Cần Thơ: Nghề "kết nối lương duyên"

18:13 | 25/04/2022

|
Ðó là câu nói vui mà nhiều người dành cho chị La Kim Ngọc, ở phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, người gắn bó với nghề làm bánh phu thê và kết mâm quả lễ cưới hỏi gần 10 năm qua.
Cần Thơ: Nghề
Chị Kim Ngọc xếp mâm quả bánh phu thê cho khách.

Chị Kim Ngọc được mẹ dạy nghề làm bánh phu thê và các loại bánh dân gian khác từ khi còn nhỏ tuổi. Mê và học làm bánh phu thê từ rất sớm nhưng chị không rõ loại bánh đậm chất truyền thống này có từ bao giờ, chỉ nghe những người làm bánh truyền tai nhau rằng, bánh phu thê bắt nguồn từ sự tích vua Lý Anh Tông đi đánh trận, người vợ ở nhà thương chồng vất vả đã tự tay vào bếp làm bánh gửi cho chồng. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng nên đặt tên bánh là phu thê.

Chị Kim Ngọc cho biết, bánh phu thê biểu tượng cho sự thủy chung, son sắt, thường xuất hiện trong lễ hỏi, tiệc cưới với ý nghĩa cầu chúc cho hạnh phúc vợ chồng bền chặt. Hầu như miền nào cũng có bánh phu thê trong mâm quả cưới, nhưng miền Nam có phần khác biệt hơn. Bánh của miền Nam không gói bằng lá chuối và không sử dụng bột gạo. Ðể có được chiếc bánh thơm ngon, chị Kim Ngọc chọn nguyên liệu rất kỹ lưỡng; mỗi đoạn công đoạn được thực hiện rất tỉ mỉ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên liệu bánh phu thê gồm có: bột năng, bột sắn, đậu xanh, nước cốt dừa, đường cát trắng, nước, một ít dầu ăn. Bánh sử dụng màu từ lá dứa, hoa đậu biếc, gấc,… Chị Kim Ngọc chia sẻ: “Mỗi gia đình có bí quyết làm bánh phu thê riêng để tạo nên hương vị đặc biệt của mình. Nhân bánh được làm bằng đậu xanh đãi sạch vỏ, đồ chín với đường trắng, nước cốt dừa. Ðậu xanh ngâm trước 6 tiếng và nấu trong thời gian 10 phút. Sau khi chuẩn bị xong các nguyên liệu, tôi đổ bột vào khuôn, đặt nhân vào và bắt đầu hấp chín. Bánh thiệt nguội thì mới gói, để tránh bị đọng nước sẽ dễ bị thiu”. Theo chị Kim Ngọc, nghề làm bánh phu thê rất vất vả. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công nên tốn nhiều nhân lực, công sức. Ðể làm nên chiếc bánh thơm ngon, người làm bánh cần cẩn trọng trong từng công đoạn nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mẻ bánh. Bên cạnh đó, bánh phu thê chỉ có thể để được trong thời gian khoảng 3 ngày nên các khâu làm bánh và gói hộp lá dừa đều không thể chuẩn bị sẵn. Hầu như, ngày nào chị phải thức khuya dậy sớm để làm ra những mẻ bánh mới cho khách.

Ngày nay, bánh phu thê rất phổ biến, được nhiều người yêu thích. Người ta đặt bánh phu thê vào mâm quả cưới như một lời chúc phúc đôi vợ chồng trẻ sống với nhau thủy chung đến răng long đầu bạc. Vốn tính tỉ mỉ và yêu cái đẹp, chị Kim Ngọc cho biết, ngay cả cách xếp bánh phu thê vào mâm quả cưới cũng lắm công phu, nếu không chuyên nghiệp thì rất dễ đổ ngã. Mỗi mâm quả thường sắp chẵn 100 cái bánh; cũng có người đặt mâm quả với 105 cái bánh với ý nghĩa “trăm năm phu thê”. Mẫu xếp bánh được chị làm theo nhiều hình dáng khác nhau, như: kiểu hình tháp, hình ngôi sao, hình tứ giác,… tùy theo yêu cầu của khách hàng.

“Mùa cưới” từ tháng 12 đến tháng giêng năm sau là thời điểm chị Kim Ngọc luôn tất bật với công việc. Bình quân mỗi ngày, chị giao khoảng 400-500 cái bánh, với giá 5.200 đồng/cái. Có những ngày cao điểm, chị giao sỉ tận 1.700 cái bánh cho nhiều địa chỉ kinh doanh dịch vụ cưới, tiệm bán trái cây, in thiệp cưới... trên địa bàn thành phố. Nhờ nghề này, giúp gia đình chị có thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Ngoài món bánh phu thê chủ lực, chị Kim Ngọc còn có dịch vụ kết mâm quả phục vụ tiệc cưới. Qua bàn tay của chị, những mâm trái cây rồng, phụng; tháp trầu cau tươi xanh… trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động. “Ðể ngày vui của khách hàng trọn vẹn, viên mãn, tôi luôn tâm niệm phải thật chú trọng, tỉ mỉ trong từng công đoạn nhỏ. Tuy vất vả nhưng tôi rất vui vì được sống hết mình với đam mê, gắn bó với nghề như một mối duyên” - chị Kim Ngọc bộc bạch.

Nguồn: Nghề "kết nối lương duyên"

Kiến Quốc

baocantho.com.vn