Cần Thơ: Hội nhập từ đẩy mạnh đổi mới sáng tạo

08:24 | 14/11/2021

|
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH-KT) TP Cần Thơ vừa tổ chức đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2026. Giai đoạn 2016-2021, liên hiệp hội đã làm tốt việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào cuộc sống, với những sáng kiến, đề tài thiết thực, hiệu quả. Thành quả này cũng góp phần đưa khoa học - công nghệ (KH-CN) là khâu đột phá, giúp TP Cần Thơ hội nhập và phát triển với vị thế trung tâm vùng ÐBSCL.
Cần Thơ: Hội nhập từ đẩy mạnh đổi mới sáng tạo
Thí sinh trình bày giải pháp dự thi Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Cần Thơ lần thứ IX, năm 2019-2020.

Ứng dụng KH-KT vào cuộc sống

Ðiểm sáng trong hoạt động của Liên hiệp các Hội KH-KT TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2021 là hoạt động nghiên cứu khoa học, hầu hết đều được ứng dụng vào đời sống. Liên hiệp hội và các hội thành viên đều xác định hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là nhiệm vụ then chốt, vừa thúc đẩy ứng dụng KH-CN, vừa giúp cải tiến, phát minh, phát triển sản phẩm mới nâng cao năng suất, chất lượng cuộc sống. Từ đó, hoạt động nghiên cứu KH-KT góp phần mang lại hiệu quả kinh tế xã hội. 5 năm qua, liên hiệp hội và các hội thành viên đã thực hiện 15 đề tài, dự án KH-CN, với nhiều lĩnh vực cấp thiết trong việc xây dựng văn minh đô thị và nông thôn mới ở TP Cần Thơ như cải thiện môi trường sống, sản xuất nông sản sạch, ứng dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất, nghiên cứu giống cây trồng vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu...

Dự án KH-CN “Xây dựng mô hình sản xuất hoa chậu tại Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ” do Liên hiệp các Hội KH-KT TP Cần Thơ chủ trì thực hiện, đã nghiệm thu và ứng dụng tại quận Bình Thủy là một điển hình. Trồng hoa chậu với thời gian rút ngắn, ít tốn công chăm sóc, ít tốn diện tích, chủ động được nguồn giống… với lợi nhuận lại tăng đến 4 lần so với kiểu trồng truyền thống là hiệu quả mà dự án mang lại cho nông dân. Dự án đã hoàn thiện và chuyển giao quy trình sản xuất hoa chậu phục vụ trang trí nội, ngoại thất tại Làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ. Trong đó, dự án xây dựng được những mô hình mang tính kiểu mẫu trong việc trồng hoa chậu để làm cơ sở nhân rộng. Ông Huỳnh Văn Bằng, người dân Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ, cho biết: Từ dự án, ông được hỗ trợ nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt và giống trồng thử nghiệm. Trên cơ sở đó, hơn 2 năm qua, ông Bằng đã nắm vững kỹ thuật trồng hoa chậu, tận dụng cơ sở vật chất được dự án trang bị để gia tăng quy mô sản xuất.

Ngoài ra, nhiều dự án, đề tài nghiên cứu KH-KT khác cũng đã và đang được ứng dụng trong sản xuất như “Xây dựng mô hình chuỗi sản xuất rau non an toàn cho vùng rau TP Cần Thơ”, “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện Cờ Ðỏ” (Trung tâm Dịch vụ KH-CN, thuộc Liên hiệp các Hội KH-KT TP Cần Thơ)... Hay các mô hình ứng dụng tiến bộ KH-KT của Hội Làm vườn TP Cần Thơ như lắp đặt hệ thống tưới phun tự động cho vườn cây ăn trái, trình diễn trồng hoa sứ Kim Tháp Thái Lan, nhà màng trồng hoa lan kiểng...

Ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhiều đề tài, dự án cũng đang phát huy hiệu quả rõ nét. Sau khi đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và quảng bá Bảo tàng TP Cần Thơ” do lãnh đạo Hội Tin học làm đồng chủ nhiệm được nghiệm thu, trang web của Bảo tàng thành phố được cập nhật với nhiều tính năng, giúp khách tham quan dễ dàng tiếp cận thông tin hiện vật, tài liệu di sản. Từ đề tài này, hệ thống thông tin quản lý hiện vật như khai báo, cập nhật, chỉnh lý, giám sát và khai thác thông tin; số hóa hiện vật, tài liệu hồ sơ hiện vật tại bảo tàng... được đưa vào hoạt động.

Phát triển sáng tạo KH-CN

Ðiển hình trong phát triển sáng tạo KH-CN ở TP Cần Thơ thời gian qua chính là Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng thành phố.

Cụ thể, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng thành phố được tổ chức hằng năm, qua 5 lần tổ chức đã tập hợp trên 3.200 mô hình, giải pháp. Thành tích ấn tượng là nhiều giải pháp chọn lựa từ cuộc thi này đã tham gia các cuộc thi toàn quốc, quốc tế và đạt nhiều giải thưởng cao. TP Cần Thơ là địa phương 2 năm liên tiếp được trao giải Ðặc biệt tại Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 14, lần thứ 15. Cũng tại cuộc thi này cấp toàn quốc, 5 năm qua, đơn vị TP Cần Thơ đoạt thêm 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 2 giải Ba và 9 giải Khuyến khích, 2 lần tham gia triển lãm quốc tế tại Ấn Ðộ và Indonesia.

Cần Thơ: Hội nhập từ đẩy mạnh đổi mới sáng tạo
Từ nhiều đề tài KH-CN do Liên hiệp các Hội KH-KT TP Cần Thơ thực hiện, bà con làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ đã tiếp cận và ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất.

Có thể nói, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng thành phố đã gầy dựng và phát triển phong trào sáng tạo KH-KT, khơi dậy tiềm năng nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên. Trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Ðiền) là điển hình đoạt giải cao tại cuộc thi này. Hầu như cuộc thi năm nào học sinh của trường cũng đoạt giải. Có thể kể đến đề tài “Xe lăn tiện ích” đoạt giải Ðặc biệt Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 15. Hay gần nhất là robot chữa cháy ra đời từ giải pháp “Thiết kế, điều khiển robot hỗ trợ chữa cháy”, đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Cần Thơ lần thứ 9, năm 2019-2020. Thầy Nguyễn Phúc Thịnh, giáo viên Trường THPT Phan Văn Trị, người “truyền lửa” nghiên cứu KH-KT cho học sinh, cho rằng, chính những cuộc thi do Liên hiệp các Hội KH-KT tổ chức đã tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, giúp các em vừa học vừa hành.

Còn với Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ, giai đoạn 2016-2021 có 2 lần tổ chức và 148 giải pháp tham dự. Các giải pháp từ cuộc thi này được chọn dự thi cấp toàn quốc, đoạt 1 giải Nhất, 3 giải Khuyến khích, 1 giải Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Ngoài ra, nhiều giải pháp tại hội thi đã vinh dự được đưa vào Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam. Gần nhất là 3 công trình: “Thiết bị tạo nước ion nông nghiệp” của nhóm tác giả: Hồ Quốc Hùng, Trương Hoàng Phương, Nguyễn Thị Tố Uyên, Nguyễn Minh Ðông; “Cải tiến bàn xạ trị vùng chậu cho máy Cobalt 60” của nhóm tác giả: Dương Tấn Phúc, Trần Thanh Phong, Biện Minh Tâm; “Dụng cụ thí nghiệm - thực hành hỗ trợ giảng dạy môn Vật lý - Công nghệ ở trường phổ thông” của tác giả Trang Minh Thiên giới thiệu trong Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam 2021, từng đạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ năm 2019-2020.

Tiến sĩ Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian tới, liên hiệp hội và các hội thành viên sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức, thực hiện tốt chức năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức KH-CN, các chuyên gia giỏi, tâm huyết để chủ động tham mưu, đề xuất cho thành phố những vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội; đóng góp có hiệu quả vào quá trình xây dựng Cần Thơ thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, trung tâm động lực phát triển vùng ÐBSCL. Trong đó, việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH-KT là then chốt, giúp đẩy nhanh quá trình hội nhập và phát triển của thành phố.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Liên hiệp các Hội KH-KT cần tập trung tăng cường liên kết, hợp tác với các viện, trường, sở, ngành... trong chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH-KT. Tập hợp lực lượng trí thức, thực hiện tốt Nghị quyết 02-NQ/TW của Thành ủy Cần Thơ về phát triển, ứng dụng KH-CN trong thời gian tới.

Nguồn: Hội nhập từ đẩy mạnh đổi mới sáng tạo

Duy Khôi

baocantho.com.vn