Cà Mau: Thiết thực bảo vệ môi trường

04:00 | 29/12/2022

|
Ðể bảo vệ môi trường, xã Tân Thành, TP Cà Mau, đã triển khai mô hình thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình. Mô hình này góp phần nâng cao ý thức của người dân chung tay cùng chính quyền địa phương giữ vững tiêu chí môi trường, xây dựng xã NTM nâng cao.
Cà Mau: Ao nổi nuôi tôm công nghệ caoCà Mau: Ao nổi nuôi tôm công nghệ cao
Cà Mau: Xử lý nghiêm gian lận thương mạiCà Mau: Xử lý nghiêm gian lận thương mại

Là một xã vùng ven thành phố, địa bàn Tân Thành chưa có xe tải đến thu gom rác. Rác sinh hoạt hàng ngày, người dân tự xử lý nên chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhận thấy tình hình này, xã Tân Thành đã phát động thực hiện mô hình thu gom rác tại hộ gia đình, vận động người dân phân loại rác, không vứt rác bừa bãi, bỏ rác vào sọt để đội thu gom rác đến thu gom.

Dưới hình thức mỗi hộ dân trang bị sọt đựng rác, phân loại và bỏ rác vào sọt, mỗi tháng chi phí thu gom rác là 25.000 đồng/hộ. Mỗi tuần 3 lần, đội thu gom rác thải, bảo vệ môi trường của ấp sẽ đến tận nhà dân gom, chở ra bãi tập kết rác để Công ty Môi trường Ðô thị đến thu gom xử lý.

Mỗi hộ dân trang bị sọt đựng rác, phân loại và bỏ rác vào sọt; đội thu gom rác thải, bảo vệ môi trường của ấp sẽ đến tận nhà dân gom, chở ra bãi tập kết rác.

Ông Phan Văn Thọ, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho biết: “Mô hình thu gom rác thải tại hộ gia đình được xã triển khai gần 4 năm, đạt hiệu quả rất cao. Trên địa bàn xã có 6 ấp, ban đầu thí điểm tại Ấp 4. Sau gần 1 năm triển khai được bà con ủng hộ nên đã nhân rộng ra thêm 3 ấp nữa, gồm Ấp 2, Ấp 3 và Ấp 5”.

Ấp 2 có trên 400 hộ dân thì có 200 hộ tham gia mô hình. Ông Hồ Văn Chi, Trưởng Ấp 2, chia sẻ: “Ban đầu khi triển khai mô hình, ấp có vận động từ nguồn xã hội hoá mua sọt rác cho bà con. Tham gia mô hình là những hộ có nhà dọc theo trục lộ chính của ấp. Ðối với các tuyến nhánh nhỏ, trước mắt ấp đã vận động bà con đào hố chôn, đốt rác; sắp tới ấp sẽ tổ chức thêm lực lượng để thu gom trong các tuyến này, góp phần cùng xã giữ vững tiêu chí môi trường”.

Ông Trần Văn Ðiện, người dân Ấp 2, bày tỏ: “Khi xã phát động mô hình này, tôi và bà con rất đồng tình. Ở nông thôn không giống như thành thị mà có xe tải đến thu gom rác. Nên mỗi người, mỗi nhà phải có ý thức giữ vệ sinh chung, bỏ rác vô sọt cho anh em trong đội thu gom rác đến lấy. Tuyệt đối không vứt rác xuống sông. Giữ môi trường xanh - sạch cũng chính là giữ sức khoẻ cho bản thân và gia đình mình”.

Ðể chung tay bảo vệ môi trường, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã và ấp còn thường xuyên ra quân vận động người dân phân loại rác. Các loại rác có thể tái chế thì để riêng; bọc nilon, rác thải nhựa không thể tái chế thì bỏ vào sọt rác để thu gom; rác vô cơ dễ phân huỷ thì dùng ủ phân để bón cho cây trồng. Cách làm này cũng được bà con đồng tình thực hiện.

“Ðể phát huy hơn nữa hiệu quả của mô hình, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, vừa qua, xã đã tổ chức họp dân để lấy ý kiến nhân rộng mô hình thu gom rác thải tại hộ gia đình ra 2 ấp còn lại của xã và được 100% bà con đồng tình thống nhất. Hiện nay, các ấp đang tổ chức lực lượng và phương tiện. Dự kiến qua tháng 1/2023 sẽ triển khai mô hình trên toàn xã”, ông Phan Văn Thọ thông tin.

Chất thải sinh hoạt không được xử lý đúng cách là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Thu gom rác tại hộ gia đình là một mô hình hay, thích hợp để thực hiện ở những nơi mà xe thu gom rác chưa đến được; không chỉ giúp đường làng ngõ xóm thông thoáng, sạch đẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường mà còn nâng cao ý thức của người dân, chung tay cùng chính quyền tham gia xây dựng NTM nâng cao./.

Nguồn: Thiết thực bảo vệ môi trường

Thái Trinh

www.baocamau.com.vn