Cà Mau: Niềm tin nơi cánh rừng tràm

04:12 | 29/09/2022

|
Trước đây, ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, được biết đến là địa phương có điều kiện phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn khi điện, đường, trường, trạm không có. Vậy mà giờ đây, xứ nghèo ngày nào đã đổi thay rõ rệt. Ðời sống bà con vùng đệm U Minh Hạ ổn định, khấm khá nhờ nhạy bén áp dụng các mô hình phát triển kinh tế song song với bảo vệ rừng.

“Hơn 10 năm trước, đời sống bà con vùng đệm còn gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó ấp Vồ Dơi khoảng 200 hộ sinh sống nhưng có hơn 50 hộ nghèo, do điều kiện về đường sá, điện thắp sáng chưa phủ khắp. Thêm đa phần nơi đây vùng lõi rừng tràm, đời sống người dân sinh sống chủ yếu dựa vào cây tràm là chính, mà khi đó cây tràm chưa phát huy giá trị kinh tế cao. Ðến nay, khi các điều kiện hạ tầng được đầu tư xây dựng và người dân dần được tiếp cận với nhiều mô hình kinh tế kết hợp bảo vệ rừng tràm thì đời sống bà con dần khởi sắc, ấm no”, ông Nguyễn Văn Ðoàn, Chủ tịch UBND xã Trần Hợi, chia sẻ.

Bám trụ với rừng

Nhắc lại những ngày đầu khi về Vồ Dơi sinh sống, ông Võ Văn Bân ngao ngán: “Hồi đó về đây lập nghiệp, đất đai còn hoang sơ lắm. Phía hậu đất toàn rừng rậm, còn phía trước nhà toàn lau sậy. Người dân quanh đây tự chặt cỏ làm đường đi. Ðời sống bà con gặp vô vàn khó khăn vì không điện, không đường, thu nhập dựa hết vào rừng, mà lúc đó trồng rừng từ 7-10 năm mới cho thu hoạch”.

Quê gốc ở tận Bến Tre, vì mưu sinh nên gia đình ông Bân về đây lập nghiệp. Những năm tháng vất vả tưởng chừng như gia đình không trụ nổi, vậy mà, khi Nhà nước mở hướng đi mới cho đất rừng phát triển, đời sống bà con nơi đây khởi sắc. Quyết tâm bảo vệ rừng song song phát triển kinh tế, gia đình ông Bân và bà con mạnh dạn thực hiện các mô hình mới. Trên diện tích 5 ha, ngoài trồng rừng tràm thâm canh, ông Bân áp dụng mô hình đa cây, từ trồng chuối, dừa, mãng cầu, rồi cuối cùng ông Bân tự tin rằng: “Cây mít chính là cây hái tiền của gia đình”.

“Thật ra tôi cũng nhiều lần thất bại, vì đất phèn nặng, khó cây nào bám rễ nổi. Lúc đó dân vùng này chủ yếu chỉ trồng chuối. Khi tình cờ ăn được múi mít của bà con trồng tại đây, thấy thơm ngon, ngọt nên tôi quyết định phá vườn chuối, dừa để đưa cây mít về trồng. Khi ấy tôi mua thiếu người ta 18 triệu đồng tiền cây giống, vợ con tôi than trời, tưởng mất trắng vì tính liều của tôi”, ông Bân nhớ lại.

Ðối với ông Bân, mảnh đất rừng này còn khó khăn nhưng đừng nghĩ nó vô dụng, mà quan trọng tư duy của người có quyết tâm bám trụ với nó hay không thôi. Vậy là với trên 400 cây giống mít Thái, ông Bân thu về 10 tấn/ha. Mỗi năm thu hoạch 2 vụ, mỗi vụ lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.

Vợ ông Bân, bà Ngô Tuyết Phượng bộc bạch: “Lúc đó, phía đất trồng rừng thì còn giữ, nhưng ông nhà tôi phá hết vườn chuối để trồng cây mít. Tôi lo lắng vô cùng, sợ mất cả chì lẫn chài. Vậy mà trồng không bao lâu, cây mít bén rễ cho trái, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Mỗi cây có 5 trái thôi, nhưng mỗi trái đạt trọng lượng từ 8 kg trở lên, thế là mấy năm đó nhà tôi sống khoẻ, rồi cất nhà luôn”.

Cà Mau: Niềm tin nơi cánh rừng tràm
Trồng tràm song song với mô hình kinh tế đã mang đến nhiều niềm vui cho bà con vùng đệm rừng U Minh Hạ.

Ðất không phụ người

Sinh kế từ rừng tràm nhưng người dân vùng đệm ấp Vồ Dơi ai cũng tìm kiếm mô hình lấy ngắn nuôi dài để phát triển kinh tế song song với cây rừng. Nhờ bà con áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mà trên mảnh đất vốn khó khăn ngày nào, ngoài màu xanh bạt ngàn rừng tràm còn có những mô hình kinh tế hiệu quả cao, bền vững.

“Hồi trước, ngoài trồng rừng, vùng này ai cũng trồng lúa. Nhưng đất này ai sinh sống lâu, am hiểu là biết lúa trồng mỗi năm chỉ 2 vụ mà nơi đây vùng gò, phèn thì cây lúa năm ăn năm thua. Thử đem 1 ha trồng lúa so sánh với 1 ha trồng mít là biết rõ liền. Lúa trúng lắm 1 ha thu về 40 triệu đồng, còn trồng mít từ 3 năm trở lên, mỗi năm cho trái 2 vụ, mỗi vụ 100 triệu đồng là chuyện có thật. Chưa kể trồng lúa cực nhọc, phân thuốc đủ thứ, còn trồng mít 1 ha tôi chỉ tốn 10 kg phân bón”, ông Bân khẳng định.

Cây mít bén rễ sinh sôi cũng là lúc ông Bân càng tự hào mảnh đất này đã mang đến cho ông và gia đình cuộc sống đủ đầy. Năm lũ lụt vừa rồi số mít ông trồng chết hết nên ông chọn giống mít Thanh Sơn hứa hẹn nhiều kỳ vọng mới. Theo như ông nói, công ty này đã cung cấp nguồn giống tốt, sau 3 năm cho trái đạt trọng lượng loại I từ 20 kg trở lên, công ty sẽ bao tiêu hết đầu ra cho ông theo đúng giá cả thị trường. Ðây là hướng đi mới cho những nỗ lực của ông Bân khi quyết tâm làm giàu trên mảnh đất này.

Còn ông Phạm Văn Phiêu, năm nay 67 tuổi, ở ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, cũng bám trụ với đất rừng hàng chục năm nay, từ ý nghĩ lấy ngắn nuôi dài. Ông Phiêu tâm sự: “Giờ lớn tuổi rồi, tôi chỉ sống một mình thôi nên làm kinh tế từ cây chuối, còn bán được là mình còn sinh sống được. Giá cây tràm giờ đang xuống, chỉ từ 5-5,5 triệu đồng/ha. Giá tràm tuy có lên xuống nhưng dù sao không mất nhiều công chăm sóc. Nguồn lợi từ rừng là vô tận nhưng người sử dụng cũng phải biết bảo vệ, biết áp dụng các mô hình khác để nương tựa nhau. Vậy chứ, nhờ đất rừng mà tôi mới nuôi nổi 6 đứa con ăn học thành đạt”.

“Không chỉ riêng ông Bân, ông Phiêu, hầu hết bà con nơi đây đều chọn một mô hình kinh tế phù hợp song song với bảo vệ và phát triển rừng. Câu chuyện lấy ngắn nuôi dài của bà con là vậy, chính quyền địa phương rất ủng hộ để bà con phát triển đời sống từ rừng", ông Huỳnh Ngọc Cung, Trưởng ấp Vồ Dơi, bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Ðoàn kỳ vọng: “Từ khi tuyến đường Ðá Bạc đưa vào sử dụng cũng là lúc kinh tế vùng lâm phần Vồ Dơi bừng sáng. Ðến nay ấp này chỉ còn 8 hộ nghèo, điều này minh chứng cho hướng đi đúng của bà con nơi đây. Nguồn lợi từ cây rừng bên cạnh những mô hình kinh tế bền vững khác đã tạo điều kiện cho đời sống người dân vươn lên khấm khá. Mở ra nhiều triển vọng mới trong tương lai”./.

Nguồn: Niềm tin nơi cánh rừng tràm

Hằng My

baocamau.com.vn