Các con ơi, đừng bao giờ nản lòng nhé!

09:30 | 16/07/2024

|
Nếu các con thất bại, đó không phải là kết thúc, mà là cơ hội để học hỏi và vươn lên. Các con ơi, đừng bao giờ nản lòng nhé!...
Các con ơi, đừng bao giờ nản lòng nhé!
Việc rút kinh nghiệm, đánh giá lại bản thân quan trọng hơn cả việc đỗ trượt, điểm cao hay thấp. Ảnh minh họa

Từ câu chuyện trượt nguyện vọng

Kể từ sau thời điểm công bố điểm chuẩn vào lớp 10, nhiều gia đình vui mừng khoe con thi đỗ tất cả các nguyện vọng trên mạng xã hội, được bố mẹ thưởng cho những chuyến đi du lịch xa hay mua xe máy cho đi học ở ngôi trường mới.

Nhưng cũng có những gia đình lại rơi vào cảnh buồn tủi, thất vọng vì con thi trượt tất cả các nguyện vọng hoặc con thi trượt nguyện vọng 1, phải học ở ngôi trường công lập không mong muốn, học ở một trường tư thục với chi phí tốn kém hơn hay phải đi học hệ giáo dục thường xuyên và trường nghề. Đôi khi, niềm vui của gia đình này lại là nỗi buồn của gia đình khác khi mà sự cạnh tranh để có một suất thi đỗ vào lớp 10 ở Hà Nội mỗi năm lại càng trở nên quá khốc liệt như vậy.

Tôi vô tình được bạn bè chia sẻ một bài viết được cho là của một nam sinh, sinh năm 2009, trượt nguyện vọng 1 khiến tôi cảm thấy day dứt, bật khóc và thương cho đứa trẻ còn non nớt mới 15 tuổi ấy đã rơi vào hoàn cảnh không may mắn gặp ngay phải cú sốc đầu đời.

Tôi cũng làm mẹ của hai cô con gái, năm 2021 con gái lớn của tôi cũng đã từng tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của TP Hà Nội và tôi cũng đã từng trải qua giai đoạn lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì con như biết bao phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm ấy. Chỉ là, con gái tôi may mắn thi đỗ tất cả các nguyện vọng và tôi không phải buồn hay thất vọng như những cha mẹ có con thi trượt.

Có thể nói rằng, đau khổ, buồn chán, thất vọng, tự ti... là tâm trạng chung của nhiều thí sinh không đạt kết quả thi như mong muốn. Học sinh ngày nay phải chịu khá nhiều áp lực, vừa là áp lực tâm sinh lý lứa tuổi, áp lực học hành, thi cử, áp lực phải bằng với các bạn đồng trang lứa.

Một số em lại phải “cõng” trên vai cả những mong muốn, ước mơ của bố mẹ. Do vậy, khi em nào không may mắn bị trượt hết các nguyện vọng hoặc trượt nguyện vọng 1, không ít em sẽ cảm thấy bản thân thất bại, trở nên buông xuôi, tự cô lập mình với gia đình, bạn bè, người thân, thậm chí có những em có xu hướng tự trừng phạt bản thân mình.

Nguồn:Các con ơi, đừng bao giờ nản lòng nhé!

TS Vũ Thị Minh Huyền (Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam)

giaoducthoidai.vn