, có 5 chị thay phiên nhau nấu. Ðể đảm bảo an toàn, chúng tôi đã thành lập tổ, nhóm “phụ nữ xách giỏ, luân phiên đi chợ”, hạn chế tập trung đông người. Hồi tỉnh rước 94 công dân về từ TP Hồ Chí Minh, chị em Sông Ðốc vui lây, xung phong nửa đêm thức gói bánh tét, bánh dừa, kịp gửi đến khi bà con về khu cách ly tập trung”.

Mỗi người đảm nhận một việc, ai nấy đều đặt hết tâm sức vào, chỉ mong góp tấm lòng vì việc chung. Có người dù tuổi cao, mắt mờ nhưng vẫn cặm cụi ráp từng chiếc kính chống giọt bắn. Ðã có gần 1.000 chiếc kính được phụ nữ Sông Ðốc kỳ công, tỉ mẩn tạo nên để tặng lực lượng làm nhiệm vụ.

Bà Hoàng Kim Tuyến, 75 tuổi, ở Khóm 10, bộc bạch: “Tôi cảm thấy vui và ý nghĩa khi được góp chút công sức giúp ích cho các y, bác sĩ cũng như cán bộ, chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch giảm phần nào nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”.

Cà Mau: Nghĩa tình miền biển
Ðã có gần 1.000 chiếc kính được phụ nữ Sông Ðốc kỳ công, tỉ mẩn tạo nên để tặng lực lượng làm nhiệm vụ.

Ðại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội. Việc kinh doanh của 18 thành viên Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp Sông Ðốc cũng không tránh khỏi khó khăn chung. Song, các chị tâm niệm, trong “cuộc chiến” này cần hơn hết là sự chung sức, đồng lòng. Nhiều hoạt động ý nghĩa được câu lạc bộ thực hiện như hỗ trợ 11 máy phun sát khuẩn, đo thân nhiệt cho các chốt kiểm soát, khu cách ly tập trung, cơ sở y tế; cùng nhiều lương thực, thực phẩm gửi đến khu cách ly và hộ khó khăn của thị trấn.

Chị Huỳnh Kim Chi, Phó giám đốc Công ty TNHH Chí Toàn, tâm tình: “Tôi kinh doanh nên thấu hiểu sức ảnh hưởng của dịch bệnh. Những hộ nghèo, cận nghèo, người lao động tự do càng khổ hơn, nên tôi đã ủng hộ 12 tấn gạo và các nhu yếu phẩm, chia sẻ lúc gian nguy này, cùng nhau vượt qua khó khăn, mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi”.

Thông qua đối tác kinh doanh, bạn bè, người thân, các chủ doanh nghiệp ở Sông Ðốc còn vận động, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại một số xã lân cận như Khánh Hải, Khánh Lộc…

Bà Phan Tuyết Mãi, Phó bí thư Thường trực Ðảng uỷ thị trấn Sông Ðốc, chia sẻ: “Chúng tôi tập trung chỉ đạo quyết liệt các nội dung phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời cố gắng chăm lo tốt đời sống người dân. Qua khảo sát, thị trấn có 600 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn cách ly y tế tại nhà… cần giúp đỡ. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân để giúp người dân vượt qua thách thức”.

Kết nối với Ðoàn Thanh niên xã Khánh Lộc và Huyện đoàn, các bạn trẻ xứ biển Sông Ðốc đã mở gian hàng hỗ trợ tiêu thụ nông sản - san sẻ yêu thương, đồng thời nhận đi chợ hộ cho những hộ cách ly y tế. Gian hàng nằm trong chợ lớn của thị trấn, hoạt động từ 6 giờ sáng tới 5 giờ chiều, chia theo nhóm 6 bạn đoàn viên vừa bán tại chỗ, vừa nhận đặt hàng qua điện thoại, Facebook, Zalo. Lần đầu làm bạn hàng chợ, làm shipper, ai nấy lạ lẫm, vất vả nhưng nghĩ đến niềm vui của bà con khi bán được rau củ, nhận được tiền, nên các bạn động viên nhau cố gắng hết sức. Bình quân mỗi ngày các bạn giúp dân tiêu thụ 500 kg rau củ, đi chợ giúp hơn chục hộ.

Cà Mau: Nghĩa tình miền biển
Gian hàng hỗ trợ tiêu thụ nông sản - san sẻ yêu thương của Ðoàn Thanh niên thị trấn Sông Ðốc.

Vì dịch Covid-19 nên cuộc sống của nhiều gia đình bị đảo lộn và để lại biết bao câu chuyện bi thương. Ðã có 2 trường hợp người dân Sông Ðốc đi lao động tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương tử vong do nhiễm dịch. Ðịa phương kịp thời đến động viên, hỗ trợ tiền, quà và chia sẻ mất mát cùng gia đình nạn nhân.

Ông Nguyễn Văn Dinh, 70 tuổi (Khóm 7) kể, con gái ông tên Nguyễn Thị Hiền, năm nay 38 tuổi, đi làm tại TP Hồ Chí Minh 5 năm nay, đã qua đời hơn nửa tháng. Ông Dinh xúc động: “Nhờ sự thăm hỏi, động viên và giải thích của cán bộ, tôi phần nào vơi bớt đau buồn. Dịch bệnh hoành hành, còn biết bao người phải chịu mất mát, khổ sở hơn mình. Giờ tôi khuyên con cháu tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch để được an toàn”.

Hiện trên địa bàn có khoảng 1.200 người đang lao động ngoài tỉnh, địa phương khẩn trương thống kê, nắm tình hình để kịp thời phối hợp hỗ trợ.

Dõi theo "hậu phương" thị trấn biển sầm uất, hứa hẹn tiếp nối những yêu thương đến tuyến đầu chống dịch và người dân khó khăn. Tất cả là liều thuốc tinh thần quý giá, tạo sự lan toả tích cực, vun đắp thêm những hành động đẹp trong cộng đồng xã hội, hướng tới mục tiêu cuộc sống sớm trở lại trạng thái bình thường mới./.

Nguồn: Nghĩa tình miền biển

Mộng Thường

baocamau.com.vn