Cà Mau: Nòng cốt giúp dân tiếp cận công nghệ

20:50 | 22/09/2022

|
Xác định chuyển đổi số chỉ đạt hiệu quả khi người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia. Bước đầu, 493 thành viên của các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ người dân tiếp cận với môi trường số, nền tảng số, công nghệ số qua nhiều nội dung cụ thể.

Ngày 18/7/2022, Chủ tịch UBND Phường 1, TP Cà Mau, ký quyết định thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng tại phường với 20 thành viên. Nhiệm vụ của tổ là thực hiện theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông, tham gia hiệu quả vào mạng lưới công nghệ số cộng đồng, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào cuộc sống. Ðến nay, 20 thành viên của tổ đã ra mắt Nhân dân 5 khóm trên địa bàn. Anh Nguyễn Văn Hạnh, Tổ trưởng, cho biết: “Mỗi thành viên sau khi được tập huấn đã về truyền đạt lại cho người dân địa bàn, nhất là cài đặt ứng dụng trên điện thoại của mình, làm sao để đáp ứng nhu cầu của bà con. Tổng số hộ trên địa bàn Khóm 3 hiện nay là 468 hộ, từ đây tới cuối năm nếu làm theo từng hộ thì sẽ đảm bảo mục tiêu đề ra”.

Phường 1 là 1 trong 4 đơn vị của TP Cà Mau được tỉnh chọn thí điểm triển khai tổ công nghệ số cộng đồng. Xác định tổ công nghệ số cộng đồng có vai trò rất quan trọng, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số trong thời gian tới, Phường 1 đã tập trung huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng đoàn viên, hội viên cùng tham gia.

Cà Mau: Nòng cốt giúp dân tiếp cận công nghệ
Các tổ viên Tổ Công nghệ số cộng đồng Phường 1, TP Cà Mau, trao đổi kỹ năng ứng dụng công nghệ số trên smartphone.

Ông Trần Hoàng Kiệt, Phó chủ tịch UBND Phường 1, cho biết: “Trước mắt, Tổ Công nghệ số cộng đồng qua công tác tập huấn cơ bản sẽ đến từng hộ dân tuyên truyền cho người dân để thực hiện cũng như tạo các tài khoản cho người dân. Trong thời gian tới, lãnh đạo phường sẽ trực tiếp cùng với các khóm cũng như tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân về chuyển đổi số, đưa chuyển đổi số thực sự đi vào cuộc sống”.

Hiện nay, các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cà Mau hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm; hỗ trợ tuyên truyền chính quyền số, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng ứng dụng số được đánh giá và lựa chọn. Bà Hồ Kim Vân, người dân Khóm 5, Phường 1, TP Cà Mau, nhận xét: “Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn cho tôi hiểu là phải cài app công nghệ trên máy điện thoại, vừa giảm thời gian đi lại, giảm giấy tờ, giảm chờ đợi. Cái app này hay mà nhanh lẹ nữa”.

Chị Ðoàn Yến Nhi, ấp Bàu Sen, xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Sau khi được tập huấn về công nghệ số cộng đồng, tôi sẽ về phổ biến hướng dẫn lại cho các chị em trong tổ biết cài đặt ứng dụng trên máy điện thoại. Nói chung, qua tập huấn, tôi thấy cũng hơi khó trong cài đặt, nhưng khi đã cài đặt xong thì các thao tác tương đối dễ. Trong tổ phụ nữ của ấp ai cũng xài điện thoại nên cài đặt được ứng dụng này giúp kết nối với trường học, theo dõi con cái học dễ dàng hơn, rất tiện lợi”.

Việc ra mắt vận hành hiệu quả 93 tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 Cà Mau có 70% dân số trong độ tuổi lao động biết và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ thiết yếu khác trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2022 sẽ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số cho tối thiểu 10.000 lượt cán bộ Nhà nước, phổ cập kỹ năng số cơ bản cho tối thiểu 10 triệu lượt người dân. Các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn không chỉ giúp thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, mà còn góp phần tạo ra thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Ông Trần Việt Chương, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, chịu sự điều hành, chỉ đạo hoạt động chung của Sở Thông tin và Truyền thông; cũng như huy động sự tham gia của các doanh nghiệp bưu chính viễn thông, các đơn vị có liên quan tại địa bàn để hỗ trợ người dân tiếp cận các nền tảng số. Một nhiệm vụ nữa là phải tham gia tích cực và có hiệu quả vào các mạng lưới công nghệ số cộng đồng trên phạm vi toàn quốc”.

Dự kiến, thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai công tác chuẩn bị bồi dưỡng chuyển đổi số cho khoảng 30.000 công chức, viên chức, 200.000 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và bồi dưỡng kỹ năng số miễn phí cho người dân, phối hợp UBND của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức khoá bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số cho lãnh đạo UBND cấp xã và tổ công nghệ số cộng đồng, người dân.

Việc ứng dụng công nghệ mới vào các lĩnh vực của đời sống xã hội giúp người dân trải nghiệm những dịch vụ mà trước nay chưa từng biết đến, điều này góp phần thay đổi nhận thức của người dân về các hoạt động quản lý, điều hành của Nhà nước, tăng cường tương tác với chính quyền bởi tiện ích của các dịch vụ chính quyền, góp phần quan trọng và sự thành công của Chính quyền số./.

Nguồn: Nòng cốt giúp dân tiếp cận công nghệ

Hoàng Vũ

baocamau.com.vn