Cà Mau: Việc nghĩa của Sáu Te

21:53 | 05/01/2022

|
Cuộc gặp anh Sáu Te thật bất ngờ, ngay lúc gia đình anh đang bận rộn hấp những mẻ bánh bao gửi tặng các khu cách ly, phong toả trên địa bàn huyện U Minh. Ðây là lời hứa của anh Sáu sau những ngày điều trị Covid-19 tại khu cách ly. Anh mong muốn mọi người có thêm bữa ăn ngon miệng, mau chóng phục hồi sức khoẻ, góp một phần sức cùng chính quyền chăm lo cho người bệnh.

Anh Sáu Te tên thật là Lê Văn Huấn, sinh năm 1976, quê gốc ở huyện Cái Nước. Trước đây anh làm đủ thứ nghề để mưu sinh, từ bán bánh bao cho đến bán nước mía, sinh tố, yaourt... Làm mãi không khá giả, 8 năm nay, anh gom hết vốn liếng về thị trấn U Minh mở dịch vụ mai táng. Duyên nợ trong nghề nghiệp mở ra cơ hội mới, đủ để anh Sáu vun vén cho gia đình và làm việc thiện.

Làm nhiều việc giúp người không so đo được mất, đơn giản anh Sáu nghĩ đó là phần việc mình nên làm, phải làm, chỉ vậy thôi. Bởi vậy, khi được hỏi đến nay đã giúp đỡ được bao nhiêu hoàn cảnh, anh Sáu cũng không nhớ nổi.

Cà Mau: Việc nghĩa của Sáu Te
Gạo lúc nào cũng có trong nhà để anh Sáu tặng người cần.

Bà Ngô Lệ Thu (huyện U Minh), người từng nhờ anh Sáu Te hỗ trợ giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, bộc bạch: “Không chỉ làm việc giúp người, mà ở Sáu Te, tôi thấy đây là con người đạo đức trong cả ngành nghề đang làm. Chẳng hạn như có những hoàn cảnh đi biển Khánh Hội chẳng may qua đời, cơ thể đã biến dạng, gia đình thân nhân không có, khi chính quyền liên hệ, anh Sáu sẵn sàng tổ chức ma chay ngay trên phần đất của mình. Rồi dựng rạp, nấu ăn, đãi khách như một đám tang thực thụ. Ðặc biệt, khi cử hành là lựa ngày giờ lành để mai táng, cử người trực đêm chứ không làm qua loa, nói chung vừa bỏ công, bỏ sức, tiền bạc, ít người được như vậy”.

Việc tặng quan tài, kiêm mai táng miễn phí là việc nghĩa thường thấy của nhiều dịch vụ mai táng để giúp đỡ người nghèo, người vô gia cư khi nhắm mắt. Với anh Sáu, không chỉ thế, anh còn dành riêng một phần đất hơn 3 công làm khu chôn cất những người bất hạnh qua đời mà chưa có nơi yên nghỉ.

Dẫn ra khu đất, nơi 13 hoàn cảnh đang nằm đó, anh trầm giọng: “Từng mai táng nhiều hoàn cảnh, nhưng tôi xót thương hơn hết là hoàn cảnh đầu tiên tôi mời về nằm trên phần đất này. Em ấy là người dân tộc, sinh năm 1995, thuộc diện hộ nghèo, mất 1 năm sau thì chồng cũng mất, bỏ lại con thơ cho ông ngoại chăm sóc, cả 2 vợ chồng đều nghèo và tôi sắp đặt cho nằm cạnh nhau, như niềm an ủi. Hiện họ còn khó khăn thì tạm nằm đây, nếu gia đình sau này có khá giả hoặc có nhu cầu lấy cốt về thì tôi vẫn sẵn lòng”.

Không chỉ chăm lo cho người mất mà đối với người sống, anh Sáu cũng đối đãi tử tế, nhất là người nghèo, bệnh tật, người già neo đơn, chưa bao giờ anh Sáu lắc đầu hay từ chối giúp đỡ. Năm 2020, anh Sáu quyết định bỏ ra 700 triệu đồng để mua một xe cấp cứu chuyên chở miễn phí cho người nghèo.

Nói về duyên cớ này, anh Sáu bùi ngùi: “Từng chứng kiến cảnh người nghèo phải chật vật trong cơn hấp hối mà xe cứu thương ở bệnh viện thì có hạn, nên tôi bàn với vợ mua một chiếc xe để cứu người lúc khẩn cấp”.

Ðó là những trường hợp khẩn cấp, còn thường xuyên, nhà anh Sáu lúc nào cũng có gạo để gửi tặng người nghèo. 6 năm trở lại đây, đều đặn mỗi rằm tháng Bảy âm lịch, gia đình mở đợt cấp phát gạo cho bà con. Năm đầu tiên thì phát 100 suất, năm 2 tăng lên 150 suất, từ năm 3 duy trì từ 300-500 suất, các hoàn cảnh đều do anh rà soát, về ghi chú lại.

Giữa tâm dịch, từ khu điều trị trở về nhà, anh Sáu có thêm ý nghĩ mới, sẽ nấu thêm khẩu phần ăn cho bà con và lực lượng làm nhiệm vụ tại khu cách ly vào cử tối lúc 19 giờ. Ðể chuẩn bị cho kịp trên dưới 200 suất ăn, từ 10 giờ gia đình đã bắt tay vào bếp, có khi là bánh bao, nui, cháo, bánh lọt…, thực đơn luân phiên thay đổi. Tuy bận rộn vừa việc nhà, vừa việc bên ngoài, nhưng cả anh chị Sáu Te rất phấn khởi vì đây là việc hữu ích nên làm. Giai đoạn dịch bệnh thì ngoài gạo, gia đình anh còn gửi tặng bà con tiền mặt, từ 100.000-200.000 đồng cùng 20 kg gạo/người.

Cà Mau: Việc nghĩa của Sáu Te
Suất ăn tối được gia đình chuẩn bị tươm tất gửi đến các khu điều trị, cách ly tập trung trong mùa dịch.

Tất bật đi chợ về nấu nướng, mỗi ngày một món, số suất ăn dù tăng hay giảm, chị Nguyễn Ngọc Pha (sinh năm 1980), vợ anh Sáu đều làm rất chu đáo.

Là hậu phương vững chắc để anh Sáu yên tâm hơn khi đi làm nhiều việc thiện bên ngoài, chị Pha chia sẻ: “Cũng như mình nấu thêm bữa ăn cho gia đình, nhưng số suất nhiều hơn thôi. Không mong gì hết, chỉ cần người ăn thấy ngon là tôi vui rồi. Riêng anh Sáu có làm việc gì tôi cũng ủng hộ hết mình”.

Hiện tại, cơ sở đã mở rộng thêm nhiều chi nhánh ở huyện U Minh, bao gồm các xã: Nguyễn Phích, Khánh Tiến, Khánh Hội và xã Ðông Hưng, Tân Hưng thuộc huyện Cái Nước. Ðặc biệt, tại mỗi nơi đều có hỗ trợ quan tài miễn phí cho người nghèo, khó khăn, đó là tâm ý, cũng là sự tôn trọng nghề nghiệp. Sau nhiều năm bôn ba, anh Sáu hài lòng với cuộc sống hiện tại, mong muốn có sức khoẻ để làm nhiều việc nghĩa giúp đời, giúp người. Bởi với anh, cho đi là còn mãi./.

Nguồn: Việc nghĩa của Sáu Te

Ngô Nhi

baocamau.com.vn