Cần Thơ Rộn ràng ngày hội đờn ca tài tử trên đất Tây Đô

09:39 | 10/04/2022

|
Từ ngày 6 đến ngày 11-4, tại Cần Thơ diễn ra Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) quốc gia lần thứ III năm 2022, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức. Trong khuôn khổ Liên hoan, Hội thi Nghệ thuật ĐCTT và Không gian ĐCTT thu hút đông đảo các tài tử, khán giả và người mộ điệu gần xa về tham gia, thưởng thức, giao lưu. Tiếng đờn, lời ca rộn ràng hòa nhịp tri âm, góp phần tôn vinh và lan tỏa loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tài tử so tài

Cần Thơ Rộn ràng ngày hội đờn ca tài tử trên đất Tây Đô
Tiết mục ca ra bộ “Anh Hai tài tử” của đơn vị TP Cần Thơ có sự tham gia của bé Như Ý, 9 tuổi.

Theo định kỳ, Liên hoan ĐCTT quốc gia 3 năm tổ chức một lần. Nhưng vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên Liên hoan lần thứ III phải dời từ năm 2020 sang 2022. Do vậy, các tài tử của các tỉnh, thành nô nức đến với ngày hội năm nay để được thi tài, gặp gỡ, giao lưu và học hỏi sau nhiều năm gián đoạn. Trong đó, Hội thi Nghệ thuật ĐCTT là sân chơi chuyên nghiệp được mong chờ tại Liên hoan. Hội thi diễn ra buổi sáng và buổi chiều tại Nhà biểu diễn Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ.

Hội thi năm nay quy tụ gần 500 tài tử đến từ 21 tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ và miền Đông Nam Bộ có loại hình ĐCTT. Mỗi đội gồm các tài tử đờn, tài tử ca dự thi một chương trình dài 35 phút với các tiết mục đờn, ca có chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, giới thiệu nét đẹp nổi bật của quê hương mình… Tham gia hội thi là những anh tài được tuyển chọn kỹ lưỡng trong giới ĐCTT của từng địa phương, cộng với sự đầu tư chu đáo về nội dung, kịch bản, bối cảnh, trang phục, đạo cụ… nên các đơn vị đã mang đến những chương trình, tiết mục đặc sắc và chất lượng. Điển hình như Đoàn Cần Thơ, đơn vị chủ nhà, đã mở màn hội thi với chương trình có chủ đề “Cần Thơ hòa điệu phương Nam” hấp dẫn, lôi cuốn. Giữa sân khấu được bố trí những chiếc ghe xuồng chở hoa, nông sản với những cây bẹo đặc trưng của chợ nổi Cái Răng, Phong Điền, các nghệ nhân đờn, ca thể hiện những bài bản tổ, ca ra bộ, vọng cổ, hòa tấu đờn... một cách nhịp nhàng, ăn ý. Đoàn Đồng Tháp làm nổi bật những đặc trưng của vùng đất Sen Hồng không chỉ qua các tiết mục thi diễn mà còn đầu tư công phu về thiết kế sân khấu, đạo cụ; đặc biệt là 2 người dẫn chương trình hóa trang thành 2 đóa sen dẫn dắt khán giả đến với các tiết mục một cách ấn tượng, thú vị.

Để đến với Liên hoan năm nay, nhiều đoàn đã gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thời gian kéo dài do bị trì hoãn cùng với những trường hợp bị nhiễm COVID-19 đã khiến một số đoàn thay đổi nội dung kịch bản hoặc lực lượng tham gia so với kế hoạch ban đầu. Thế nhưng, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết đã giúp các địa phương và các tài tử vượt qua khó khăn, mang đến hội thi những chương trình trọn vẹn.

Cần Thơ Rộn ràng ngày hội đờn ca tài tử trên đất Tây Đô
Phần thi diễn của em Lâm Gia Hưng, 14 tuổi của đoàn Đồng Tháp.

Tình yêu ĐCTT còn được thể hiện qua những lực lượng trẻ kế thừa khi nhiều đơn vị có những thí sinh nhỏ tuổi góp mặt ở cả phần đờn và phần ca. Điển hình như bé Như Ý, 9 tuổi của đoàn Cần Thơ, tham gia tiết mục ca ra bộ “Anh Hai tài tử” cùng Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Trường Út và NNƯT Ái Hằng; hay các em Diễm My, 13 tuổi của Đoàn Tây Ninh, Lâm Gia Hưng 14 tuổi của đoàn Đồng Tháp, Nguyễn Ngọc Thúy Nga 15 tuổi của đoàn TP Hồ Chí Minh… Giọng ca trong trẻo nhưng chắc nhịp cùng với sự tự tin, phối hợp ăn ý với bạn diễn của các em đã mang đến làn gió mới và sự tươi trẻ cho hội thi. Lâm Gia Hưng tâm tình: “Năm 10 tuổi, em xem các tiết mục ĐCTT trên kênh YouTube và yêu thích nên học hát theo. Ba mẹ em cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho em học hỏi, theo đuổi bộ môn này. Em cũng đã tham gia một số hội thi về ĐCTT ở Đồng Tháp và đạt giải. Năm nay, được dự hội thi lớn này, em rất vui và cố gắng hết sức để đạt kết quả tốt nhất”. Đặc biệt, đoàn Bình Phước bên cạnh ban đờn chính thức còn có một ban đờn phụ gồm 6 em ở độ tuổi từ 10-17 tuổi; các em với các nhạc cụ: ghi-ta, kìm, tranh, cò, bầu, tứ đã hòa đờn cho các tiết mục thi diễn một cách tự tin, chuyên nghiệp. Ông Đỗ Hoài Thu, Phó trưởng đoàn Bình Phước, cho biết: “Các em đều là con cháu trong các gia đình tài tử ở miền Tây lên Bình Phước sinh sống, lập nghiệp. Các gia đình đã giữ gìn và phát huy bộ môn này bằng cách truyền nghề cho con cháu, đặc biệt lập ra Câu lạc bộ ĐCTT Đồng Thanh Quán ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập để những người yêu thích ĐCTT sinh hoạt và lan tỏa đến cộng đồng loại hình nghệ thuật đặc trưng của Nam Bộ”.

NSƯT, thạc sĩ Huỳnh Khải, Nguyên Trưởng khoa Âm nhạc của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Giám khảo Hội thi, đánh giá: “Hội thi lần 3 có nhiều điểm khác biệt so với 2 lần trước. Về nội dung bài ca, bên cạnh những bài về Đảng, Nhà nước thì có những bài ca ngợi gương người tốt việc tốt, đề cập đến những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa mới hay những nội dung có tính thời sự về tình hình dịch COVID-19. Về lực lượng, có nhiều em đang độ tuổi học sinh tham gia, cho thấy những đề án góp phần bảo tồn, phát huy, truyền nghề ĐCTT trong thế hệ trẻ rất thành công. Sân khấu, âm thanh ánh sáng năm nay rất hiện đại, chất lượng, góp phần làm nên thành công của hội thi”.

Đặc sắc không gian ĐCTT

Cần Thơ Rộn ràng ngày hội đờn ca tài tử trên đất Tây Đô
Người dân Cần Thơ hát giao lưu tại Không gian ĐCTT của TP Hồ Chí Minh.

Sau khi thi diễn sáng, chiều, các đoàn tập trung tại khu vực Quảng trường quận Bình Thủy vào buổi tối để sinh hoạt, giao lưu tại Không gian ĐCTT. Ban tổ chức bố trí cho mỗi địa phương một khoảng không gian khoảng 40m2, được thiết kế theo mô hình nhà Nam Bộ cách điệu. Các đơn vị tự trang trí cho phù hợp với đặc điểm văn hóa của địa phương, đồng thời biểu diễn các tiết mục ĐCTT để phục vụ khách tham quan. Ban tổ chức và Ban Giám khảo chấm điểm 2 nội dung: trang trí Không gian ĐCTT và yêu cầu nghệ nhân tại không gian đờn, ca bất cứ thể điệu nào trong 20 bài bản Tổ của nghệ thuật ĐCTT theo kiểu “sát hạch”.

Tham quan 21 Không gian ĐCTT, du khách thích thú với cách trang trí hình ảnh, mô hình, đạo cụ làm nổi bật được đặc điểm của từng địa phương. Cần Thơ tái dựng Nhà cổ Bình Thủy độc đáo, Ninh Thuận với vườn nho đẹp mắt, Vĩnh Long với nhà tranh mái lá và cây bưởi da xanh tiêu biểu; Long An với những nhạc cụ truyền thống được trưng bày trang trọng… Một số đơn vị còn dành một góc của không gian để trưng bày, giới thiệu những đặc sản của địa phương.

Phần biểu diễn của mỗi đơn vị đều phong phú và thu hút đông đảo người xem. Đặc biệt, bất cứ ai yêu thích ĐCTT đều có thể đến hát giao lưu lại các không gian của các tỉnh, thành. Chú Trần Minh Chi, ngụ phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, chia sẻ: “Tôi rất mê bộ môn này, nghe tin Cần Thơ đăng cai tổ chức Liên hoan ĐCTT quốc gia, tôi mong chờ, háo hức đã lâu. Nay được tham gia một ngày hội lớn như thế này, tôi rất phấn khởi vì được gặp gỡ, giao lưu với tài tử ở khắp nơi. Đêm nào tôi cũng đi và hát giao lưu với các đoàn. Tôi vui lắm và học hỏi được nhiều điều hay từ những tài tử, tri âm gần xa”. Không gian của TP Hồ Chí Minh là nơi nhộn nhịp và thu hút rất đông khán giả dự xem, tài tử đến giao lưu. Không chỉ có chương trình phong phú, tiết mục biểu diễn được đầu tư, đơn vị này còn hoạt động cả ban ngày vì nhiều câu lạc bộ, nhóm ĐCTT của các quận trên TP Hồ Chí Minh và các nơi đến giao lưu mỗi ngày.

Dù đạt giải gì, thành tích ra sao thì các đoàn tham gia Liên hoan cũng đều gặt hái được kết quả đẹp: đẹp từ tiếng đờn lời ca, đẹp bởi tình người, tình tri âm trên đất Tây Đô và những học hỏi, giao lưu quý giá. Để từ đó, góp phần gìn giữ và lan tỏa nghệ thuật ĐCTT ngày một sâu rộng và đại chúng hơn.

Nguồn: Rộn ràng ngày hội đờn ca tài tử trên đất Tây Đô

Lệ Thu

baocantho.com.vn